Có kỹ thuật mới không lo về năng suất
Xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trước đây là rốn phèn nên chỉ có thể làm lúa được 1 đến 2 vụ trong năm là mừng. Từ khi được ngành nông nghiệp đầu tư thủy lợi nội đồng vùng đất phèn chua này đã sản xuất được 3 vụ lúa trong năm. Đặc biệt, gần 7 năm qua bà con nông dân nơi đây còn được tiếp sức bởi Dự án VnSAT hỗ trợ tập huấn trong sản xuất. Qua những lớp tập huấn này kết quả được minh chứng bằng năng suất lúa của ruộng lúa nhà mình tăng từng năm.
Minh chứng về năng suất tăng hàng năm, anh Lê Văn Phước (ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) canh tác 3ha lúa nói: Trước đây khi còn làm 2 vụ/năm, lúa đông xuân năng suất cao lắm chỉ đạt từ 5-5,5 tấn/ha. Mấy năm gần đây vụ lúa đông xuân đạt từ 6,8-7,5 tấn/ha mặc dù làm 3 vụ/năm.
Anh Phước chia sẻ: Khi chưa được Dự án VnSAT tập huấn canh tác lúa tốn rất nhiều chi phí nên lợi nhuận thấp. Nguyên nhân là do chúng tôi có thói quen tự để giống của vụ trước cho vụ sau và sạ rất dày với lượng giống lên tới 200 kg/ha. Với suy nghĩ sạ dày để ém cỏ, trừ hao hụt khi bị ốc bươu vàng ăn và chuột cắn phá. Ngoài ra, chúng tôi thường bón nhiều phân đạm nên lúa hay bị sâu bệnh tấn công phải tốn thêm vài cữ phun xịt thuốc.
Để thay đổi được thói quen này, từ năm 2018 anh Phước tham gia vào Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Anh được mời đi dự nhiều lớp tập huấn theo hướng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nên mới có được như ngày hôm nay. Sau khi tham dự qua các buổi tập huấn và làm mô hình điểm trình diễn áp dụng canh tác lúa theo hướng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” anh Phước đã thấy được sự khác biệt. Anh Phước mạnh dạn thay đổi thói quen cũ. Bước đầu tiên là anh quyết định sạ thưa để giảm lượng giống. Bước thứ hai là giảm lượng phân đạm, bớt số lần phun thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt từ năm 2020 anh Phước tham gia vào HTX tại địa phương và được hưởng nhiều quyền lợi. Cụ thể HTX cung cấp vật tư nông nghiệp, lúa giống và liên kết sản xuất với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Qua đó tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay anh Phước cảm thấy rất yên tâm và phấn khởi.
VnSAT giúp người trồng lúa tiết giảm chi phí
Ông Trần Tấn Phương (ấp 1, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) canh tác 6 ha lúa, nhờ VnSAT tập huấn nên ông ứng dụng tốt “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong nhiều vụ lúa vừa qua giúp gia đình khá giả hơn. Cụ thể trong việc gieo sạ giảm từ 200 kg/ha/vụ xuống còn 120kg/ha/vụ. Bón phân đạm 120 kg/ha/vụ, so với lúc chưa áp dụng giảm được 60 kg/ha/vụ. Số lần phun thuốc trừ sâu, rầy so với lúc chưa áp dụng giảm được 1 lần/vụ. "Nhờ Dự án VnSAT đã giúp tôi làm lúa ngày càng trúng mùa, bán giá cao, cuối vụ không còn lo lắng chuyện đầu ra nữa", ông Phương phấn khởi nói.
An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh có diện tích sản xuất lúa gạo lớn ở ĐBSCL. Những năm qua được sự hỗ trợ từ Dự án VnSAT nhiều nông dân, Tổ hợp tác (THT) và Hợp tác xã (HTX) trồng lúa ở những địa phương này đã áp dụng thành thạo tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Theo đó giúp giảm được chi phí trong sản xuất lúa và tăng lợi nhuận từ 15-25% so với cách làm truyền thống.
Với diễn biến giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao trong thời gian gần đây, Dự án VnSAT đã tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho người trồng lúa. Theo đó góp phần tích cực giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng.
Theo Ban quản lý Dự án VnSAT Đồng Tháp, Dự án được triển khai tại 6 huyện (Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh) với tổng diện tích gần 31.800ha và trên 21.200 hộ ở 23 thị trấn, 41 HTX và 1 Tổ hợp tác. Dự án VnSAT có tác động lớn đến ngành nông nghiệp, làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của bà con nông dân và HTX, hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, gia tăng lợi nhuận theo chuỗi giá trị. Dự án VnSAT, ngoài việc tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo hướng “3 giảm 3 tăng”, 1 phải 5 giảm còn kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất với HTX, bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT