| Hotline: 0983.970.780

Những đóa hoa thơm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

[Bài 5]: Phát huy vai trò già làng, người có uy tín

Thứ Bảy 27/08/2022 , 15:41 (GMT+7)

Ngoài vai trò cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, đội ngũ già làng, người có uy tín Bình Phước còn là điểm tựa tinh thần để động viên bà con phát triển kinh tế.

“Ngọn đuốc” soi đường

Bình Phước có 40 dân tộc cùng chung sống, trong đó khoảng 20% đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì sự nỗ lực vươn lên của nhiều hộ dân đã từng bước làm đổi thay diện mạo vùng dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, các già làng, người có uy tín đã chủ động thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trở thành những “ngọn đuốc” soi đường, tạo động lực cho đồng bào mình cùng vươn lên, xóa nghèo, làm giàu chính đáng.

Già làng Điểu Chơn xã Thiện Hưng (áo đỏ), không chỉ làm kinh tế giỏi, già còn dạy con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ảnh: Trần Trung.

Già làng Điểu Chơn xã Thiện Hưng (áo đỏ), không chỉ làm kinh tế giỏi, già còn dạy con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ảnh: Trần Trung.

Theo Ban dân tộc tỉnh Bình Phước, hiện nay, Bình Phước có 94 già làng và 364 người có uy tín. Trong những năm qua, người có uy tín, già làng đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con định canh định cư, tích cực lao động sản xuất, tương trợ giúp nhau xây nhà tình thương, hỗ trợ đất sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, đồng thời nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. 

Nhiều người đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế ở cơ sở, làm gương cho con cháu, cộng đồng noi theo, đoàn kết giúp bà con phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như; ông Chang S’Rây Đơ (huyện Chơn Thành); ông Hà Văn Hợp, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng; ông Hấu Phúc Hỷ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng; ông Điểu Kem, xã Long Hà, huyện Phú Riềng; ông Điểu Khinh, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng; ông Điểu Thành, xã An Phú, huyện Hớn Quản…

Anh Điểu Cần, Trưởng thôn Thiện Cư (Bù Đốp) giúp dân giải quyết thủ tục hành chính bất kể ngày đêm. Ảnh: Trần Trung.

Anh Điểu Cần, Trưởng thôn Thiện Cư (Bù Đốp) giúp dân giải quyết thủ tục hành chính bất kể ngày đêm. Ảnh: Trần Trung.

Trưởng ban dân tộc tỉnh Bình Phước Lý Trọng Nhân cho biết, không chỉ làm giàu cho bản thân, các già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh còn là nhân tố đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động, giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương và hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, cây - con giống.

Ngoài ra, các già làng tiêu biểu, người có uy tín còn phát huy vai trò tiên phong trong các phong trào thi đua do địa phương phát động để bà con, đồng bào làm theo, nhất là phong trào chung tay xây dựng khu dân cư, nông thôn mới. 

Theo đó, năm vừa qua, già làng, người có uy tín cùng cấp ủy chính quyền địa phương vận động và tham gia đóng góp hơn 560 triệu đồng, hơn 1.000 ngày công lao động sửa chữa, làm mới, nạo vét hàng trăm kilômét đường giao thông nông thôn, kênh mương, vận động xây tặng 45 căn nhà tình thương và hơn 20 căn nhà đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó tạo động lực quan trọng cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn.

Cộng đồng người Tày, Nùng giữ gìn bản sắc đàn tính, hát then. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cộng đồng người Tày, Nùng giữ gìn bản sắc đàn tính, hát then. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Giai đoạn 2018-2021, Bình Phước đã giảm 4.747 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo DTTS/tổng số hộ DTTS giảm từ 7,6% (năm 2019) còn 1,12% (năm 2021). Những con số biết nói này phần nào cho thấy hiệu quả của các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, sự đóng góp không nhỏ của già làng người có uy tín và sự nỗ lực của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”, ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban dân tộc tỉnh Bình Phước khẳng định. 

Nhân rộng điển hình tiên tiến

Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ các già làng, người có uy tín, vừa qua, tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị biểu dương già làng, người có uy tín tiêu biểu có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Già làng, người có uy tín tiêu biểu được biểu dương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Già làng, người có uy tín tiêu biểu được biểu dương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại Hội nghị này, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng mong muốn, các già làng tiêu biểu, người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” trong công tác vận động, tuyên truyền; tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động; phát huy tinh thần gương mẫu để bà con, đồng bào làm theo; chung tay xây dựng khu dân cư, nông thôn mới; tham gia cùng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong vận động, hòa giải tranh chấp ở cơ sở... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Lễ trao tặng bò giống cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lễ trao tặng bò giống cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để công tác chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo đạt được hiệu quả cao hơn nữa, tỉnh Bình Phước đã quyết định đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện chính sách dân tộc.

Theo đó các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị, xã, phường, thị trấn thường xuyên xây dựng, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện chính sách dân tộc; đặc biệt chú trọng các mô hình phát huy nội lực, xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu, khắc phục tư tưởng tự ti, ỷ lại trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức tham quan, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến.

Đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ bò giống sinh sản. Ảnh: Trần Trung.

Đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ bò giống sinh sản. Ảnh: Trần Trung.

Cùng với đó là tranh thủ và huy động các nguồn lực trong việc đa dạng hóa các loại mô hình, điển hình tiên tiến vùng dân tộc thiểu số, phát huy các mô hình giúp nhau cùng phát triển kinh tế – xã hội giữa các dân tộc và các vùng dân tộc thiểu số, các mô hình tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo.

“Bằng những nỗ lực thầm lặng của mình, già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước xứng đáng là những cây cao bóng cả, là chỗ dựa tin cậy của người dân, chính quyền địa phương trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để phát huy sức mạnh của già làng, người có uy tín, HĐND tỉnh đang xem xét ban hành các chính sách đặc thù đối với người có uy tín, già làng tiêu biểu bằng ngân sách tỉnh. Đồng thời ban hành đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của người có uy tín, già làng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh”, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng nhấn mạnh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.