| Hotline: 0983.970.780

Những đóa hóa thơm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

[Bài 4]: Điểu Xoan tiên phong mở hướng kinh tế mới cho đồng bào Bù Đăng

Thứ Sáu 26/08/2022 , 19:55 (GMT+7)

Khai thác lợi thế đất đai rộng lớn, bên cạnh cây điều, anh Điểu Xoan đã tiên phong mở ra hướng làm kinh tế mới hiệu quả cho đồng bào thiểu số huyện Bù Đăng.

Thành công từ việc làm tưởng "điên rồ"

Với truyền thống chuyên canh tác cây điều, những năm gần đây, người dân xã  Nghĩa Trung, một xã có đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước sinh sống  đã tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa. Đây là một trong những hướng đi giúp nhiều hộ dân xã vùng cao này nâng cao thu nhập, làm giàu. Trong đó, anh Điểu Xoan là người tiên phong.

Trang trại gà thả vườn dưới tán điều của anh Điểu Xoan tại xã Nghĩa Trung. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại gà thả vườn dưới tán điều của anh Điểu Xoan tại xã Nghĩa Trung. Ảnh: Trần Trung.

Đến thăm trang trại nuôi gà của anh Điểu Xoan, chúng tôi rất ấn tượng với cách làm của anh. Trên diện tích hơn 3.500m2 đất nằm giữa vườn điều xanh ngát, anh Xoan nuôi 5.000 con gà/lứa. Trong đó, anh xây dựng 300m2 chuồng trại làm nơi cho gà uống nước, ăn thức ăn tinh và trú mưa; diện tích còn lại làm sân chơi để gà chạy nhảy, bới đất tìm thức ăn. 

“Với cách nuôi này, đàn gà lớn nhanh, thịt gà săn chắc, thơm ngon hơn nên dễ bán. Trung bình, sau 5 tháng nuôi, gà mái đạt trọng lượng 1,7-1,9kg, gà trống đạt 2-2,3kg, giá bán 50.000-80.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi 300 triệu đồng/năm”, anh Điểu Xoan cho hay.

Anh Điểu Xoan ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Anh Điểu Xoan ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Nhớ lại những năm tháng khi mới thành lập trang trại, anh Điểu Xoan cho biết, sau hàng chục năm trồng cây điều, nhận thấy hiệu quả không cao, năm 2019, anh quyết định chuyển sang hướng phát triển mới, đó là đầu tư chăn nuôi gà thả vườn. Để được trang trại như hôm nay, anh đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng và từng bị người dân nơi đây xem là việc làm “điên rồ” bởi họ đã quen với việc trồng điều, chưa kể chăn nuôi gà khá mạo hiểm bởi giá cả luôn thất thường.

Anh Điểu Xoan ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Anh Điểu Xoan ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tuy nhiên, với anh Điểu Xoan thì mọi việc đều có tính toán từ trước. Trước khi bỏ ra số tiền lớn để đầu tư nuôi gà, anh đã tìm hiểu từ anh em, bạn bè, qua các phương tiện thông tin, hệ thông báo, đài… Qua nhiều lần đi tìm hiểu, anh nhận thấy chăn nuôi gà thả vườn là phù hợp nên chủ động đầu tư. Theo đó, giống gà anh chọn nuôi là gà Minh Dư với ưu điểm nhanh lớn, ít bệnh, chất lượng thịt thơm ngon và dai như gà ta. Lợi thế của nuôi gà là thời gian chăm sóc ngắn nên xoay vòng vốn nhanh.

Từ hệ thống ăn, đến uống nước đều hoàn toàn tự động. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Từ hệ thống ăn, đến uống nước đều hoàn toàn tự động. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Nếu so với chăn nuôi gà thì cây điều không thể bằng được. Cây điều một năm thu hoạch một lần, tuy chăm sóc rất dễ nhưng hiệu quả không cao. Còn nuôi gà thì một năm được 2-3 lứa, thời gian nuôi ngắn, hơn 3 tháng là có thể xuất bán”, anh Xoan phấn khởi nói.

Bí quyết thành công

Nói về kinh nghiệm nuôi, anh Xoan cho biết, khác với cách nuôi của nhiều trang trại gà khác, anh chọn nuôi gà thả vườn dưới tán cây điều. Với cách nuôi này, đàn gà của gia đình anh sẽ được tự do vận động. Tán cây điều giúp chắn nắng cho gà. Ngoài ra, để đảm bảo chăn nuôi hiệu quả, quan trọng nhất là khâu chăm sóc. Theo đó, người nuôi cần thường xuyên theo dõi, cho gà ăn phù hợp với từng lứa gà; đồng thời, thường xuyên sát trùng chuồng trại và hạn chế người qua lại để hạn chế mầm bệnh phát sinh.

Theo anh Điểu Xoan nuôi gà không tìm hiểu kỹ về giống, không biết gì về khoa học kỹ thuật thì chỉ có thua lỗ nặng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo anh Điểu Xoan nuôi gà không tìm hiểu kỹ về giống, không biết gì về khoa học kỹ thuật thì chỉ có thua lỗ nặng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Nuôi gà không tìm hiểu kỹ về giống, không biết gì về khoa học kỹ thuật thì chỉ có thua lỗ nặng. Gà con mới đưa về phải nhốt riêng và úm từ 2-3 tuần với nhiệt độ phù hợp trước khi thả ra ngoài nuôi. Đặc biệt, gà khá mẫn cảm với thời tiết, do đó, chuồng trại phải được xây dựng cao ráo, thoáng mát, khi phát hiện gà có dấu hiệu nhiễm bệnh phải cho gà uống thuốc, tiêm kháng sinh”, Điểu Xoan cho biết.

Nhờ hướng dẫn từ anh Điểu Xoan, chị Bé đã làm chủ kinh tế từ chăn nuôi gà. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ hướng dẫn từ anh Điểu Xoan, chị Bé đã làm chủ kinh tế từ chăn nuôi gà. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Xoan còn được Chi bộ thôn 5, xã Nghĩa Trung tín nhiệm bầu giữ chức bí thư chi bộ thôn. Với cương vị người đứng đầu thôn, bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, những hộ khó khăn có nhu cầu giống còn được anh hỗ trợ, từ đó giúp nhiều hộ có tư liệu sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết, Nghĩa Trung là một xã nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số đông, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Thành công từ mô hình chăn nuôi gà thả vườn của anh Điểu Xoan, người đồng bào có uy tín tại địa phương sẽ khuyến khích bà con nhân dân trong xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu từ chính mảnh đất của mình.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.