| Hotline: 0983.970.780

Những đóa hoa thơm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

[Bài 2]: Lão nông người Tày làm khuyến nông không lương, giúp nhiều hộ thoát nghèo

Thứ Tư 24/08/2022 , 10:46 (GMT+7)

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Nông Văn Bình người dân tộc Tày còn làm khuyến nông không lương, tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hộ dân thoát nghèo.

Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng

Đến với ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp (Bình Phước), nơi có hơn 80% là  người đồng bào phía Bắc lập nghiệp hỏi thăm gia đình ông Nông Văn Bình, người dân tộc Tày ai cũng biết, bởi không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Bình còn là một cán bộ khuyến nông xã rất nhiệt tình.

Cơ ngơi của gia đình ông Nông Văn Bình tại ấp Tân Phước, xã Tân Tiến. Ảnh: Trần Trung.

Cơ ngơi của gia đình ông Nông Văn Bình tại ấp Tân Phước, xã Tân Tiến. Ảnh: Trần Trung.

Tiếp chúng tôi trong trang trại heo thương phẩm gần 500 con, xung quanh được “mắc màn” cẩn thận, ông Bình cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại tỉnh Cao Bằng một trong vùng đất khó của núi rừng Tây Bắc với đồi núi đá cùng mây mù bao phủ quanh năm. Trong một lần vào Nam thăm người thân, nhận thấy đất đai phương Nam màu mỡ trù phú, khí hậu ôn hòa, ông quyết định ở lại lập nghiệp.

Theo ông Bình, hầu hết những người như ông khi rời quê hương ra đi, ngoài tình yêu thương với đất thì chỉ có ý chí để làm sao vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. “Những ngày đầu trên vùng đất mới cuộc sống vô cùng khó khăn. May mắn khu vực tôi định cư vừa giáp rừng vừa gần hồ, nguồn nước dồi dào thích hợp trồng lúa nước và hoa màu. Lúc đó măng mọc đầy rừng, cá đầy hồ, đất đai mênh mông, chỉ cần siêng năng, chịu khó là dư cái ăn, cái mặc.

Đàn dê hơn 200 con của ông Bình được chăm sóc khoa học. Ảnh: Trần Trung.

Đàn dê hơn 200 con của ông Bình được chăm sóc khoa học. Ảnh: Trần Trung.

Cũng nhờ phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đất không phụ người, đến nay, sau 30 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, hiện tôi đã có hơn 8 ha cao su, hồ tiêu cùng trang trại heo, dê lên đến gần nghìn con, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm”, ông Bình nói.

Bí quyết thành công

Bước chân vào bên trong trang trại heo, mọi người vô cùng ngạc nhiên bởi dù là chuồng hở nhưng mát lạnh, đặc biệt không hề có mùi hôi. Ông Bình chia sẻ, sau khi tích lũy được số vốn ông bắt đầu chuyển sang nuôi heo, trong suốt gần 20 năm, gia đình ông đã đối mặt với không ít loại dịch bệnh trên đàn heo, trong đó dịch tả heo Châu Phi là nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, nhờ ham học hỏi, ông vẫn vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục.

Trang trại heo của ông Bình. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trang trại heo của ông Bình. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Bình, vào năm 2019, dịch tả heo Châu Phi “càn quét” khắp các địa bàn của tỉnh, đẩy nhiều hộ gia đình vào cảnh trắng tay, hàng trăm trang trại, chuồng nuôi lớn, nhỏ buộc phải tiêu hủy heo bệnh. Tại ấp Tân Phước cũng không ngoại lệ, nhiều đàn heo đang lớn hoặc gần xuất chuồng bỗng ủ rũ, lăn đùng ra chết. Với tâm thế là cán bộ khuyến nông của xã, chứng kiến cảnh đó, ông đã ngày đêm mất ăn, mất ngủ nghĩ cách bảo vệ trại heo của gia đình và người dân tại địa phương trước sự “tấn công” của dịch tả heo Châu Phi.

Tuy chuồng hở, nhưng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt với phương pháp 'mắc màn', đàn heo của ông Bình miễn nhiễm với dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tuy chuồng hở, nhưng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt với phương pháp "mắc màn", đàn heo của ông Bình miễn nhiễm với dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Qua theo dõi thực tế, nhận thấy tác nhân lây lan dịch bệnh do côn trùng ruồi, muỗi, chuột... bởi chúng thường kiếm ăn ở nơi bẩn thỉu, xác chết, đi khắp nơi và dễ dàng mang mầm bệnh từ nơi này tới nơi kia, từ đó, ông nảy sinh ý tưởng “mắc màn” cho heo. Nhờ cách làm này kết hợp với các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác như rải vôi bột trên các lối ra vào trại, tiêm phòng vắc xin, tăng thức ăn dinh dưỡng đề kháng cho heo… gia đình ông đã vượt qua trận dịch tả heo Châu Phi năm 2019 và ổn định sản xuất cho đến nay.

Ông Bình còn chủ động đầu tư hệ thống bảo quản tinh heo, chủ động giống, ổn định sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Bình còn chủ động đầu tư hệ thống bảo quản tinh heo, chủ động giống, ổn định sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Để chăn nuôi có lãi thì người chăn nuôi cũng phải xem xét chọn con gì, nuôi con gì cho phù hợp với thị trường, quy hoạch chuồng trại chăn nuôi hợp lý, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; đồng thời phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc vật nuôi sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của heo. Heo con, heo thương phẩm, heo nái, heo nái hậu bị đều có cách chăm sóc riêng. Vì vậy, người chăn nuôi cũng phải nắm vững quy trình kỹ thuật chăn nuôi đối với từng loại heo, trong đó việc kiểm soát dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất giúp cho người chăn nuôi heo có lãi”, ông Bình chia sẻ.

Cán bộ khuyến nông của dân

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị là cán bộ khuyến nông xã, ông Bình còn tích cực hướng dẫn kỹ thuật, thậm chí đối với những hộ khó khăn ông còn cho giống heo sinh sản, phối tinh nhân tạo heo miễn phí, từ đó giúp không ít hộ thoát nghèo bền vững.

Ông Bình tích cực chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi cho chị Minh và bà con trong vùng. Ảnh: Trần Trung.

Ông Bình tích cực chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi cho chị Minh và bà con trong vùng. Ảnh: Trần Trung.

Đơn cử như chị Nông Thị Minh ngụ cùng ấp, chồng mất sớm, bản thân chị mắc bệnh hiểm nghèo, 2 đứa con đang trong tuổi ăn tuổi học, từng bị liệt vào hộ "nghèo bền vững". Từ khi được ông Bình tặng 2 con heo nái, hỗ trợ làm chuồng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đến nay chị đã sở hữu đàn heo lên đến gần 20 con và đã vươn lên thoát nghèo, con cái được học hành đến nơi đến chốn. “Nếu như không có anh Bình hỗ trợ, tôi cũng không biết sống làm sao bởi đi làm thuê thì cũng không ai dám mướn, ở nhà thì không biết lấy gì cho con tôi ăn chứ nói chi đến việc học hành, tôi rất biết ơn anh Bình”, chị Minh xúc động nói.

Ông Bình đã từng bước làm thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, giúp người dân tiếp cận với chăn nuôi hàng hóa phù hợp với cơ chế thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Ông Bình đã từng bước làm thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, giúp người dân tiếp cận với chăn nuôi hàng hóa phù hợp với cơ chế thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Đức Ánh - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Tiến cho biết, địa phương có 8 thôn, với trên 8.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào Tày, Nùng tập trung chủ yếu ở 2 ấp Tân Phước và Tân Nghĩa, chiếm khoảng 37% số dân toàn xã. Trong những năm qua chính quyền địa phương luôn quan tâm đến các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế, từ đó xuất hiện nhiều cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, ông Nông Văn Bình đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm liền, từ 2017 - 2022.

“Đặc biệt, mặc dù không lương nhưng ông Bình vẫn mẫn cán, tâm huyết, trách nhiệm với nghề khuyến nông. Ông đã từng bước làm thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, giúp người dân tiếp cận với chăn nuôi hàng hóa phù hợp với cơ chế thị trường, cùng với đó tình hình dịch bệnh trên vật nuôi đã cơ bản được khống chế và đẩy lùi, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất”, ông Phạm Đức Ánh nhấn mạnh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm