Từ ngàn đời nay, lúa gạo có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội Trung Quốc. Dựa trên bằng chứng di truyền học, khảo cổ và ngôn ngữ, các nhà khoa học xác định lúa trồng được thuần hóa lần đầu tiên ở lưu vực sông Dương Tử, dòng sông phân chia 2 miền Nam - Bắc đất nước. Người Trung Quốc lấy nền văn minh lúa nước làm tự hào, nhiều năm qua đã nối tiếp dòng chảy lịch sử, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới, đóng góp khoảng 25% vào sản lượng lúa gạo toàn cầu (theo Niên giám thống kê FAO 2022). Trong đó, giống lúa lai của Trung Quốc đã và đang nuôi dưỡng hơn 20% dân số thế giới, trong khi đất canh tác ở đây chỉ chiếm 10% diện tích toàn cầu. Con số này là kết quả của quá trình chuyển đổi sản xuất lúa gạo, nghiên cứu chọn tạo giống mới trong suốt 5 thập kỷ qua.
Các bộ, ngành của Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ, đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn lực thiết yếu, giúp lúa lai trở nên đắt hàng, sinh lời và bền vững. Bên cạnh đó, phải kể đến công lao của GS Viên Long Bình (1929-2021), người được tôn vinh là “cha đẻ của lúa lai”.
GS Viên Long Bình - cha đẻ lúa lai
Ngoài những đổi mới về phương pháp canh tác, hệ thống thủy lợi, quy hoạch vùng trồng, chính những thay đổi mang tính lịch sử về nghiên cứu lúa lai đã dẫn đến cuộc “cách mạng xanh” về lúa gạo tại Trung Quốc. GS Viên Long Bình là người đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học lúa lai trên thế giới. Những ý tưởng, thử nghiệm của ông đã giúp nâng công suất cây trồng, giảm nghèo tại Trung Quốc và cung cấp lương thực cho các quốc gia khác. Ông có ước mơ lớn, đó là trồng lúa lai khắp thế giới để giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực toàn cầu.
Năm 1964, ông tìm ra dòng bất dục đực ở lúa hoang, đã lai chuyển được tính bất dục đực vào lúa trồng ngắn ngày, từ đó tạo ra bộ công cụ di truyền hoàn chỉnh để tạo giống lúa ưu thế lai. Khoảng 3 thập kỷ sau, ghi nhận vào những năm 1990, giống lúa mang tên ông đạt năng suất vượt trội, xuất hiện trên mâm cơm của 80-100 triệu người Trung Quốc mỗi năm. Giống lúa Viên Long Bình trở thành biểu tượng của ngành nông nghiệp đổi mới, được trồng rộng rãi ở hơn 60 quốc gia (theo Asia Research News).
Không chỉ giúp tăng năng suất lúa, giảm đói nghèo toàn cầu, GS Viên Long Bình còn hào phóng chia sẻ phương pháp sản xuất lúa lai 3 dòng với các nhà nông học trong và ngoài nước. Ông tình nguyện tặng các giống lúa chủ lực cho cộng đồng quốc tế, mở rộng phạm vi áp dụng công nghệ lúa lai tới hơn 40 quốc gia. Ông còn trực tiếp đào tạo nhà khoa học, nông dân ở Châu Phi, Đông Nam Á và Nam Á.
Năm 1993, Việt Nam lần đầu tiên cử 5 nhà khoa học tham gia lớp huấn luyện kéo dài 3 tháng về Kỹ thuật lúa lai quốc tế do GS Viên Long Bình tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai Hồ Nam, quê hương giáo sư họ Viên. Thừa hưởng thành quả nghiên cứu đã đúc kết thành sách của ông, công tác chọn tạo giống lúa lai của Việt Nam đã tránh được những thách thức, rủi ro trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, thương mại hóa.
Là 1 trong 5 học trò trong khóa huấn luyện, AHLĐ.PGS.TS Nguyễn Thị Trâm coi đó là cẩm nang quý giá cho sự nghiệp chọn tạo và phát triển lúa lai Việt Nam. Ngày cha đẻ lúa lai qua đời, bà Trâm viết: “Những nghiên cứu của GS Viên Long Bình về giống lúa lai siêu năng suất, chất lượng cao, có chỉ số đường huyết thấp, cơm thơm ngon của Thầy luôn là hình mẫu lý tưởng để chúng tôi phấn đấu hướng theo. GS Viên Long Bình ra đi nhưng những tài liệu quý giá của ông để lại cho hậu thế thật đáng tự hào”.
Chính phủ Trung Quốc đầu tư cho lúa lai
Những đóng góp của GS Viên Long Bình cho khoa học - công nghệ lúa lai đã đặt nền móng cho những thành tựu đáng chú ý trong đổi mới nông nghiệp. Phát triển lúa lai ở Trung Quốc nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cấp Trung ương đến địa phương tại Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường thương mại hóa sản xuất lúa lai. Bộ Nông nghiệp Nông thôn (NN-NT) Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn công nghiệp về gạo chất lượng cao, cũng như các phương pháp để xác định chất lượng gạo.
Theo Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai quốc gia Trung Quốc, tính đến năm 2020, đã có 133 giống siêu lúa lai được Bộ NN-NT nước này công nhận. Tỷ lệ chất lượng của các giống lúa được Trung Quốc phê duyệt tăng đều trong nhiều năm qua. Cụ thể, tỷ lệ gạo chất lượng cao tăng từ 10% (năm 2016) lên 54% (năm 2021). Hầu hết các giống lai được trồng rộng rãi và chất lượng ngày càng cao, gạo hạt dài, trong, hương thơm. Dự kiến thị trường gạo lúa lai Trung Quốc sẽ đạt 15,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.2 tỷ USD) vào năm 2023.
Các chính sách như Luật Hạt giống và Bảo vệ giống cây trồng của Trung Quốc đã tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp giống lúa lai.
Các doanh nghiệp quy mô lớn về hạt giống nổi lên, như Longping Hi-Tech (Công ty cổ phần công nghệ cao Long Bình) hay Hefei Fengle Seed Co (Công ty cổ phần giống Hợp Phì), nhấn mạnh vào phân khúc thị trường và hợp nhất kinh doanh. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế này đảm bảo sự tăng trưởng liên tục của ngành công nghiệp hạt giống lúa lai ở Trung Quốc.
Cùng với đó, với công tác khuyến nông được triển khai đồng bộ, quy trình bón phân đúng làm tăng sản lượng lúa đáng kể. Quy trình tưới tiết kiệm được áp dụng trên khoảng 80% tổng diện tích trồng lúa. Kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ rất được chú trọng ở các vùng trồng lúa lớn, nhờ đó đã giúp tăng năng suất, giảm phát thải. Trung Quốc cũng là quốc gia có diện tích đất nông nghiệp được trang bị hệ thống tươi tiêu đứng đầu thế giới, với tổng diện tích hơn 75 triệu ha (Số liệu FAO 2022).
Những thành tựu khoa học lúa gạo ở Trung Quốc đã nâng cao năng suất, thu nhập của nông dân trồng lúa; củng cố hoạt động thương mại hóa hạt giống, giữ thị trường gạo bình ổn. Nhờ giảm nhu cầu nhập khẩu gạo, có thể cung cấp cho khoảng 1,4 tỷ người, Trung Quốc tác động tích cực đến thị trường gạo quốc tế, giúp bình ổn giá gạo.
Bài học kinh nghiệm
Chặng đường 40 năm phát triển lúa lai tại Trung Quốc là điển hình cho mạng lưới phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng thông qua thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Lúa lai quốc gia; thiết lập mạng lưới gắn kết giữa các viện nghiên cứu, nhà sản xuất hạt giống và cơ quan khuyến nông. Với các khóa đào tạo lý thuyết kết hợp trình diễn thực tế trên đồng ruộng, nông dân hiểu hơn về kỹ thuật trồng lúa lai.
Đối mặt với thách thức hiện thời, Trung Quốc xác định áp dụng tiến bộ công nghệ sinh học, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, chọn tạo giống lúa. Đối với quốc gia này, khoa học lúa gạo chính là nền tảng cho đảm bảo an ninh lương thực, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.