Lời tòa soạn:
Nghiên cứu khoa học là quá trình tìm ra cái mới. Tính rủi ro trong khoa học rất cao. Đối với nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam, các dự án đầu tư ít khi cho phép rủi ro, sai sót. Đây là thách thức đối với nhiều nhà khoa học hiện công tác tại viện, trường trên cả nước.
Trong bối cảnh ngành lúa gạo nước ta đang chuyển đổi mạnh mẽ, thách thức này cần được giải quyết không chỉ ở cấp độ quốc gia, mà cần định hướng toàn diện về hợp tác công-tư, hợp tác quốc tế.
Qua phỏng vấn với các cán bộ nghiên cứu gạo cội về giống lúa Việt Nam từ những ngày đầu tiên, tới những trao đổi chuyên sâu cùng nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa ra góc nhìn đa dạng về cơ hội thành lập Quỹ Nghiên cứu lúa gạo Quốc gia, cùng tiềm năng phát triển thương hiệu gạo Việt Nam bền vững, chất lượng cao, giàu dinh dưỡng
Thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu
Sự tăng trưởng ấn tượng và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong hơn 30 năm qua đang dần chậm lại. Giá trị gia tăng nông nghiệp trung bình hàng năm gần đây đạt 3% so với mức trên 5% trong thập kỷ trước năm 2010.
Từ những năm 1990, năng lực sản xuất lúa gạo trên toàn cầu giảm dần do sự phụ thuộc nhiều vào tài nguyên có sẵn và các nguyên liệu đầu vào. Sự phát triển của ngành sản xuất lúa gạo đang bị đe dọa bởi những thách thức như suy thoái môi trường và tác động của biến đổi khí hậu.
Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phát triển để giải quyết các thách thức về cơ cấu và đáp ứng nhu cầu thay đổi của xã hội.
Môi trường và các hệ sinh thái khi suy thoái không thể hỗ trợ con người, thậm chí còn khiến sản xuất nông nghiệp khó khăn hơn. Dự kiến, các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ dẫn đến sự thâm hụt năng suất ở nhiều loại cây trồng. Cụ thể hơn, nhiều dự báo cho thấy sản lượng cây trồng có thể giảm hơn 6% vào năm 2030 và hơn 13% vào năm 2050 do tác động của biến đổi khí hậu. Như tại vùng ĐBSCL, chúng ta đã nhìn thấy hậu quả của xâm nhập mặn vào năm 2015-2016.
Tất cả những yếu tố này sẽ cản trở những nỗ lực của ngành. Chúng ta cần tìm những cách làm tối ưu hơn nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng của dân số; đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng mới của dân số trên đà tăng trưởng. Sản xuất tốt sẽ cho hạt gạo Việt Nam cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
WB đánh giá cao chiến lược của Chính phủ Việt Nam
Bộ NN-PTNT đã thông qua Chiến lược mới về NN-PTNT bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1 năm 2022. Bộ đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch Hành động để thực hiện Chiến lược mới vào tháng 9 năm 2022. Tháng 6 năm 2022, Chính phủ đã lần đầu tiên công bố Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL.
Tất cả các chiến lược đều nhấn mạnh đến việc thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và hạn chế khí thải cacbon. Tại COP 26, Việt Nam đã đặt mục tiêu không phát thải khí metan tới năm 2050 và giảm 30% khí metan tới năm 2030. Toàn thế giới thấy được rằng, Chính phủ Việt Nam quyết tâm giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt.
Báo cáo NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) do Việt Nam đệ trình vào tháng 10 năm 2022 đã nâng mục tiêu NDC phân bổ mức đóng góp không điều kiện cho ngành nông nghiệp vào năm 2030 từ 6,8 triệu tấn (NDC 2020) lên 12,4 triệu tấn tấn (NDC 2022). Bên cạnh đó, mục tiêu NDC có điều kiện dành cho nông nghiệp tăng từ 32,6 triệu tấn (NDC 2020) lên 50,9 triệu tấn (NDC 2022). Việc nâng hạng mức các mục tiêu NDC cho ngành nông nghiệp dự kiến sẽ cần kinh phí từ 2,1 tỷ USD đến 16,1 tỷ USD.
Đề án phát triển lúa gạo hỗ trợ 18 triệu nông dân ĐBSCL
Bắt đầu từ cuối năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã hợp tác chặt chẽ với Bộ NN-PTNT trong việc lên ý tưởng và phát triển “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và ít carbon”. Đề án không chỉ hỗ trợ 18 triệu nông dân ĐBSCL thay đổi mô hình sản xuất bền vững mà còn đóng góp vào an ninh lương thực.
Chúng tôi vui mừng khi biết Đề án đã được Chính phủ phê duyệt và sẽ công bố chính thức trong Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo - Hậu Giang 2023 sắp tới. Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Đề án này cả về tài chính lẫn chuyên môn.
Tôi muốn nêu bật một số điểm trong chính sách hỗ trợ của chúng tôi đối với Chương trình 1 triệu ha. Đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, WB đã, đang và sẽ tham gia hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm chuyển đổi ngành nông nghiệp các-bon thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực lúa gạo.
Chương trình hỗ trợ được gây dựng dựa trên những kinh nghiệm thành công, mà Ngân hàng tích lũy được từ việc hỗ trợ Bộ NN-PTNT thực hiện Dự án Chuyển đổi bền vững Nông nghiệp Việt Nam (VnSAT, IDA tài trợ 221 triệu USD). VnSAT đã mang lại lợi ích đáng kể cho một triệu người ở ĐBSCL.
Thông qua việc triển khai các biện pháp thực hành nông nghiệp chính xác (GAP), dự án đã giúp cải thiện hiệu quả năng suất lúa, tăng thu nhập của nông dân. Chúng ta cũng đạt được các mục tiêu về giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải hơn 1,5 triệu tấn khí nhà kính từ trồng lúa hàng năm.
Thứ hai, chương trình hỗ trợ cũng dựa trên đổi mới khoa học công nghệ tại Việt Nam và trên toàn cầu. Ví dụ, báo cáo của WB “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” được đưa ra vào tháng 9 năm 2022, khẳng định tiềm năng của hướng đi này. Chúng tôi đặt mục tiêu cắt giảm phát thải 30% khí metan vào năm 2030, đồng thời cải thiện hiệu suất và sản lượng tài nguyên, tăng cường khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh.
Sự chuyển đổi này sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể và cải cách lớn về chính sách để thúc đẩy, thay đổi nhận thức của các bên liên quan ở mọi cấp độ, từ hộ trang trại đến toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, chúng tôi cũng đang huy động nguồn vốn carbon để đồng tài trợ cho Đề án 1 triệu ha. Việt Nam xứng đáng được bạn bè thế giới khen ngợi vì những nỗ lực không ngừng trong việc giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu, vốn là thách thức toàn cầu. Chúng tôi rất mong được đẩy nhanh quá trình chuẩn bị và triển khai dự án.
Sáng kiến nhóm đối tác về đổi mới lúa gạo cacbon thấp
Để mở rộng quy mô một cách hiệu quả từ 185.000 ha (VnSAT) lên 1.000.000 ha và hơn thế nữa trong điều kiện kinh tế và công nghệ luôn thay đổi sẽ là một thách thức đối với Đề án.
Tuy vậy, Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần thiết có một mạng lưới vững chắc, liên kết toàn diện khối công, tư, tổ chức quốc tế, nhà đầu tư và nhà khoa học. Đội ngũ này không chỉ đảm bảo Đề án đạt thành quả, mà còn tăng cường tính bền vững, tăng cường trao đổi liên ngành.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét thành lập một đơn vị về đổi mới lúa gạo cacbon thấp. Đơn vị này tập trung vào nghiên cứu, triển khai công nghệ kỹ thuật số, thu hút đầu tư khu vực tư nhân, thúc đẩy thực hành nông nghiệp thông minh về khí hậu, thiết lập và vận hành hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho tín chỉ cacbon, đồng thời thúc đẩy xây dựng thương hiệu và tiếp thị tốt hơn cho gạo ĐBSCL, v.v.
Những yếu tố quan trọng nêu trên có thể bị thiếu trong quy trình cho vay của WB do quy định ODA hiện hành yêu cầu quỹ của ngân hàng phát triển đa phương chỉ được sử dụng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng.
Đội ngũ của WB đã thử nghiệm ý tưởng này với các đơn vị tư nhân và nhận được phản hồi tích cực. WB cũng đã đề đạt ý tưởng này với Bộ NN-PTNT nhận được phản hồi tích cực.
WB sẽ đóng vai trò cầu nối, không chỉ giữa đơn vị công và đơn vị tư nhân, mà còn giữa các cơ quan của Việt Nam (Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan khác) để giúp Chính phủ tiếp cận một cách toàn diện. Chúng tôi mong muốn hiện thực hóa mục tiêu phát thải cacbon thấp, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
WB cũng có thể giúp gọi vốn hỗ trợ từ các tập đoàn, tổ chức từ thiện,... cho nền tảng này. Nếu một đơn vị về đổi mới lúa gạo cacbon thấp được thành lập, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên có cơ chế thí điểm đổi mới công nghệ để mở rộng quy mô mô hình kinh doanh. Sản xuất gạo cacbon thấp, bền vững môi trường sẽ tạo thương hiệu cho nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.