| Hotline: 0983.970.780

Giáo sư Viên Long Bình với thành công của lúa lai Việt Nam

Thứ Năm 27/05/2021 , 06:46 (GMT+7)

Năm 1993, Bộ Nông nghiệp cử 5 người đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc tham gia lớp huấn luyện “Kỹ thuật lúa lai”. GS Viên Long Bình trực tiếp giảng dạy.

Trình diễn giống lúa lai thơm TH6-6, vụ xuân 2018 tại Hải Hậu, Nam Định.

Trình diễn giống lúa lai thơm TH6-6, vụ xuân 2018 tại Hải Hậu, Nam Định.

Giáo sư Viên Long Bình ra đi về cõi vĩnh hằng là tổn thất lớn đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành chọn tạo giống lúa nói riêng. Ông là người đầu tiên đặt nền móng cho một hướng nghiên cứu mới: Khai thác ưu thế lai ở lúa, một cây lương thực quan trọng hàng đầu của châu Á đồng thời là cây tự thụ phấn điển hình. Năm 1964, Giáo sư tìm ra dòng bất dục đực ở lúa hoang, đã lai chuyển được tính bất dục đực vào lúa trồng ngắn ngày, từ đó tạo ra bộ công cụ di truyền hoàn chỉnh để tạo giống lúa ưu thế lai. Tổ quốc ông, những học trò của ông và thế giới đã suy tôn ông là “Cha đẻ của lúa lai”.

Vô cùng đau thương và tiếc nuối vì tôi là một trong 5 người Việt Nam đầu tiên được tham gia lớp huấn luyện “Kỹ thuật lúa lai” quốc tế do Giáo sư tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai Hồ Nam, quê hương ông. Giáo sư Viên Long Bình tổ chức lớp huấn luyện kỹ thuật lúa lai rất khoa học. Ông bố trí thời gian học đúng vào vụ lúa mùa chính tại Hồ Nam nên chúng tôi vừa được nghe giảng lý thuyết vừa được thực hành ngay trên đồng ruộng, trong phòng thí nghiệm và được thăm nhiều mô hình sản xuất hạt lai, nhân dòng bất dục, mô hình trình diễn lúa lai thương phẩm ở các vùng sản xuất khác nhau.

Giáo sư trực tiếp lên lớp giảng 3 chuyên đề quan trọng là: (i) Lịch sử nghiên cứu, phát triển lúa lai trên thế giới và Trung Quốc; (ii) Chiến lược khai thác ưu thế lai ở lúa theo hệ thống: lúa lai “Ba dòng”; “Hai dòng” và “Một dòng” và (iii) Đề xuất phát triển mô hình siêu lúa lai “Supper Hybrid Rice”. Các giảng viên khác trong trung tâm giảng về các phương pháp, kỹ thuật chọn tạo dòng bố mẹ, chọn tạo tổ hợp lai, kỹ thuật nhân duy trì dòng mẹ bất dục đực, kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1 và kỹ thuật sản xuất lúa lai thương phẩm ở các điều kiện sinh thái khác nhau. Sau 3 tháng huấn luyện, chúng tôi đã tiếp thu đầy đủ các khâu trong kỹ thuật lúa lai, đó thực sự là cẩm nang quí giá cho sự nghiệp chọn tạo và phát triển lúa lai tại quê nhà.

Anh hùng Lao động, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (giữa), tác giả nhiều giống lúa lai nổi tiếng: TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH6-6...

Anh hùng Lao động, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (giữa), tác giả nhiều giống lúa lai nổi tiếng: TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH6-6...

Thừa hưởng thành quả nghiên cứu đã đúc kết thành sách của Giáo sư, công tác chọn tạo giống lúa lai của Việt Nam đã tránh được những thách thức, rủi ro trong quá trình phát triển. Trong điều kiện hạn hẹp về nguồn nhân lực, tài chính và trang thiết bị, Việt Nam không thể tổ chức nghiên cứu lúa lai theo bài bản mà phải lựa chọn các khâu công việc, các bước đi phù hợp với điều kiện của mình. Trong 10 năm đầu, vừa thực hành kỹ thuật sản xuất hạt lai F1 bằng giống bố mẹ nhập nội, vừa nghiên cứu chọn tạo dòng bất dục đực mẫn cảm với nhiệt độ, với quang chu kỳ, phù hợp với điều kiện Việt Nam để tạo giống lúa lai hai dòng. Mười năm tiếp theo, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN-PTNT và sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị nghiên cứu trong nước, các giống lúa lai đầu tiên của Việt Nam đã lần lượt được công nhận và phát triển sản xuất như TH3-3, Việt lai 20, HYT100, TH3-4, TH3-5, TH3-7, CT16, LC212, LC270... Đây là những giống ngắn ngày, năng suất cao hơn lúa thuần, chống chịu sâu bệnh khá, thích ứng tốt với điều kiện canh tác của Việt Nam. Đặc biệt hơn là các giống lúa lai hai dòng chọn tạo trong nước có khả năng nhận phấn ngoài tốt, năng suất hạt lai F1 khá cao (2-3,5 tấn/ha), khi đưa vào các vùng có khí hậu thuận lợi như Quảng Nam, Đăk Lăk có thể đạt 4-5 tấn/ha. Lợi thế này đã thúc đẩy một số doanh nghiệp mua bản quyền giống để sản xuất kinh doanh, có giống đạt giá trị bản quyền tới 10 tỷ đồng, một hiện tượng mới mang tính đột phá, giúp thúc đẩy ngành giống trong nước phát triển theo xu hướng chung của thế giới. Mặt khác còn thúc đẩy các nhà chọn giống trong nước hoàn thiện các sản phẩm giống mới của mình nghiêm túc hơn để có thể chuyển nhượng bản quyền.

Thành công của chọn giống lúa lai ngắn ngày năng suất cao trong thời gian đó một mặt góp phần nâng cao năng suất và sản lượng lúa, mặt khác còn thúc đẩy mạnh mẽ công tác chọn tạo giống lúa thuần năng suất cao. Nhờ cuộc đua thầm lặng này của các nhà chọn giống mà năng suất và sản lượng lúa của nước ta liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020 sản lượng đã đạt trên 44 triệu tấn cho dù diện tích gieo trồng có xu hướng giảm. Hiện nay chúng ta đã có các giống lúa thuần Sóc Trăng (ST24, ST25) đạt chất lượng hàng đầu thế giới, gạo Việt Nam đã có thương hiệu, giá xuất khẩu đã cao ngang bằng gạo Thái Lan. Mặc dù vậy, chọn giống lúa lai vẫn không thể ngừng lại mà cần được tiếp tục quan tâm vì giống lúa lai có vị trí riêng của mình trong các vùng khó khăn hoặc khi biến đổi khí hậu bất thường. Trong tương lai giống lúa lai không chỉ là ngắn ngày, năng suất cao mà phải chọn tạo được lúa lai chất lượng gạo tốt có hương thơm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Chúng tôi đã và đang tập trung nghiên cứu cải tiến chất lượng của các dòng bố mẹ làm nền tảng cho việc tạo giống lúa lai chất lượng cao, có hương thơm, mang gen kháng bạc lá, kháng rầy, chịu chua mặn. Gần đây một số giống lúa lai thơm ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao đã được phóng thích như HQ19, HYT24, Lai thơm 6.

Những thông tin nghiên cứu mới của giáo sư Viên Long Bình về giống lúa lai siêu năng suất (14-15 tấn/ha), về quan hệ giữa chiều cao cây và năng suất, về khả năng sử dụng năng lượng bức xạ tăng từ 2,5% lên 5% hoặc về những giống lúa lai chất lượng cao, có chỉ số đường huyết thấp, cơm thơm ngon của Thầy luôn là hình mẫu lý tưởng để chúng tôi phấn đấu hướng theo. GS Viên Long Bình ra đi nhưng những tài liệu quí giá của ông để lại cho hậu thế thật đáng tự hào. Chúng tôi xin kính dâng Thầy lòng biết ơn sâu sắc, nguyện gìn giữ, nghiên cứu bổ sung thêm và ứng dụng thành công các hướng chiến lược do Thầy đề xuất.

Cầu mong linh hồn Thầy siêu thoát nhẹ nhàng nơi tiên cảnh.

GS Viên Long Bình, người trực tiếp giảng dạy lớp huấn luyện kỹ thuật lúa lai cho 5 học viên đầu tiên của Việt Nam.

GS Viên Long Bình, người trực tiếp giảng dạy lớp huấn luyện kỹ thuật lúa lai cho 5 học viên đầu tiên của Việt Nam.

5 người Việt Nam đầu tiên sang Trung Quốc học công nghệ lúa lai 

Năm 1993, qua Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc - FAO, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cử đoàn chuyên gia gồm 5 người sang Trung Quốc tham gia lớp huấn luyện “Kỹ thuật lúa lai” quốc tế, tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai Hồ Nam. Giáo sư Viên Long Bình trực tiếp giảng dạy lớp huấn luyện này.

5 người gồm: Nguyễn Thị Trâm (Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội); Nguyễn Như Hải (Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm); Nguyễn Thị Gấm (Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam); Phạm Ngọc Lương (Viện Di truyền Nông nghiệp); Trần Khánh Bình (Cty Giống cây trồng Trung ương).

Trước lúc lên đường, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn gặp đoàn, giao nhiệm vụ cho từng người. Cụ thể 3 người ở viện phải học được cách tạo giống bố mẹ và giống lúa lai của Việt Nam; ở công ty phải biết nhân dòng và sản xuất hạt lai F1; ở trường phải viết được giáo trình và dạy được cách chọn giống lúa lai.

Khi về đoàn phải báo cáo Bộ trưởng kết quả học tập từng người.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.