| Hotline: 0983.970.780

'Tròng' chính sách 'thắt' doanh nghiệp thủy nông [Bài 1]: 13 năm công tác, lương hơn 4 triệu đồng

Thứ Hai 16/10/2023 , 09:30 (GMT+7)

Thu nhập bèo bọt trong khi áp lực công việc lớn khiến nhiều lao động công tác tại các doanh nghiệp thủy nông ở Hà Tĩnh bỏ việc hoặc xin chuyển công tác.

Gia đình 4 miệng ăn nhìn vào 4,7 triệu đồng

Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng, thuận lợi, khó khăn riêng nhưng suy cho cùng, đến thời điểm này sau những cái lắc đầu, thở dài của những người công tác trong ngành cho đến ngoài ngành, có thể đúc kết một điều: Công nhân thủy lợi đang rất bi đát.

Anh Mai Văn Đức chạnh lòng khi nhắc đến thu nhập của một công nhân thủy lợi đã gắn bó với ngành 13 năm. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Mai Văn Đức chạnh lòng khi nhắc đến thu nhập của một công nhân thủy lợi đã gắn bó với ngành 13 năm. Ảnh: Thanh Nga.

Câu chuyện của nam công nhân Mai Văn Đức (SN 1988), ở xã Hương Long, huyện Hương Khê sẽ lột tả phần nào những khó khăn mà lao động công tác tại các doanh nghiệp thủy nông ở Hà Tĩnh phải đối mặt trong nhiều năm qua.

Anh Đức tốt nghiệp Trung cấp Thủy lợi năm 2008, đến năm 2011 được tuyển dụng vào làm công nhân quản lý kênh tại trạm Đá Hàn, huyện Hương Khê (thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh). Thời điểm đó, các doanh nghiệp thủy lợi đang hoạt động hiệu quả nên đời sống người lao động rất ổn định, nhiều người còn bảo được làm công nhân thủy lợi là một may mắn.

Năm 2017, anh Đức kết hôn với chị Nguyễn Thị Thái Phượng, người cùng quê sau đó sinh hạ 2 người con, 1 gái, 1 trai. Trong suốt quá trình công tác, anh Đức luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và nay là một trong những công nhân vận hành hồ chứa dày dạn kinh nghiệm.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 2 doanh nghiệp thủy lợi, đang quản lý 59 hồ chứa; 4 đập dâng; 38 trạm bơm; 10 cống ngăn mặn giữ ngọt; hơn 930km kênh mương, phục vụ tưới tiêu cho 105 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho các ngành nghề kinh tế khác.

“Cống hiến 13 năm cho ngành thủy lợi rồi nhưng đến nay thu nhập của tôi chỉ mới được 4,7 triệu đồng/tháng. Cả gia đình 4 miệng ăn nhìn vào đó cả nên tháng nào cũng giật gấu vá vai. Dịp nào cưới hỏi, giỗ chạp nhiều thì phải đi vay nợ để mua sữa, mua bỉm, nộp tiền học cho con”, anh Đức ngậm ngùi chia sẻ.

Theo anh, trong 4,7 triệu tổng thu nhập thì có 4,3 triệu tiền lương và hơn 400 ngàn đồng tiền phụ cấp ăn ca, làm thêm giờ (tiền phụ cấp này tính chia đều cho 12 tháng). Mức thu nhập này quá bèo bọt so với nhu cầu cuộc sống tối thiểu hiện nay. Đã không ít lần vợ khuyên anh nghỉ việc vào miền Nam làm công nhân, thu nhập tối thiểu cũng 8 - 9 triệu đồng/tháng nhưng vì nặng nợ với nghề, với quê hương nên anh đang cố bám trụ.

“Bây giờ bất di bất dịch mỗi tháng chúng tôi phải chi 1 triệu tiền học cho con gái lớn; 2 triệu tiền sữa, bỉm cho con trai út, số tiền còn lại phục vụ ăn uống, tiền điện, cưới hỏi, ma chay. Dù có làm thêm nhiều công việc khác nhưng thu nhập cũng chưa đủ ăn chứ đừng nói trả món nợ 15 triệu đồng vay dựng nhà cách đây gần chục năm”, anh Đức nói trong bất lực.

So sánh về mức thu nhập với đặc thù công việc, anh Đức cho rằng đang tỷ lệ nghịch quá lớn. Là người được giao quản lý, vận hành Đập Làng, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê và tuyến kênh dài 4km, mỗi ngày anh Đức phải di chuyển bằng xe máy trung bình 10km kiểm tra mực nước và ngăn chặn các hành vi vi phạm hành lang an toàn hồ chứa và tuyến kênh. Đặc biệt, những tháng cao điểm hạn hán, lũ lụt anh phải trực xuyên đêm để tưới chống hạn hoặc bảo vệ công trình.

“Khi lũ lớn, nắng hạn người ta trú ẩn trong nhà còn chúng tôi phải lăn lộn giữa thời tiết khắc nghiệt, nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ. Thế nhưng chế độ đãi ngộ đối với công nhân thủy lợi hiện nay hoàn toàn không tương xứng với đóng góp của chúng tôi”, nam công nhân bày tỏ. Đồng thời mong muốn, Trung ương cần có những điều chỉnh về chính sách tiền lương, phụ cấp đặc thù cho lực lượng công nhân thủy lợi.

Trường hợp vợ chồng chị Trần Thị Hương và anh Đinh Văn Nam, đều là công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cũng không khá hơn anh Đức là bao. Anh Nam đang thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành Đập dâng Khe Táy và kênh Khe Táy tuyến về xã Lộc Yên, Gia Phố (huyện Hương Khê), còn chị Hương quản lý, vận hành hồ Cha Chạm và kênh Khe Táy tuyến về xã Hương Giang (huyện Hương Khê).

Đồng lương ít ỏi buộc anh Đức phải làm thêm rất nhiều việc, tuy nhiên cuộc sống hiện tại của gia đình vẫn rất chật vật. Ảnh: Thanh Nga.

Đồng lương ít ỏi buộc anh Đức phải làm thêm rất nhiều việc, tuy nhiên cuộc sống hiện tại của gia đình vẫn rất chật vật. Ảnh: Thanh Nga.

Những công trình hồ chứa và kênh mương trên đều được xây dựng cách đây ba bốn thập kỷ nên đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác vận hành, điều tiết. Hai vợ chồng anh Nam, chị Hương dù đang nuôi con nhỏ và cha mẹ già nhưng giai đoạn cao điểm lúa làm đòng, gặp nắng hạn đều phải trực đêm hai ba tuần liên tục để cấp nước chống hạn cho lúa.

Sự hi sinh thầm lặng của những công nhân thủy lợi không phải ai cũng biết và chia sẻ, trong khi mức thu nhập của 2 con người đã gắn bó với Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh 3 - 5 năm, thời điểm này chỉ vỏn vẹn trên dưới 7 triệu đồng/tháng.

“Nhìn bảng lương hàng tháng chúng tôi chạnh lòng vô cùng. Nhiều khi cứ nghĩ đó là khoản phụ cấp chứ chẳng ai nghĩ là tổng thu nhập”, chị Hương thở dài.

Theo chị, cách đây tầm 4 năm về trước chế độ ăn ca, làm thêm giờ còn được hỗ trợ 9 - 10 tháng/năm nhưng hai ba năm nay do nguồn thu công ty khó khăn nên các khoản phụ cấp này chỉ còn 5 - 6 tháng/năm, mức hỗ trợ cũng thấp hơn so với trước đây.

Doanh thu giảm hơn 4,2 tỷ đồng/năm

Trăn trở rất nhiều khi để đời sống của người lao động càng ngày càng gặp nhiều khó khăn song lãnh đạo các doanh nghiệp thủy nông trên địa bàn Hà Tĩnh cũng “lực bất tòng tâm” bởi việc điều chỉnh chính sách phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho hay, nguồn thu hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị chủ yếu từ hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi nhưng từ năm 2012 đến nay đơn giá hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi chưa điều chỉnh lần nào trong khi chính sách tiền lương, tiền điện, sinh hoạt đã tăng rất nhiều lần khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn trả lương và các chế độ khác cho người lao động.

Là phụ nữ đang chăm sóc bố mẹ già và nuôi con nhỏ nhưng có những thời điểm chị Trần Thị Hương phải trực xuyên đêm tưới chống hạn cho lúa mà không có phụ cấp hay tiền làm thêm giờ. Ảnh: Thanh Nga.

Là phụ nữ đang chăm sóc bố mẹ già và nuôi con nhỏ nhưng có những thời điểm chị Trần Thị Hương phải trực xuyên đêm tưới chống hạn cho lúa mà không có phụ cấp hay tiền làm thêm giờ. Ảnh: Thanh Nga.

“Phụ cấp ăn ca, làm thêm giờ chúng tôi đã phải cắt hoặc giảm để cân đối nguồn dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng công trình hàng năm. Mấy năm nay, không ít công nhân đã công tác 10 - 15 năm trong công ty xin nghỉ ra làm ngoài vì mức thu nhập không đảm bảo đời sống cho bản thân họ và gia đình”, ông Hùng ngậm ngùi chia sẻ.

Chung thực trạng, trong vòng 5 năm trở lại đây, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh có đến 9 lao động xin nghỉ việc. Trong đó có những người là Cụm phó đã công tác tại công ty cả chục năm. Họ nghỉ làm công nhân thủy lợi để tìm kiếm những công việc khác có mức thu nhập ổn định hơn, cao hơn.

Theo ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty, lâu nay người lao động đã kêu rất nhiều, than thở rất nhiều. Thời gian tới nếu Chính phủ không có hướng điều chỉnh giá dịch vụ công ích thủy lợi hay điều chỉnh khu vực miền núi theo điều kiện địa hình khó khăn, chia cắt sẽ khó giữ chân người lao động ở lại làm việc tại doanh nghiệp chứ chưa nói đến thu hút, tuyển dụng để bổ sung nguồn lực con người cho ngành về lâu dài.

Ông Cường thông tin, năm 2022 tổng nguồn thu của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chỉ được 40 tỷ đồng, trong khi đó các chi phí tiền lương, bảo hiểm đã chiếm 36 - 37 tỷ, do đó nguồn lực còn lại phục vụ cho công tác duy tu, bảo trì công trình hư hỏng, triển khai nội dung thực hiện quy định Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy văn… rất hạn chế, nếu không muốn nói như “muối bỏ biển”.

Đặc biệt, năm 2021 Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg, phê duyệt danh sách các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo đó Hà Tĩnh không còn xã miềm núi thì doanh nghiệp tiếp tục bi đát hơn.

Điều kiện làm việc khắc nghiệt nhưng chế độ đãi ngộ cho công nhân thủy lợi chưa tương xứng với đóng góp của họ. Thanh Nga.

Điều kiện làm việc khắc nghiệt nhưng chế độ đãi ngộ cho công nhân thủy lợi chưa tương xứng với đóng góp của họ. Thanh Nga.

“Chênh lệch giảm doanh thu giá dịch vụ công ích miền núi và đồng bằng của công ty lên đến hơn 4,2 tỷ đồng/năm. Trong điều kiện hoat động sản xuất, vận hành, quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở những huyện như Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh vất vả, khó khăn hơn nhiều so với huyện đồng bằng Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, việc cắt giảm này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động trong toàn công ty”, ông Cường nhấn mạnh.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.