| Hotline: 0983.970.780

'Tròng' chính sách 'thắt' doanh nghiệp thủy nông [Bài 3]: Rên xiết vì bất cập giá thủy lợi

Thứ Năm 19/10/2023 , 09:58 (GMT+7)

Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở Nam Trung bộ phải ‘thắt lưng buộc bụng’ vì mức giá thủy lợi do Bộ Tài chính cấp không đủ để hoạt động…

Không có kinh phí để bảo dưỡng công trình

Theo ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Phú Yên), suốt 10 năm nay, hoạt động của đơn vị này trông hết vào khoản “giá thủy lợi” do Bộ Tài chính cấp với mức tương tự như mức cấp bù thủy lợi phí theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ. Trong khi các khoản chi phí đều tăng như mức lương cơ sở, lương tối thiểu vùng. Bên cạnh đó, tiền điện vận hành máy bơm nước, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bảo trì bảo dưỡng công trình, sửa chữa công trình thủy lợi... đều tăng “phi mã” theo giá cả thị trường.

Sự thể trên khiến Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam “rối rắm” trong cân đối tài chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi được UBND tỉnh Phú Yên giao hàng năm. Giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình thủy lợi, công tác an toàn đập.

Với giá thủy lợi phí hiện nay, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam thiếu kinh phí bảo dưỡng công trình. Ảnh: K.S.

Với giá thủy lợi phí hiện nay, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam thiếu kinh phí bảo dưỡng công trình. Ảnh: K.S.

Năm 2023, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam được Bộ Tài chính cấp gần 36 tỷ đồng; trong đó chi phí tiền lương và phụ cấp lương gần 25 tỷ đồng, còn lại khoảng 11 tỷ đồng không đủ cân đối chi cho công tác vận hành, bảo dưỡng công trình. Tiền lương người lao động thấp, quỹ khen thưởng và phúc lợi không đủ, phải xin kinh phí hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước.

“Hiện chúng tôi phải có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước để đảm bảo nguồn tài chính hoạt động, nhất là để phục vụ công tác quản lý, vận hành, bảo trì công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn đập, hoàn thành nhiệm vụ được UBND tỉnh giao”, ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam chia sẻ.

Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, cũng lâm “thảm cảnh” tương tự như Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam ở Phú Yên. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định “ca thán”: Trước đây 5 năm, với khoản kinh phí do Bộ Tài chính cấp được gọi là giá thủy lợi công ty còn có thể cân đối, mỗi năm dành ra khoảng 30 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên và nạo vét kênh mương. Thế nhưng 5 năm trở lại đây, khoản kinh phí từ giá thủy lợi chỉ đủ để bộ máy hoạt động, chứ không thể cân đối để chăm lo bảo toàn công trình.

“Năm 2023, Bộ Tài chính cấp cho chúng tôi khoảng 65 tỷ đồng, sau khi tính toán các khoản chi phí cho người lao động để đảm bảo bộ máy hoạt động và các chi phí khác, công ty chỉ còn lại khoảng 4 tỷ đồng, khoản tiền này chưa đủ nạo vét kênh mương dẫn nước tưới, muốn làm chu tất phải mất đến 7-8 tỷ đồng. Kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình trong năm 2023 kể như không có đồng nào”, ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ.

Cầu công tác đập dâng Lại Giang ở thị xã Hoài Nhơn bị gỉ sét toàn bộ nhưng Công ty TNHH KTCTTL Bình Định không có kinh phí sửa chữa, phải xin kinh phí của UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Cầu công tác đập dâng Lại Giang ở thị xã Hoài Nhơn bị gỉ sét toàn bộ nhưng Công ty TNHH KTCTTL Bình Định không có kinh phí sửa chữa, phải xin kinh phí của UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Phú, Nghị định 96 của Chính phủ hướng dẫn các đơn vị thủy nông làm mức giá từ năm 2018, bảng giá này đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt gửi cho Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính, thế nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng, mà còn áp dụng mức phí của năm 2013.

“Nếu áp dụng giá thủy lợi phí theo Nghị định 96, khoản tiền công ty được Bộ Tài chính phân bổ hàng năm sẽ tăng lên khoảng 1,7 lần so với mức thủy lợi phí của năm 2013. Như vậy, đơn vị sẽ có kinh phí để thực hiện công tác sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi và nạo vét kênh mương chu đáo. Vào mùa mưa lũ sẽ không còn nơm nớp lo về sự an toàn của các công trình”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định bộc bạch.

Chưa phù hợp thực tế

Ngành thủy lợi Quảng Nam cũng không ngoại lệ, thế nên UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính “trình bày hoàn cảnh”. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, khi Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ được ban hành, yêu cầu các doanh nghiệp công ích phải xây dựng giá dịch vụ thủy lợi để các doanh nghiệp thủy lợi chủ động về tình hình tài chính, cân đối thu chi, tạo ra lợi nhuận để trích lập các quỹ. Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam đã xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và đã được UBND tỉnh trình Bộ Tài chính tại Tờ trình số 5503/TTr-UBND ngày 21/9/2020, nhưng mãi đến nay chưa được phê duyệt.

Những mối nối của cầu công tác đập dâng Lại Giang ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) như muốn rời ra. Ảnh: V.Đ.T.

Những mối nối của cầu công tác đập dâng Lại Giang ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) như muốn rời ra. Ảnh: V.Đ.T.

Mức giá do Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam xây dựng tăng gần 2,5 lần so với mức giá áp dụng từ năm 2013. Mức giá được xây dựng dựa trên các yếu tố đầu vào đã tăng gấp nhiều lần trong gần 10 năm qua. Tuy nhiên, mức giá do Bộ Tài chính ban hành tại Quyết định số 1477/QĐ-BTC ngày 05/8/2021 không thay đổi so với mức giá thủy lợi phí năm 2013, nên doanh thu của Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Nam không đủ bù chi, càng không thể tạo ra lợi nhuận để trích lập 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi; không đảm bảo được đời sống và các chế độ phúc lợi tập thể cho người lao động, chi thưởng các danh hiệu theo quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ngoài ra, một số nội dung quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính.

Ông Quang nêu ví dụ: Chi phí khấu hao tài sản cố định theo quy định chỉ được trích lập đối với phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn, trang thiết bị, hệ thống thông tin quản lý vận hành và máy móc thiết bị quản lý dùng trong văn phòng.

Như vậy, các tài sản là máy móc thiết bị trực tiếp phục vụ sản xuất, nhà cửa không được trích khấu hao, đồng nghĩa khi các tài sản này hư hỏng sẽ không có nguồn để sửa chữa. Để đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất, ngân sách Nhà nước phải đảm bảo nguồn kinh phí trong việc sửa chữa, hoặc đầu tư mua sắm mới các tài sản này nếu đã hết thời hạn sử dụng hoặc xuống cấp, hư hỏng.

Cầu công tác đập dâng Lại Giang ở thị xã Hoài Nhơn được Công ty TNHH KTCTTL Bình Định dùng dây cột để khỏi bị rớt ra. Ảnh: V.Đ.T.

Cầu công tác đập dâng Lại Giang ở thị xã Hoài Nhơn được Công ty TNHH KTCTTL Bình Định dùng dây cột để khỏi bị rớt ra. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Quang chia sẻ thêm: Nghị định 96 cũng không quy định chi phí phòng, chống lụt bão, úng, hạn được tính trong chi phí bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 1 Điều 8 Thông tư số 73/2018/TT-BTC ngày 15/8/2018 của Bộ Tài chính có quy định doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi được sử dụng nguồn tài chính tại đơn vị để bù đắp chi phí này.

Với đặc thù của ngành thủy lợi, hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi luôn chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. Do vậy, việc không quy định khoản mục chi phí này trong giá sản phẩm và chi phí sản xuất của đơn vị làm nhiệm vụ khai thác công trình thủy lợi là chưa phù hợp, không tạo tính chủ động trong sản xuất của doanh nghiệp.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh lại giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Xem xét, phê duyệt mức giá tối đa sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo phương án giá đã được UBND tỉnh Quảng Nam trình Bộ Tài chính tại Tờ trình số 5503/TTr-UBND ngày 21/9/2020. Đề nghị Bộ Tài chính cần sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 theo quy định để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho Công ty TNHH MTV KTCTTL nói riêng và các công ty khác nói chung”, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.