| Hotline: 0983.970.780

[Bài 7] Những người vực dậy hợp tác xã nông nghiệp ở Tiền Giang

Thứ Ba 05/07/2022 , 06:34 (GMT+7)

Muốn tháo gỡ những rào cản của kinh tế tập thể, ngoài vấn đề chính sách, cái chính vẫn là yếu tố con người, như câu chuyện ở tỉnh Tiền Giang.

LTS: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mặc dù còn nhiều những “nút thắt”, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, khơi thông, tuy nhiên những thành tựu kinh tế tập thể mang lại cũng đã chứng minh đây là con đường tất yếu, khách quan của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Loạt bài này là những ghi chép chân thực trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, vùng đất được đánh giá là có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất về kinh tế tập thể. Có thể, những cách làm, những mô hình tiêu biểu này chưa phải là bộ giải pháp của quốc gia nhưng hoàn toàn có thể coi là một cuộc cách mạng.

Người trẻ bỏ phố về thay đổi Mỹ Tịnh An

Tỉnh Tiền Giang, vùng đất nằm trọn phần bờ Bắc sông Tiền, có 172 hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 4 vạn thành viên tham gia. So với nhiều địa phương khác ở miền Tây Nam bộ con số đó chưa phải lớn, thậm chí có phần còn khiêm tốn.

Căn cơ như ông Lê Minh Khánh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Đã qua rồi cái thời thành lập hợp tác xã nông nghiệp, “gò” thành viên vào theo kiểu chạy chỉ tiêu nông thôn mới. Qua cái thời nhiều hợp tác xã “chết lâm sàng rồi nhưng không khâm liệm” vì vướng cái nọ vướng cái kia, chẳng khác gì những thây ma vô hồn. Kinh tế tập thể bây giờ, nếu không phát triển thực chất trước sau cũng chết thôi à. Đợt vừa rồi chúng tôi tổ chức rà soát, ngưng hoạt động và giải thể 12 hợp tác xã, thậm chí đến cả Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp duy nhất của tỉnh cũng đã có phương án cho giải thể tự nguyện hoặc cưỡng chế.

“Kinh tế tập thể phải làm sao để người đứng ở bên ngoài muốn vô, cùng mua cùng bán, cùng phát triển, chứ vô rồi cũng không thấy khác biệt chi hết thì tốt nhất nên giải thể, để tránh tình trạng “nằm một đống” ở đó, dân nhìn vô thấy ngại, không muốn tham gia. Đừng lo giải thể là mất chỉ tiêu hợp tác xã, bởi vì đã xác định là xu thế tất yếu rồi thì mất cái này sẽ có cái khác tốt hơn thay thế ngay”, người có hơn 20 năm gắn bó với kinh tế tập thể ở Tiền Giang phân trần.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm HTX Mỹ Tịnh An ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm HTX Mỹ Tịnh An ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Sau những quyết sách mạnh mẽ của Tiền Giang, xuôi dọc sông Tiền hôm nay, đi qua những vùng lúa Chợ Gạo, Châu Thành, qua những vựa trái cây Cai Lậy, Cái Bè, không khí trong các mô hình kinh tế hợp tác ở Tiền Giang quả thật có nhiều điều tươi mới. Vùng lúa có các hợp tác xã Mỹ Trinh, Green Vina TG, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Trung cùng với những hợp tác xã chuyên về dịch vụ nông nghiệp nông thôn như Bình Nhì, Tăng Hòa, Phú Quới đã xây dựng thành công những cánh đồng lớn, những chuỗi giá trị lúa gạo quy mô lên đến hàng ngàn người.

Vùng rau có hợp tác xã Gò Công, Thanh Hưng, Tân Đông, Hòa Thạnh… đang liên kết cùng nhau sản xuất 40 chủng rau, sản lượng xấp xỉ 2.500 tấn, mỗi năm thu hàng chục tỷ đồng. 41 hợp tác xã trái cây ở phía Tây như Cai Lậy, Cái Bè với những đặc sản nức tiếng sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn, bưởi long Cổ Cò đã thông qua “kênh” hợp tác xã để đi ra khắp thế giới.

Đầu tháng Tư vừa rồi, ở Hợp tác xã Mỹ Tịnh An ở huyện Chợ Gạo, vùng trồng thanh long ven bờ sông Tiền diễn ra một sự kiện đặc biệt. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, một người rất nặng lòng với kinh tế tập thể, trong chuyến thăm và việc với tỉnh Tiền Giang đã đến thăm mô hình hợp tác xã trái cây này. Lẽ tất nhiên, nếu xét về quy mô, doanh thu, lợi nhuận Mỹ Tịnh An chưa phải là lớn, nhưng như chia sẻ của đồng chí Chủ tịch nước, nhiệt huyết, cách làm của những người trẻ bỏ thành phố quay trở về quê hương để tháo gỡ những “nút thắt” của mô hình hợp tác xã nông nghiệp mới là điều đáng quý.

Cả Võ Chí Thiện và Văn Tấn Phương, những lãnh đạo của Hợp tác xã Mỹ Tịnh An đều là những người trẻ, con em của quê hương, giống như bao người trẻ khác, học đại học xong xin việc làm ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong ước mơ, hoài bão của họ chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày làm nông nghiệp. Nhưng mỗi lần về thăm cha thăm mẹ, chứng kiến cảnh bà con lầm lụi trong cảnh được mùa mất giá, trong đó có cả người thân của mình, năm này qua năm khác đều theo một “quy luật” như thế, năm 2009 Phương và Thiện quyết định trở về.

Ngày đó, xã Mỹ Tịnh An cũng đã có hợp tác xã nông nghiệp, nhưng chỉ có mấy chục hộ thành viên, “người ở trong thì chán, người ở ngoài không ai muốn vào”. Tiếng là hợp tác xã, mua chung bán chung, cùng nhau phát triển nhưng dịch vụ hoạt động phục vụ thành viên không có đã đành, vào vụ thu hoạch, thanh long ùn ứ, vứt bỏ đầy vườn, đầy ruộng cũng không biết phải làm sao. Lão nông Cao Văn Hiền, một nhà vườn trồng thanh long lâu đời ở ấp Khương Mỹ vẫn còn nhớ, có những mùa vụ cả ha thanh long không bán nổi trái nào, chủ vườn cay đắng đến mức chặt trái, chặt cây, nhìn hợp tác xã “có mà như không” lại càng thêm ngao ngán.

Hợp tác xã Mỹ Tịnh An được thành lập trong bối cảnh niềm tin vào mô hình kinh tế tập thể của bà con gần như đã không còn. Bộ máy vỏn vẹn 7 người, dù 4 trong số đó có trình độ đại học thì vấn đề làm sao để bà con tin tưởng cùng tham gia liên kết xem chừng nan giải. Mất mấy năm trời, không ít lần chán nản tưởng chừng muốn bỏ cuộc, phải vận dụng đủ các hình thức hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, Mỹ Tịnh An mới thuyết phục được một số hộ dân tham gia.

“Mấu chốt là hợp tác xã phải giải quyết được những vấn đề bà con đang gặp phải. Từ đầu vào đến đầu ra. Và quan trọng nhất, phải cho bà con thấy được lợi ích thực sự khi vô hợp tác xã”, Võ Chí Thiện chia sẻ và hào hứng tiết lộ: Sau hơn 10 năm, bây giờ HTX Mỹ Tịnh An đã có 250 thành viên, với diện tích 300ha. Là đối tác xuất khẩu trực tiếp, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với các công ty như Công ty TNHH MTV rau quả Mê Kông, Công ty An Phú, Công ty trái cây lạ Việt Nam, Công ty trái cây Nhiệt Đới, Công ty Ánh Dương Sao, Công ty Rồng Đỏ, Công ty màu xanh vĩnh cửu… Mỗi năm có khoảng 3.500 - 4.000 tấn thanh long, mỗi tháng có từ 30.000 - 40.000 trái dừa thông qua hợp tác xã đi châu Âu, đi Nhật, Úc, Trung Quốc…

Năm 2021, trong khi người trồng thanh long lao đao vì khó khăn ở thị trường Trung Quốc thì ở HTX Mỹ Tịnh An vẫn ổn định với doanh thu 50 tỷ đồng, lãi 1,8 tỷ đồng, doanh thu mỗi thành viên hợp tác xã đạt khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm…

Hợp tác xã Mỹ Tịnh An đã thay đổi tư duy về kinh tế tập thể ở thủ phủ thanh long. Ảnh: Minh Đảm. 

Hợp tác xã Mỹ Tịnh An đã thay đổi tư duy về kinh tế tập thể ở thủ phủ thanh long. Ảnh: Minh Đảm. 

Bài học lớn nhất mà HTX Mỹ Tịnh An rút ra là nếu có được niềm tin và giữ được chữ tín với bà con nông dân, từ cách tổ chức sản xuất đến thị trường thì hợp tác xã sẽ thành công, Văn Tấn Phương tiếp lời.

Khác với những hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ, Mỹ Tịnh An luôn tìm tòi các giải pháp và cam kết sẽ có lợi giúp bà con nông dân. Chẳng hạn mở cửa hàng cung cấp vật tư nông nghiệp, lựa chọn những sản phẩm chất lượng cung cấp cho các thành viên với giá gốc bằng hình thức ghi sổ công nợ đến khi thu hoạch sẽ cấn trừ và không tính lãi. Ký hợp đồng cam kết với các thành viên với mức giá là 10.000 đồng/kg để đảm bảo nếu giá thị trường xuống bao nhiêu thì bà con cũng không bị ảnh hưởng. Trong trường hợp giá thị trường cao thì hợp tác xã cam kết thu mua cao hơn ít nhất 1.000 đồng/kg...

Bài toán thị trường được giải quyết, nhưng thành tựu lớn nhất mà những người trẻ ở Mỹ Tịnh An đã làm được có lẽ là họ đã thay đổi tư duy người nông dân về chất lượng sản phẩm. 100ha thanh long đạt chuẩn GlobalGAP, hiện đang thực hiện 100ha dừa hữu cơ, toàn bộ quy trình sản xuất đều tuân thủ quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Mô hình trồng thanh long “chông đèn rải vụ” đã giải quyết tình trạng lúc thiếu hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính lúc thì thừa hàng phải bán thị trường Trung Quốc với giá rẻ. Quy trình chăm sóc bón phân phun thuốc chung cho vùng trồng của Hợp tác xã Mỹ Tịnh An không chỉ giúp bà con sản xuất “trăm quả như một” mà những doanh nghiệp liên kết cũng hoàn toàn tin tưởng đưa hàng vào những thị trường khó tính nhất.

Lão nông Cao Văn Hiền giờ đây đã là thành viên kỳ cựu của hợp tác xã. Hơn 1ha thanh long GlobalGAP mà ông gọi là “bao được giá sàn”, không sợ gì chuyện giá cả thị trường lên xuống, mỗi năm nhàn nhã thu vài trăm triệu, lợi ích khác xưa rất rõ và bà con cũng “thấm” vai trò của hợp tác xã hơn.

Ngày càng có nhiều hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm. 

Ngày càng có nhiều hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm. 

Người đưa sầu riêng vượt cù lao Ngũ Hiệp

Nhắc lại chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xuống Mỹ Tịnh An, ông Lê Minh Khánh nói, con người vẫn là yếu tố quyết định thành bại của kinh tế tập thể. Đành rằng còn những khó khăn, hạn chế, nhưng nếu chọn được người có tâm huyết, có kiến thức, trình độ, vì lợi ích tập thể chắc chắn sẽ thành công.

Xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy là một cù lao hình thoi nằm giữa vùng ngã ba sông Tiền, sông Ba Lai và Hàm Luông. Đó là một miền phù sa bồi đắp, cây trái quanh năm, không khí an lành. Những ngôi nhà vườn lẩn khuất dưới tán cây như những nét chấm phá trong bức tranh tuyệt sắc, thật yên bình. Đã từ lâu, thương hiệu sầu riêng Ngũ Hiệp đã nức tiếng khắp mọi miền. Người góp công lớn tạo nên sự vẻ vang đó là ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp.

Đi dọc những con kênh chảy từ cầu Ngũ Hiệp đến bến phà Thời Lộc là những vườn sầu riêng bạt ngàn. Bà con vừa mới thu hoạch xong, vụ sầu riêng năm nay xem chừng sẽ thắng lớn khi thông tin Trung Quốc sẽ nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam theo đường chính ngạch, Ngũ Hiệp là một trong số những hợp tác xã đủ điều kiện xuất những đơn hàng đầu tiên. Ông giám đốc hợp tác xã phấn khởi: Sau chuyến này bà con lại xin vào hợp tác xã nhiều lắm đây. Làm “nghề” này có hai yếu tố quyết định, một là tổ chức sản xuất ra làm sao để bà con tiết giảm chi phí tối thiểu, hai là tìm được thị trường để bán với giá cho lợi nhuận tối đa. Đó là sứ mệnh của hợp tác xã, phải làm được, nếu muốn bà con tin tưởng tham gia.

Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp được thành lập năm 2008 nhưng ông Lộc mới chỉ tiếp quản từ năm 2013. Đó là 5 năm trời mà ông giám đốc Ngũ Hiệp hôm nay dùng từ “thê thảm”. Cơ sở vật chất hạ tầng không có, sầu riêng làm ra dù rất ngon nhưng không biết bán cho ai, vận động mãi cũng chỉ lèo tèo vài hộ vào hợp tác xã. Cả Ngũ Hiệp có 1.400ha trồng sầu riêng, mỗi năm hàng ngàn tấn, nhưng cứ đến vụ thương lái kéo về ép bà con đến khốn khổ mới thôi.

“Chứng kiến nghịch lý đó tui mới nghĩ, nếu không thay đổi, không giải quyết được tình trạng này thì sớm muộn gì hợp tác xã cũng giải thể, bà con bỏ hết chứ ai theo”, rồi ông Lộc kể về hành trình thay đổi hợp tác xã ở Ngũ Hiệp.

Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Năm 2013, việc đầu tiên ông Lộc làm sau khi được bầu làm Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp là đi tìm thị trường. Từ Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Sài Gòn… bất cứ nơi đâu có tổ chức hội chợ ông giám đốc hợp tác xã sầu riêng cũng tìm đến. Đi để mình biết mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào, sản phẩm của mình hay dở ra làm sao, đi để biết tiêu chuẩn thị trường họ cần cái gì về còn truyền đạt bà con làm cho đúng. Cũng nhờ “chăm đi” như thế mà HTX sầu riêng Ngũ hiệp lần lượt có đơn hàng đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm ngoái ông Lộc còn thuê hẳn đất mặt tiền ở quận 1 - thành phố Hồ Chí Minh để làm cửa hàng trưng bày sản phẩm của hợp tác xã. Muốn làm ăn buôn bán gì thì cũng phải quảng bá để người ta biết sản phẩm mình chất lượng ra sao, chứ ông nào cũng kêu của mình ngon nhất nhưng không ai biết ngon như thế nào cũng là thua rồi.

Bây giờ HTX sầu riêng Ngũ Hiệp mạnh nhất ở ở thủ phủ trái cây Cai Lậy. Dù chỉ mới 100 thành viên chính thức nhưng mỗi thành viên là một điển hình phát triển kinh tế nhà vườn. Mỗi hộ bình quân từ 2 - 3 công đất, trồng khoảng 60 cây sầu riêng mỗi năm cũng thu mỗi cây tầm 10 triệu đồng. Tất cả đều theo quy chuẩn VietGAP của hợp tác xã, đã được cấp mã số vùng trồng, tới đây là làm theo quy chuẩn hữu cơ. Chỉ riêng đơn hàng 1.000 tấn xuất đi Trung Quốc lần này đã thu về hơn 50 tỷ đồng.

“Hợp tác xã cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra, cung cấp các dịch vụ sơ chế, bảo quản, đóng gói xuất khẩu. Đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn bà con canh tác đạt chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Trước đây đến mùa sâu riêng chín bà con rất sợ thương lái ép, còn bây giờ, có đến tận nhà van nài cũng thôi, của hợp tác xã hết rồi”, nông dân Nguyễn Minh Khôi, người có 10 công sầu riêng ở ấp Hòa An cười nói.

“Nói gì thì nói, những hợp tác xã kiểu mới nếu không có vai trò đồng hành và chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng khó thành công. Ở HTX Mỹ Tịnh An hay Ngũ Hiệp, được như hôm nay một phần cũng là nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cung cấp các chứng nhận tiêu chuẩn, hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt là đào tạo con người. Với kinh tế tập thể, yếu tố con người giống như một người đã có nền tảng “võ công” sẵn rồi, nếu nhà nước bày thêm các “chiêu thức” về quản trị, tổ chức sản xuất, quản lý tài chính, thị trường… chắc chắn sẽ thành công”, ông Lê Minh Khánh.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.