| Hotline: 0983.970.780

[Bài 1] Hợp tác xã 4 tỉnh, 13 dịch vụ, hơn 1.800 hộ thành viên...

Thứ Hai 27/06/2022 , 08:34 (GMT+7)

Đó là HTX Bình Thành ở tỉnh Đồng Tháp. Đây có lẽ là HTX nông nghiệp toàn xã lâu đời và có quy mô lớn nhất, nhiều dịch vụ nhất miền Tây Nam bộ.

LTS: 

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mặc dù còn nhiều những “nút thắt”, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, khơi thông, tuy nhiên những thành tựu kinh tế tập thể mang lại cũng đã chứng minh đây là con đường tất yếu, khách quan của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Loạt bài này là những ghi chép chân thực trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, vùng đất được đánh giá là có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất về kinh tế tập thể. Có thể, những cách làm, những mô hình tiêu biểu này chưa phải là bộ giải pháp của quốc gia nhưng hoàn toàn có thể coi là một cuộc cách mạng.

Nơi làm ruộng "khỏe thấy mồ à"

Vùng đất Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp nằm trải dọc theo con rạch Cái Tàu Thượng nối thông giữa sông Tiền và sông Hậu, vốn đã là vựa lúa nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, hiện còn khoảng 13.000ha. Thực tiễn cho thấy, kinh tế tập thể đã và đang biến nông dân vốn quen chân lấm tay bùn ở vựa lúa vùng Tháp Mười trở thành những người nhàn nhã.

Kinh tế tập thể đã và đang biến nông dân vốn quen chân lấm tay bùn ở vựa lúa vùng Tháp Mười trở thành những người nhàn nhã. Ảnh: Hoàng Vũ.

Kinh tế tập thể đã và đang biến nông dân vốn quen chân lấm tay bùn ở vựa lúa vùng Tháp Mười trở thành những người nhàn nhã. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tôi đi cùng ông Nguyễn Văn Đời (65 tuổi), Giám đốc HTX Bình Thành và lão nông Võ Văn Phèn (69 tuổi) trên những cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay của xã Bình Thành, giữa cái nắng hanh hao mang làn gió lộng lên phía Nam bờ sông Hậu. Giống như nhiều vựa lúa khác ở miền Tây, làm ruộng bây giờ ở Lấp Vò chỉ rặt người già. Đừng vội nghĩ thế là cơ cực, vất vả.

Bài liên quan

Công cuộc cơ giới hóa trong suốt nhiều năm đã đem máy móc xuống đồng và giải phóng cơ bản sức lao động người nông dân. Bằng chứng là đang vào giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa vụ hè thu mà số lao động của cả một cánh đồng rộng hàng trăm công ruộng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không cứ gặt, từ làm đất, bơm tưới, gieo sạ, phun thuốc, bón phân bây giờ cũng đều máy móc làm cả. Làm ruộng gì mà khỏe thấy mồ à. Làm ruộng mà chủ yếu chỉ đi thăm đồng xem lúa má làm sao, cuối vụ lượn một vòng ngó nghiêng cân đo sản lượng được bao nhiêu rồi cưỡi xe về chờ đến hợp tác xã nhận tiền.

Như gia đình ông Phèn chẳng hạn, có 1,2ha ruộng ở cánh đồng ấp Bình Phú Quới, cộng với diện tích hai ông con trai thuê lại của người khác, mỗi năm canh tác ba vụ, nếu không gặp phải biến cố gì quá bất thường cũng lời lãi hàng trăm triệu đồng. Năm nay phân bón giá có cao nhưng nhờ lúa năng suất tốt, lại biết cách canh tác tiết giảm chi phí nên thu hoạch cũng không đến nỗi nào.

“Một công ruộng (1.000m2) bình thường mỗi vụ đầu tư hết khoảng 1,7 - 1,8 triệu đồng, năm nay giá phân bón cao, hết chừng 2,5 triệu, thu được hơn 800kg lúa, lãi hơn 1,2 triệu đồng. Tính ra một năm làm ruộng có mấy ngày, ai làm đất, ai bơm tưới, ai chăm sóc bảo vệ, lúa gặt rồi bán cho ai không cần biết, tất cả đã có dịch vụ của hợp tác xã. Vợ chồng, con cái có thời gian làm thêm nhiều nghề khác. May mặc, làm nệm, chăm sóc cây cảnh, đi làm công nhân... Đời sống khấm khá lên, nhà cửa khang trang, vật dụng sinh hoạt không thiếu thứ gì”, ông Phèn tính toán.

Giám đốc HTX Bình Thành, ông Nguyễn Văn Đời. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Giám đốc HTX Bình Thành, ông Nguyễn Văn Đời. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Cả xã Bình Thành trên 1.000ha đất trồng lúa thì chừng ấy diện tích là của hợp tác xã quản lý. Cũng chỉ toàn người già trông nom. Nhàn nhã đến mức chẳng phải động tay động chân nên những người như ông Ba Bề, ông Hai Liễu... ông nào cũng bảy tám chục tuổi cả rồi nhưng ngoài mấy chục công ruộng ở quê lại còn sang các huyện Tháp Mười, Tam Nông, sang cả bên An Giang thuê lại ruộng của người ta để làm.

Nói không ngoa, tư duy kinh tế tập thể đã thay đổi cuộc sống người dân Lấp Vò. Ở xã Bình Thành này nhà nào có ruộng cũng tham gia vào hợp tác xã hết. Thậm chí nông dân ở nhiều nơi khác cũng vào hợp tác xã Bình Thành. Có người gọi đây là hợp tác xã “7 xã 4 tỉnh” vì trong số 1.814 hộ thành viên, ngoài nông dân 7 xã trong huyện còn có bà con từ Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang… 950ha lúa ba vụ, 200ha hai lúa một màu, không một thành viên hợp tác xã nào là hộ nghèo cả,

Bình Thành có lẽ là hợp tác xã toàn xã có số lượng thành viên lớn nhất và nhiều dịch vụ nhất để phục vụ trực tiếp các hộ thành viên.

Giám đốc Nguyễn Văn Đời thống kê, HTX Bình Thành đang tổ chức thực hiện 13 dịch vụ phục vụ từ sản xuất đến đời sống sinh hoạt cho xã viên. Tổ chức sản xuất có dịch vụ bơm tưới, làm đất, bảo vệ thực vật, dịch vụ khuyến nông, mua bán gạo, mua bán lúa giống, mua bán vật tư nông nghiệp… Dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt có mua bán điện gia dụng, mua bán điện nông thôn, thu gom rác ở nông thôn, cung cấp nước đóng bình đóng chai, dịch vụ ngành nghề nông thôn…

Bình Thành là hợp tác xã có nhiều dịch vụ nhất để phục vụ trực tiếp các hộ thành viên. Ảnh: Hoàng Vũ.

Bình Thành là hợp tác xã có nhiều dịch vụ nhất để phục vụ trực tiếp các hộ thành viên. Ảnh: Hoàng Vũ.

“Mô hình hợp tác xã khác với doanh nghiệp ở chỗ phải xác định đặt lợi ích lên đầu chứ không phải là lợi nhuận. Cứ cái gì có lợi cho xã viên thì làm, không có lời vẫn phải làm, lấy cái này bù cái khác. Ví dụ trong số 13 dịch vụ hợp tác xã đang làm thì đa phần ít nhiều đều có lời nhưng có 3 dịch vụ càng làm càng lỗ đó là dịch vụ khuyến nông, bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa gạo. Hợp tác xã phải bỏ kinh phí thuê chuyên gia tập huấn, hỗ trợ kiến thức giúp bà con, thuê người kiểm tra, chăm sóc đồng ruộng, mua sắm máy móc, thiết bị sấy lúa, kho bãi… Tức là phải làm sao bà con thấy có lợi thì mới tham gia hợp tác xã, còn dịch vụ của kinh tế tập thể mà không khác gì bên ngoài thị trường thì xin thưa, khỏi, ai vô hợp tác xã làm gì”, ông Giám đốc HTX Bình Thành chia sẻ.

Ở Bình Thành, muốn gặp nông dân phải đến từng nhà. Ra đồng sau 7 - 8 giờ sáng chẳng còn một ai. Nông dân tiếng là làm ra hạt lúa nhưng bán cho ai cũng không hay biết. Câu chuyện muôn thuở về giá cả giữa doanh nghiệp và người dân vốn dĩ khó thì nay đã có hợp tác xã đứng ra giải quyết.

   
Dân cần nhưng không làm được hợp tác xã sẽ làm

Với hơn 1.800 hộ thành viên và 13 dịch vụ phục vụ từ sản xuất đến đời sống sinh hoạt xã viên, HTX Bình Thành hôm nay đang là điểm sáng về kinh tế tập thể ở Đồng Tháp. Doanh thu hàng năm khoảng từ 22 - 24 tỷ đồng, lợi nhuận tầm 7 - 8 trăm triệu, các chế độ hỗ trợ, bảo hiểm, đãi ngộ cho các xã viên cũng được chi trả đầy đủ. Mấy năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mỗi tháng hợp tác xã chi trả hơn 200 triệu tiền lương duy trì hoạt động, mỗi năm chi trả 400 triệu đồng tiền bảo hiểm, không thiếu một đồng.

Ông Đời nói, xác định con đường kinh tế tập thể là nhiều khó khăn, nếu mình không tìm tòi, sáng tạo, không kiên định thì rất khó thành công. HTX Bình Thành cũng trầy trật, bầm dập lắm mới được như ngày hôm nay, có biết bao bài học được đúc rút từ một hợp tác xã nông nghiệp toàn xã có lẽ là lâu đời nhất ở miền Tây Nam bộ.

Những việc dân cần hợp tác xã sẽ làm. Ảnh: Hoàng Vũ.

Những việc dân cần hợp tác xã sẽ làm. Ảnh: Hoàng Vũ.

Năm 1989, trong cơn biến động lớn về kinh tế hợp tác, một loạt địa phương tuyên bố tan rã mô hình tập đoàn sản xuất nông nghiệp sau Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất thì HTX Bình Thành lại được thành lập. Là vì, dù có nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là tranh chấp đất đai nhưng cả người dân lẫn những người đang công tác trong tập đoàn sản xuất nông nghiệp Bình Thành lúc đó đều nhận thấy chỉ có con đường kinh tế tập thể mới có thể tổ chức sản xuất bài bản, phát huy hết tiềm năng lợi thế đất đai, xóa bỏ tư duy manh mún, ruộng đồng manh mún… Sau những cuộc họp bàn lấy ý kiến của hơn 2.000 hộ xã viên, HTX Bình Thành ra đời trên cơ sở sáp nhập các tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

Đó là một quyết định đi ngược chủ trương, ít nhất là theo suy nghĩ của nhiều lãnh đạo huyện Lấp Vò: Người ta tan rã hết các ông lại đi nhập vô làm gì, không dựa vô luật lệ nào hết trơn à. Cho nên nửa năm trời hoạt động mà HTX Bình Thành không có dấu má gì cả. Vẫn cứ xây dựng kế hoạch, vẫn tổ chức sản xuất, vẫn họp xã viên triển khai mùa vụ, vẫn huy động vốn góp... Chuyện đến tai lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ban chủ nhiệm được mời lên giải trình, chỉ một câu hỏi: Tiếp tục kinh tế tập thể thì dân được lợi gì? Cả ông Tư Nhơn, Bí thư Chi bộ lúc bấy giờ và ông Đời trình bày: Dạ thưa, phải làm hợp tác xã thì mới có thể liên kết sản xuất, mới phát huy được hạ tầng nhà nước đã đầu tư. Nói hết cái hay, cái dở, tỉnh thấy xuôi mới chỉ đạo huyện cho làm tiếp. Một sự khởi đầu giai đoạn mới của kinh tế tập thể ở Tháp Mười. Nguyên tắc, tôn chỉ hoạt động được đề ra, những cái gì người dân không làm được thì hợp tác xã sẽ làm. Từ bơm tưới, xuống giống, xây dựng hạ tầng đê bao ngăn lũ, cung ứng vật tư đầu vào, tìm đầu ra… Nhờ thế mà hoạt động trơn tru, hiệu quả.

Ông Đời cũng nhớ, khoảng năm 1994 - 1995, trước thời điểm ban hành Luật Hợp tác xã năm 1996, Tổng Bí thư Đỗ Mười triệu tập hội nghị mời đại diện hợp tác xã, trong đó có Bình Thành. Nghe báo cáo của một hợp tác xã từ Lấp Vò ra, Tổng Bí thư Đỗ Mười thốt lên: Trời ơi, hợp tác xã còn đây mà mấy ông nói chết là nghĩa làm sao? Ngay sau đó Luật Hợp tác xã 1996 ra đời, sau này là Luật Hợp tác xã 2012, dù chính sách có thay đổi như thế nào thì nguyên tắc bất di bất dịch của HTX Bình Thành vẫn là “làm điều người dân cần và người dân không làm được”.

Ví dụ việc HTX Bình Thành quy hoạch các cánh đồng thành 8 vùng sản xuất, xây dựng đê bao để điều tiết lũ kết hợp đường giao thông nông thôn. Khổ dữ lắm, có người còn nói các ông xây đê bao làm chỗ chứa chuột à? Nhưng chính nhờ có “đê bao chứa chuột” có thể chủ động sản xuất, điều tiết lũ vô lũ ra, mùa nước lên có thể thả lũ từ 3 tuần đến một tháng, lượng lúa có thể thu hồi gạo cao hơn, giá bán cũng cao hơn những nơi khác một hai trăm đồng/kg.

Bất kể việc gì, cứ có lợi cho xã viên thì hợp tác xã làm. Hợp tác xã đứng ra làm trung gian, ký kết “hợp đồng tay ba”, thu mua, hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo của người dân rồi bán lại cho các doanh nghiệp. Cũng có những năm “lỗ thấy mồ luôn” nhưng lời ở chỗ là dân bán được sản phẩm. Đến nay tất cả diện tích lúa của hợp tác xã đều được tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận ổn định cho các thành viên.

Làm lúa giống cũng vậy. Xây dựng 30ha sản xuất lúa giống cung ứng cho các thành viên, hợp đồng với dân rồi cũng phải tính toán làm sao thấp hơn giá thị trường, bảo đảm lúa phải lên, để người dân thấy dịch vụ của hợp tác xã khác với bên ngoài. Doanh nghiệp bán giống lỡ gặp vấn đề thì đổ lỗi kỹ thuật, thời tiết, hợp tác xã thì không, lúa má làm sao dân chửi liền.

Bất kể việc gì, cứ có lợi cho xã viên thì hợp tác xã làm. Ảnh: Hoàng Vũ.

Bất kể việc gì, cứ có lợi cho xã viên thì hợp tác xã làm. Ảnh: Hoàng Vũ.

Rồi các dịch vụ cung cấp gạo an toàn, nước đóng bình, đóng chai, thu gom rác thải nông thôn, bán điện nông thôn… Toàn những việc dân cần nhưng xã không làm được thì hợp tác xã làm. Khó khăn, vất vả nhiều nhưng bù lại sử dụng những dịch vụ này người dân được hưởng lợi là thấp hơn giá thị trường nhờ công thức “mua sỉ bán lẻ”, lại còn được chịu đến cuối vụ mới phải trả tiền, niềm tin vào kinh tế tập thể cũng vì thế mà ngày càng lan tỏa.

Mấy cán bộ ở Bình Thành ái ngại, toàn những dịch vụ làm dâu ngàn họ chứ chẳng phải trăm. Tính sơ bộ hơn 1.800 hộ thành viên, mỗi hộ bình quân 4 người thì đối tượng phục vụ cũng lên gần cả vạn, vậy mà ở HTX Bình Thành có quy ước: Mọi khiếu nại của người dân trong vòng ba ngày phải được giải quyết. Mọi phương án tài chính đều phải công khai minh bạch để cuối năm chia lợi nhuận thành viên theo mức vốn góp và mức độ sử dụng dịch vụ.

“Làm hợp tác xã mà không nghe dân chửi thì chưa phải. Nhưng tụi tui quan điểm phải lắng nghe. Bởi vì mình làm dịch vụ, chửi đúng thì mình sửa, chửi sai thì giải thích cho xã viên hiểu. Tất cả phải minh bạch, rõ ràng. Nhờ đó mà lâu lâu cũng không thấy xã viên chửi bới gì, cũng có chút nhớ nhớ”, Giám đốc Đời nói cười sang sảng.

“Cốt lõi của kinh tế tập thể là người dân phải hiểu và thấy được cái lợi để tham gia. Vì vậy, ngoài những dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, HTX cũng phải thường xuyên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng máy sạ lúa, máy phun thuốc, phun phân tự động, máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa, thực hiện nhiều đề tài, dự án, mô hình trình diễn được áp dụng trên lúa, hoa màu, cây ăn trái, gia súc, thủy sản… Chúng tôi liên tục xây dựng các mô hình như sản xuất lúa theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 1 phải 5 giảm,… hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng năng suất, quản lý hiệu quả dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân giảm chi phí và tăng thêm thu nhập", ông Nguyễn Văn Đời chia sẻ.

Chỉ một con đường

Bình Thành hôm nay đã là xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có công lao không nhỏ của hợp tác xã. Ông Hồ Tấn Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lấp Vò ghi nhận, cùng với 16 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng vai trò của kinh tế tập thể trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản, các dịch vụ phục đời sống sinh hoạt cho xã viên và xây dựng nông thôn mới là rất đáng ghi nhận.

Điển hình như HTX Bình Thành, hầu như công tác nào của chính quyền cũng đều có vai trò của hợp tác xã. Từ phòng chống lụt bão, xây dựng hạ tầng, phòng chống dịch Covid-19… Đặc biệt, để đảm bảo tiêu chí nông thôn mới nâng cao của xã, HTX Bình Thành đã đứng ra lãnh trọng trách ở ba tiêu chí gồm điện, thủy lợi và phòng chống thiên tai, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn và hỗ trợ xã ở nhiều tiêu chí khác. Cũng hiếm có hợp tác xã nào có đầy đủ chi bộ Đảng hoạt động gần 20 năm nay, có công đoàn cơ sở, hội khuyến học, đoàn thanh niên, chi hội nông dân… giám đốc hợp tác xã là phó ban phòng chống lụt bão, phó ban xây dựng nông thôn mới, tham gia đóng góp rất lớn vào công cuộc thay đổi bộ mặt nông thôn ở Bình Thành.

Ông Nguyễn Văn Đời. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Ông Nguyễn Văn Đời. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Lẽ tất nhiên là còn nhiều khó khăn, trở ngại, chẳng hạn như về cơ chế chính sách. Những năm gần đây chính sách hỗ trợ hợp tác xã nói riêng và kinh tế tập thể nói chung có rất nhiều nhưng chuyện tiếp cận không phải dễ dàng. Không đủ điều kiện khó đã đành, đủ rồi vẫn cứ khó. Là vì cơ chế chính sách của trung ương nhưng nguồn lực lại của địa phương dẫn đến khó khăn trong việc bố trí, phải là chính sách cấp nào nguồn lực cấp đó mới được.  

Rồi cả những chính sách về thuế vẫn còn cao, về tín dụng vẫn còn khó tiếp cận, nhưng có lẽ rồi đây Đảng, Nhà nước sẽ tháo gỡ dần. Cái chính là xác định con đường “hợp tác xã, hợp tác xã và chỉ hợp tác xã” và tư duy người dân về kinh tế tập thể đang ngày càng thay đổi rất rõ.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...