| Hotline: 0983.970.780

[Bài 4] Bài học ở Hậu Giang

Thứ Năm 30/06/2022 , 06:05 (GMT+7)

Chỉ sau 2 năm thành lập, Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP đã là 'hạt nhân' của liên hiệp hợp tác xã trái cây lớn nhất miền Tây Nam bộ.

LTS: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mặc dù còn nhiều những “nút thắt”, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, khơi thông, tuy nhiên những thành tựu kinh tế tập thể mang lại cũng đã chứng minh đây là con đường tất yếu, khách quan của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Loạt bài này là những ghi chép chân thực trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, vùng đất được đánh giá là có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất về kinh tế tập thể. Có thể, những cách làm, những mô hình tiêu biểu này chưa phải là bộ giải pháp của quốc gia nhưng hoàn toàn có thể coi là một cuộc cách mạng.

Cả tỉnh Hậu Giang có 203 hợp tác xã nông nghiệp, nhưng mới chỉ có tầm hơn 5.700 hộ thành viên. Ảnh: Hoàng Vũ.

Cả tỉnh Hậu Giang có 203 hợp tác xã nông nghiệp, nhưng mới chỉ có tầm hơn 5.700 hộ thành viên. Ảnh: Hoàng Vũ.

“Có mấy chục ông thì hợp tác xã cái gì”

Chúng tôi gặp ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang trong một căn phòng treo rất nhiều khẩu hiệu về sứ mệnh và tầm nhìn của kinh tế tập thể. “Liên minh hợp tác xã vùng Hậu Giang đồng hành cùng kinh tế hợp tác, hợp tác xã vươn tầm thế giới”, “Hợp tác liên kết tạo sức mạnh để không ai bị bỏ lại phía sau”, “Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận”…

Người nặng lòng với kinh tế tập thể ở Hậu Giang nửa thật nửa đùa, nhìn kiểu “phong trào” thế thôi nhưng thực chất lắm đấy. Hậu Giang là một trong những tỉnh tiên phong ở miền Tây Nam bộ thành lập các liên hiệp hợp tác xã nhằm kết nối các hợp tác xã lại với nhau. Hai liên hiệp hợp tác xã trái cây, một liên hiệp hợp tác xã lúa gạo và một trên lĩnh vực thủy sản. Đầu tháng 4 vừa thành lập Liên hiệp Hợp tác xã thủy sản Hậu Giang MeKong với 7 hợp tác xã, cuối tháng đã ra mắt Liên hiệp Hợp tác xã lúa gạo Xà No MeKong gồm 30 hợp tác xã thành viên, quy mô 40.000ha lúa. Mới cách đây mấy ngày Liên hiệp Hợp tác xã trái cây xuất khẩu MeKong cũng mới ra đời theo nguyện vọng của 21 hợp tác xã quy mô nhỏ.

Bài liên quan

Khí thế như vậy là bởi vì chúng tôi nhận thức rõ những khó khăn, vướng mắc trên con đường xây dựng kinh tế tập thể. Trong bối cảnh quản lý, tổ chức đến tư duy nhận thức của cả cán bộ và người dân đến cơ chế chính sách vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nếu không liên kết lại với nhau “chắc không thể làm nổi thứ gì ra hồn”.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang dẫn chứng, cả tỉnh có 203 hợp tác xã nông nghiệp, nhưng mới chỉ có tầm hơn 5.700 hộ thành viên. Tính bình quân còn chưa nổi 30 người trong một hợp tác xã. Ai cũng nói rằng hợp tác xã muốn phát triển phải dựa trên quy mô số đông, khách hàng đầu tiên phải là các thành viên ở trong hợp tác xã đó. Vậy thì với những hợp tác xã quy mô chỉ ba bốn chục ông như vậy, diện tích có mấy chục ha thôi thì tập thể cái gì, tổ chức sản xuất ra làm sao? Đó còn chưa kể thực trạng khá phổ biến ở nhiều hợp tác xã nông nghiệp hiện nay người đứng đầu là những ông lão bảy tám chục tuổi cả rồi, sức lực, nhiệt huyết chẳng còn bao nhiêu, lấy gì nói chuyện liên kết, tiếp cận thị trường, chuyển đổi số? Dù cố gắng thay đổi, cách mạng thì 203 hợp tác xã nông nghiệp ở Hậu Giang cũng mới chỉ có khoảng 30% là hoạt động thực sự hiệu quả, những hợp tác xã mới thành lập, đội ngũ quản lý, quản trị là những người trẻ tuổi.

Tất nhiên đó cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương, rồi đây chắc chắn sẽ phải có những thay đổi về mặt chính sách, quy định cho phù hợp. Còn hiện tại, ông Long nói, muốn phát triển kinh tế hợp tác trước hết cần gạt bỏ suy nghĩ “ngồi chờ sung rụng”, phải có khát vọng và những mô hình thực chất hiệu quả.

“Khác với nhiều tỉnh, Hậu Giang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tập thể theo kiểu quy trình ngược. Đó là lựa hình thức liên hiệp hợp tác xã, lựa chọn những hợp tác xã “hạt nhân” có thị trường rồi mới liên kết để tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, trở thành chuỗi liên kết ngành hàng bền vững. Như mô hình Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành”, ông Long nói rồi bốc điện thoại giới thiệu tôi gặp Trần Bá Sơn, người vừa là Giám đốc hợp tác xã trại cây sinh học OCOP lại vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã trái cây xuất khẩu MeKong.

"Những thành công của mô hình liên hiệp hợp tác xã có thể còn ít, nhưng đây là xu thế tất yếu. Khát vọng của Hậu Giang là “đánh” vô những ngành hàng lớn, trọng tâm bằng việc thống nhất thị trường, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, đồng bộ tiêu chuẩn sản phẩm", ông Ngô Minh Long.

Giám đốc Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã trái cây xuất khẩu MeKong Trần Bá Sơn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Giám đốc Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã trái cây xuất khẩu MeKong Trần Bá Sơn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Khác biệt của những người trẻ

Trước hết cũng phải thú thực rằng, dù đã được chính ông Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang giới thiệu rất cụ thể, tuy nhiên chúng tôi cũng không tránh khỏi những cảm giác hoài nghi. Làm sao một hợp tác xã nông nghiệp chỉ mới thành lập có hai năm thôi đã là “hạt nhân” của liên hiệp hợp tác xã của tỉnh ngay được? Lại nghe hợp tác xã non trẻ đó chỉ làm dịch vụ tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm cho các thành viên, đưa trái cây đi vào những thị trường nổi tiếng “khó tính” như là các nước châu Âu…

Vài suy nghĩ lăn tăn có vơi bớt đôi phần khi thử click vào trang web biofruitcoop.com có thiết kế khá hiện đại bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Ngoài slogan “Vì sự phát triển của nông dân Việt Nam vươn tầm thế giới” là lời giới thiệu khá ngắn gọn: Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP (Bio Fruit Coop) được thành lập bởi những chuyên gia hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Hóa ra, nhóm “chuyên gia hàng đầu” của Bio Fruit Coop đều là những người còn khá trẻ, chưa có ai đến tuổi 40. Giám đốc Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP Trần Bá Sơn kể: Tụi em vốn là một nhóm anh em gồm 11 người, cùng làm chung trong một doanh nghiệp nông nghiệp khá danh tiếng của Hà Lan tại Việt Nam. Lương thưởng cũng cao nhưng ngày ngày trò chuyện với nhau vẫn thường tự hỏi: Tại sao chúng ta cứ phải đi làm thuê cho người khác trên chính quê hương mình như thế này? Rồi bà con nông dân, trong đó có bố mẹ mình cực khổ làm ra trái bưởi, trái chanh, thường xuyên phải chịu rủi ro mà sao lời lãi chỉ được rất ít như vậy?

Nghĩ hoài nghĩ mãi rồi anh em rủ nhau bỏ việc. Ban đầu định lập công ty nhưng mấy anh em nói, nếu xác định mục tiêu chia sẻ lợi ích với bà con nông dân thì chỉ có mô hình hợp tác xã là phù hợp. Tháng 3/2020 Bio Fruit Coop ra đời.

Đến lúc này tôi mới tin lời ông Long nói là thật. Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP quả có nhiều điều đặc biệt.

Trước hết, họ là những người trẻ và giỏi. Hội đồng quản trị gồm ba người thì hai trong số họ có bằng thạc sĩ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Đửng vốn là du học sinh, có thể nói thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Giám đốc Trần Bá Sơn cũng là thạc sĩ. Trong số 95 thành viên góp vốn ban đầu có đến 9 người trình độ kỹ sư… Chợt nghĩ phải chăng nhờ vào hàm lượng tri thức ngồn ngộn như thế mà chỉ sau có 5 tháng thành lập, bất chấp bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tháng 8/2020 Bio Fruit Coop trở thành hợp tác xã đầu tiên ở Việt Nam có lô chanh không hạt 20 tấn xuất khẩu sang Anh!?

Thứ nữa là cách làm. Dựa trên nền tảng kiến thức có sẵn, tụi tui xây dựng hợp tác xã bằng sự minh bạch, rõ ràng chứ không phải theo mô hình mù mờ kiểu cũ. Xác định mấu chốt là khâu kết nối thị trường thì tìm khách hàng trước rồi mới liên kết với thành viên, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu.

Sản phẩm chanh không hạt của Bio Fruit Coop chinh phục những thị trường khó tính. Ảnh: Hoàng Vũ.

Sản phẩm chanh không hạt của Bio Fruit Coop chinh phục những thị trường khó tính. Ảnh: Hoàng Vũ.

Từ 15ha liên kết với 4 hộ dân ban đầu bây giờ Bio Fruit Coop đã là hợp tác xã có 265 hộ nông dân liên kết trên diện tích 300ha ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ và thành phố Ngã Bảy. Doanh thu mấy tháng năm 2020 đạt 17 tỷ đồng, sang năm 2021 đạt 71 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 này sẽ đạt mức 150 tỷ đồng. Chanh không hạt, bưởi năm roi, bưởi da xanh, thanh long, dừa từ những mảnh vườn của bà con liên kết với hợp tác xã liên tục đi vào những siêu thị cao cấp của các nước như Anh, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan… Ngay thời điểm dịch Covid-19 “ngăn sông cấm chợ”, trái cây ở Hậu Giang vẫn ung dung đi vào các siêu thị nội địa và đi Trung Đông, đi châu Âu bình thường.

Trần Bá Sơn cũng nói, "tới đây tụi tui sẽ làm thêm nhãn, mít và nhiều loại trái cây khác nữa... Quý III năm nay sẽ xây dựng nhà máy chế biến công suất 25.000 tấn trái cây/năm".

Bio Fruit Coop đã là hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên trực tiếp “chốt đơn” với các “ông lớn” khách hàng ở châu Âu thì không có lý do gì không mở rộng quy mô cả. Trước giờ nhiều người suy nghĩ châu Âu là thị trường khó tính, nhưng tư duy tụi tui những cái gì càng khó sẽ càng bền vững. Tiếp xúc với đối tác là các nhà nhập khẩu Châu Âu, nhìn thấy hệ thống của họ phân phối cả nước Anh, cả nước Đức, thậm chí như đối tác Hà Lan có tới 150 hệ thống ở khắp châu Âu đã mở cái đầu mình, thị trường còn mênh mông quá. Họ lại rất thích nông sản Việt Nam, mỗi khi ăn thường thốt lên “tuyệt vời”, có cảm giác mình đem cái gì sang họ cũng thích. Một trái chanh không hạt cắt lát mỏng cho vào ly whisky ở Ba Lan hay đặt bên cốc bia ở Thổ Nhĩ Kỳ đều trở thành hàng cao cấp. Vấn đề nằm ở khâu tổ chức sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn và kết nối thị trường nữa mà thôi.

Giám đốc Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP Trần Bá Sơn

Liên hiệp hợp tác xã trước là để gắn kết, chia sẻ thị trường, khách hàng, để có thể làm ăn chung được với nhau. Ảnh: Hoàng Vũ.

Liên hiệp hợp tác xã trước là để gắn kết, chia sẻ thị trường, khách hàng, để có thể làm ăn chung được với nhau. Ảnh: Hoàng Vũ.

Trở lại với câu chuyện thành lập Liên hiệp Hợp tác xã trái cây xuất khẩu MeKong, lẽ tất nhiên còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng hơn ai hết có lẽ tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Bá Sơn là người vui nhất.

Chẳng phải oai oách gì cái chức mới, như Sơn nói, vui là vì đã thỏa ước nguyện mọi người có thể ngồi lại với nhau. Bởi trước giờ, tiếng là tỉnh có nhiều HTX trái cây với hơn 40.000ha nhưng hầu như ông nào cũng tự thân, riêng lẻ, của ai người nấy bán. Bán kiểu trôi nổi ngoài thị trường, đôi lúc bị chợ đầu mối ép giá rồi quay lại ép bà con nông dân. Trình độ quản trị thì người thế này người thế nọ, chẳng ai giống với ai…

Thành lập liên hiệp hợp tác xã trước là để gắn kết, chia sẻ thị trường, khách hàng, để có thể làm ăn chung được với nhau, sau là để tổ chức sản xuất, nâng cao trình độ canh tác, đảm bảo thống nhất tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Xa hơn nữa là các hợp tác xã trong liên hiệp cùng nhau chia sẻ mặt quản lý, quản trị theo hướng hiện đại. Có báo cáo thuế, có kiểm toán, có quy chuẩn, tiêu chuẩn người quản lý hẳn hoi.

Muốn làm ăn lớn phải cùng nhau lớn lên như vậy, từng bước nâng tầm tổ chức, con người, dịch vụ thì mới mong sản phẩm của mình có thể đi vào nước này nước khác.

Bài học lấy bà con nông dân làm trung tâm

Tôi hỏi Trần Bá Sơn nhiều lần về bài học thành công của Bio Fruit Coop. Vị giám đốc trẻ tuổi cười hiền: Ngay khi bước vào làm hợp tác xã, tụi tui đã thống nhất triết lý phát triển “lấy bà con nông dân làm trung tâm” và Bio Fruit Coop có được thành công như ngày hôm nay chính là nhờ triết lý đó.

“Bà con mình là chủ thể quan trọng nhất để tạo ra hàng hóa xuất khẩu, quyết định chất lượng hàng hóa như thế nào. Lấy bà con làm trung tâm để hướng dẫn kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác, đào tạo kiến thức sản xuất, có như vậy chất lượng sản phẩm liên kết với hợp tác xã mới được nâng lên”, Sơn nói.

Đi qua những vùng liên kết của Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP bây giờ ở Phụng Hiệp, Châu Thành hay thành phố Ngã Bảy, có rất nhiều bà con viết đơn xin vào hợp tác xã. Chỉ trong vòng có 1 - 2 năm mà tư duy về kinh tế tập thể của bà con đã thay đổi hoàn toàn. Bằng phương thức liên kết “đầu tư đầu vào và bao tiêu đầu ra”, Bio Fruit Coop đã không chỉ thay đổi thói quen, tập quán canh tác của bà con mà còn giúp họ yên tâm sản xuất trên mảnh đất của mình.

300ha liên kết được chia thành 9 vùng, hợp tác xã đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống và giao cho đội ngũ kỹ sư trực tiếp hướng dẫn bà con canh tác. Bình quân mỗi hộ dân liên kết có khoảng 1 - 2ha trồng chanh không hạt, mỗi năm thu tầm 25 tấn, hợp tác xã thu mua với giá 15.000 đồng/kg, trừ hết chi phí vẫn còn lãi mỗi ha 350 - 400 triệu đồng.

Hợp tác xã đã thay đổi thói quen, tập quán canh tác của bà con, còn giúp họ yên tâm sản xuất trên mảnh đất của mình. Ảnh: Hoàng Vũ.

Hợp tác xã đã thay đổi thói quen, tập quán canh tác của bà con, còn giúp họ yên tâm sản xuất trên mảnh đất của mình. Ảnh: Hoàng Vũ.

Đặc biệt hơn cả, trong những khu vườn liên kết có những thứ còn giá trị hơn lợi nhuận kinh tế. Trước đây bà con sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, kêu sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch cũng chỉ ừ ừ thế thôi chứ vẫn xịt thuốc, bón phân hóa học diệt luôn cả vi sinh vật trong đất. Nhưng kể từ khi tham gia hợp tác xã, tập quán hoàn toàn thay đổi. Toàn bộ quy trình canh tác buộc phải tuân thủ theo hướng dẫn của các kỹ sư. Trên vườn ong bướm dần quay trở lại, dưới kênh tôm cá sinh sôi. Trăm vườn như một, của nhà ai cũng là tiêu chuẩn GlobalGAP, năng suất, sản lượng không cần cao như trước mà thu nhập vẫn tăng hơn 30 - 40%.

Ông Nguyễn Trung Chánh ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành chia sẻ, liên kết với hợp tác xã đâu chỉ lợi mỗi năm thu 40 - 50 tấn chanh hay mấy trăm triệu đồng. Cái chính là các kỹ sư giúp bà con hiểu: Không phải cứ trái bưởi càng to thì bán càng lời, cây chanh càng nhiều trái càng bán được nhiều tiền. Vào hợp tác xã giúp bà con biết cây trái mình làm ra bán cho ai, tiêu chuẩn thế nào, không còn phải lo được mùa mất giá, sướng nhất là chỗ đó.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.