LTS: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mặc dù còn nhiều những “nút thắt”, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, khơi thông, tuy nhiên những thành tựu kinh tế tập thể mang lại cũng đã chứng minh đây là con đường tất yếu, khách quan của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Loạt bài này là những ghi chép chân thực trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, vùng đất được đánh giá là có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất về kinh tế tập thể. Có thể, những cách làm, những mô hình tiêu biểu này chưa phải là bộ giải pháp của quốc gia nhưng hoàn toàn có thể coi là một cuộc cách mạng.
Huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang nằm cuối sông Cái Lớn và Cái Bé đổ ra Biển Tây, nơi công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé lớn nhất Việt Nam vừa mới khánh thành giai đoạn 1 cách đây chưa lâu.
Ông Huỳnh Quốc Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành chia sẻ: Kinh tế tập thể đang là một lời giải của bài toán “được mùa mất giá” bao đời nay của người nông dân. Từ tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ đến liên kết thị trường. Toàn huyện có 21 hợp tác xã nông nghiệp, 19.000ha lúa hai vụ. Những cánh đồng mẫu lớn với 98% là sản xuất lúa chất lượng cao, những mô hình sản xuất tiết kiệm chi phí mang lại lợi ích trực tiếp cho bà con nông dân đã là những thành tựu hiện hữu.
Không lâu nữa, từ kinh tế hợp tác, mở rộng quy mô các hợp tác xã nông nghiệp, Châu Thành sẽ là một trung tâm dịch vụ nông nghiệp không chỉ của riêng Kiên Giang mà còn của cả vùng bán đảo Cà Mau. Nhưng ông Toàn cũng nói, muốn được như thế, cần nhiều hơn nữa sự lớn dậy của các hợp tác xã nông nghiệp. Cụ thể như ở HTX nông nghiệp Tân Hưng.
Những lá cờ hiệu trên đồng Giục Tượng
Rắn rỏi, gân guốc như một lực điền, miệng nói tay làm, chỉ nhìn thôi cũng đủ biết Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hưng Lê Minh Hải là người quyết liệt. Có nhiều người nhìn nhận, Tân Hưng được như ngày hôm nay, trở thành một hợp tác xã nông nghiệp quyền uy ở Châu Thành, là một trong 14 hình mẫu HTX kiểu mới của tỉnh Kiên Giang cũng chính là nhờ vào sự quyết liệt của người đàn ông này.
Xã Giục Tượng, nơi HTX nông nghiệp Tân Hưng thành lập vào năm 2007 vốn là cộng đồng sinh sống của nhiều hộ dân đồng bào Khmer từ bao đời nay. Họ sống rải rác trong phum sóc, dọc những tuyến kênh ngòi chằng chịt.
Đa phần là tập quán canh tác tự phát, thích thì làm không thích thì nghỉ. Trồng lúa giống nào, chăm sóc phân bón ra sao rồi bán cho ai, lời lãi bao nhiêu bà con cũng không quan trọng lắm. Nhìn chung là chênh chao, vất vả. Có những vụ lúa tiền bơm tưới, tiền thuê máy làm đất, máy gặt, tiền giống, phân thuốc đầu tư nhiều hơn cả tiền bán lúa.
Cũng vì tư duy tự phát, người giống này, người giống khác mà lúa phát triển không đều, ruộng kế bên mà chênh nhau cả mấy ngày, bơm tưới tốn kém đã đành, đến lúc thu hoạch máy móc cũng không vào được. Chủ máy gặt vin vào đó tha hồ làm giá, đám cò buôn, thương lái thu mua lúa thì chèn ép xuống mức thấp nhất thì thôi.
HTX nông nghiệp Tân Hưng ra đời mang sứ mệnh xóa bỏ tư duy, tập quán canh tác cũ ở Giục Tượng, nhưng đó hoàn toàn không phải là hành trình đơn giản.
Những ngày đầu thành lập cả hợp tác xã Tân Hưng chỉ có 29 thành viên với vốn điều lệ vỏn vẹn 50 triệu đồng. Và cái khó nhất cũng không hẳn là tiền mà còn vì dân không ủng hộ. Người Khmer ở Giục Tượng nghĩ, đang tự làm tự ăn, tự do thoải mái, vô hợp tác xã chi cho cực. Thành thử, để đủ số lượng thành viên theo quy định, chính quyền phải vận động cán bộ công nhân viên chức của xã, của huyện tham gia vào hợp tác xã. Người không có ruộng cũng vào, người không có vốn góp cũng vào. Mất mấy năm trời sống dở chết dở cho đến khi ông Lê Minh Hải lên làm chủ nhiệm.
Đó là năm 2011. Ông Hải vốn là dân ngoại đạo với nông nghiệp, quê bên Đồng Tháp, sinh sống ở thành phố Rạch Giá, sau khi ông bố mất phải về Giục Tượng để trông nom nhà cửa ruộng vườn. Nghe lời rủ rê của ông chú làm chủ nhiệm hợp tác xã mà tham gia rồi được bầu làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Hưng. Lúc tiếp quản, tài sản ông chú để lại đã hư hao gần hết. Chỉ có năm cái mô tơ điện 15 sức ngựa để bơm tát thì hư mất ba. Thuyết phục, vận động thế nào nào người dân Giục Tượng vẫn cứ ruộng nhà nào nhà ấy bơm, lúa nhà nào nhà ấy gặt. Nghiên cứu Dự thảo Luật Hợp tác xã 2012 cũng thấy nhiều cái hay rằng bà con phải mua chung bán chung, rằng hợp tác xã là phải kiểm soát được đầu vào, đầu ra, phải có kế hoạch sản xuất, tổ chức sản xuất… nhưng khổ nỗi có mấy chiếc máy bơm hư thì kiểm soát cái gì, tổ chức làm sao?
Cho nên, mục tiêu đầu tiên của ông Hải là phải thuyết phục bằng được người dân giao lại khâu bơm tát cho hợp tác xã làm. Có mỗi 60ha ở cánh đồng Tam Giác thôi mà tình hình căng quá. Nói mãi chẳng ai nghe, ông Hải vận động ba người khác trong ban chủ nhiệm đánh liều cầm sổ đỏ gia đình ra cắm ở cây xăng với lãi suất 2% mỗi tháng lấy tiền về mua máy móc. Phải cho bà con thấy mình có thực lực thì họ mới tin. Hợp tác xã cam đoan với bà con sẽ phục vụ bơm tát từ đầu đến cuối vụ. Thiếu thì bơm vào, thừa thì bơm ra, để không còn cảnh bà con mỗi nhà mỗi máy, đêm hôm lọ mọ đi bơm tát nữa. Nếu hợp tác xã mà không làm được thì cả ban chủ nhiệm sẽ xin nghỉ, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước bà con liền.
Một cuộc họp chính thức được triệu tập với đầy đủ ban bệ gồm các thành viên hợp tác xã, đại diện lãnh đạo xã, ấp và nhân dân. Biên bản ghi rõ, ngày, giờ, địa điểm tổ chức cuộc họp, có bao nhiêu người dự, đầy đủ, chi tiết các ý kiến của đại biểu, có bao nhiêu trên bao nhiêu đại biểu giơ tay thống nhất, tính tỷ lệ % thống nhất cho từng nội dung. Vụ đầu tiên tổ chức dịch vụ bơm tưới thành công. Bà con thấy, à, tham gia hợp tác xã bơm tưới đồng loạt thế này vừa nhàn lại vừa tiết kiệm chi phí khoảng 400.000 đồng/ha. Còn công làm đất đấy nữa, hay giao cho hợp tác xã làm luôn? Chỉ hiềm một nỗi dịch vụ này trước giờ chủ yếu người trong ấp, trong xã làm, toàn chỗ bà con thân quen, giờ bỏ để giao cho tập thể nhỡ đâu họ lại oán mình.
Giải pháp ông Hải đưa ra để tiếp tục vận động bà con là đấu giá. Lại họp, lại phát huy tinh thần dân chủ. Tất cả những mối lái chủ máy làm đất được mời đến để tham gia đấu thầu. Chủ tọa cuộc họp đưa ra giá khởi điểm làm đất cho một ha ở mức thấp hơn so với giá thị trường. Từ mức giá khởi điểm đó, các chủ máy tham gia đấu thầu. Ai cũng tình nghĩa hết trơn nên cứ ông nào đưa ra mức giá thấp nhất và đáp ứng được lịch làm đất, thu hoạch của hợp tác xã thì sẽ được chấm trúng. Hợp đồng được ký kết, trong vòng ba ngày phải xong toàn bộ cánh đồng để bà con kịp thời xuống giống. Nhờ đó đã không còn cảnh chèn ép, đợi chờ khâu làm đất, vừa những tiết kiệm được công sức mà chi phí cũng rẻ hơn khoảng 300.000 đồng/ha so với thông thường.
Cùng nhau bơm tưới, cùng nhau làm đất, cùng nhau xuống giống rồi ông giám đốc mới nghĩ, cánh đồng Tam Giác giờ lúa đẹp thế này, chín đồng loạt thế này, đâu còn cảnh lúa chín “da beo” chỗ xanh chỗ vàng như trước đây nữa. Phải chi bà con cùng nhau làm giống, thu hoạch thì bà con mình sẽ tiết kiệm thêm được nhiều chi phí lắm. Mà dịch vụ này hợp tác xã lại thừa sức làm. Được trên hỗ trợ một chiếc máy gặt đập liên hợp, hợp tác xã mua thêm một chiếc nữa làm dịch vụ thu hoạch, xây dựng tổ đội sản xuất lúa giống phục vụ bà con. Lần này đã thuận lợi hơn rất nhiều và hiệu quả cũng thấy rõ. Chi phí giống và thu hoạch lúa giúp giảm giá thành hơn trước 500.000 đồng/ha.
Ông Hải cười nói, bây giờ anh đi dọc những cánh đồng các xã Giục Tượng, Mong Thọ A, Mong Thọ B, nếu nhìn thấy những lá cờ cắm trên đồng ruộng thì đó là của Hợp tác xã Tân Hưng. Từ 29 thành viên và 60ha ở cánh đồng Tam Giác hiện đã có 325 hộ dân tham gia hợp tác xã trên 6 cánh đồng với tổng diện tích 512ha lúa hai vụ. Từ 50 triệu đồng vốn điều lệ, bây giờ đã là 1,1 tỷ đồng và tài sản cố định hơn 6 tỷ đồng. Những lá cờ cắm trên đồng ruộng là tín hiệu giúp xã viên và bà con nông dân biết để bơm tát tập trung, làm đất tập trung, chăm sóc tập trung. Tín hiệu để chọn cùng loại giống, cùng nhau thu hoạch và bán lúa cùng thời điểm… Tổ chức sản xuất đã thành nề nếp, mỗi công đoạn được quy ước hoàn thành không quá hai ngày. Nhờ đó, chỉ riêng chi phí đầu vào, thành viên hợp tác xã Tân Hưng có thể tiết kiệm được từ 2,5 - 3 triệu đồng so với canh tác kiểu tự do. Cũng nhờ tư duy thay đổi, 95% đồng bào dân tộc Khmer trong hợp tác xã đã thoát nghèo, hơn 50% là hộ khá, hộ giàu. Thành viên hợp tác xã được chia lãi hàng năm từ 65% trở lên theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp.
Chia sẻ bí quyết của Tân Hưng, ông Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX chỉ ngắn gọn: Đã làm hợp tác xã thì phải chịu khó tìm tòi để mở những dịch vụ người dân cần. Cứ cái gì có lợi cho dân thì làm, có như thế bà con mới tin tưởng mà tham gia.
Chuyện gom “cò” và đấu giá đến từng gốc rạ
Sau thành công của cuộc cách mạng thay đổi tư duy và tổ chức sản xuất, chuyện bán lúa ở HTX nông nghiệp Tân Hưng mới là thứ tạo nên quyền uy của hợp tác xã này. Có lẽ đây là HTX duy nhất ở miền Tây Nam bộ có cách làm độc đáo đến như vậy.
Trước đây vùng lúa Châu Thành “cò” nhiều vô kể. Giám đốc Hải tiếp tục câu chuyện. Những năm 2013, 2014, bà con làm ra hạt lúa vốn đã cực nhọc lắm rồi vậy mà lúc bán cũng không đơn giản. Người bán mối này người kia mối nọ. Giá cả cũng vô chừng. Lúa chín rộ trên đồng, bà con như ngồi trên đống lửa. Thương lái, “cò” của các chủ vựa, doanh nghiệp nắm được thóp nên tìm đủ mọi cách ép giá.
Ông Giám đốc HTX Tân Hưng nghĩ mãi rồi bàn với bà con, bây giờ mình đã cùng nhau tạo ra được hạt lúa chất lượng rồi, mắc mớ chi để người ta ép giá như vầy. Thôi, bà con có mối buôn bán nào thì gom hết lại hợp tác xã rồi mình tổ chức đấu giá công khai. Ai mua được giá cao bà con bán cho người đó.
Cũng lại họp bàn, lại vào biên bản. Một cuộc đấu giá thu mua lúa của bà con được diễn ra công khai. Ông Giám đốc HTX Tân Hưng đưa ra mức giá cho một kg lúa bằng hoặc cao hơn so với giá thị trường. “Cò” nào đưa ra mức giá cao nhất cộng với đáp ứng được tiêu chí số lượng, thời điểm thu hoạch của hợp tác xã sẽ trúng thầu. Trong vòng một tiếng sau khi được chấm trúng nếu không xoay đủ tiền cọc coi như hợp đồng bị hủy. Đa số các “cò” dự thầu đều là "chân rết" của các doanh nghiệp thu mua lúa gạo, buôn bán kiểu cò con còn kiếm được chứ “chơi lớn” hàng trăm tấn lúa một lúc thế này theo sao nổi. Từ đó các doanh nghiệp phải trực tiếp về tham gia đấu giá với hợp tác xã và bà con. Vừa tiết giảm được chi phí trung gian lại không bao giờ lâm vào cảnh bị ép giá nữa.
Sau mỗi phiên đấu giá thành công, ông giám đốc hợp tác xã mới hỏi ông doanh nghiệp, tiền lúa của bà con thì không bớt một xu rồi, giờ tiền bỏ cọc để đấu giá ở mấy trăm hộ dân sẽ thu lại thế nào, tiền cân giao, bến bãi, hướng dẫn tàu thuyền vận chuyển tính ra làm sao? Các ông tự đi làm hay là nhờ hợp tác xã? Chẳng có “ông” doanh nghiệp nào có thể làm ngần ấy việc. Cuối cùng hai bên thống nhất doanh nghiệp phải trả mức phí dịch vụ 20.000 đồng/tấn lúa để hợp tác xã làm thay. Tính ra, mỗi cuộc đấu giá và ký hợp đồng bán lúa tươi cho doanh nghiệp ngay trên đồng ruộng với mức giá cao nhất đã giúp bà con giảm chi phí bảo quản sau thu hoạch và tăng thu nhập gần 2 triệu đồng/ha.
Lại còn nghe, ngoài bán lúa, HTX nông nghiệp Tân Hưng còn tổ chức đấu giá bán gốc rạ cho những người nuôi vịt chạy đồng. Mỗi một ha người nông dân ở Giục Tượng kiếm thêm được tầm khoảng 300.000 đồng. Thành thử, một năm, dù chỉ có hai vụ nhưng làm ruộng với HTX Tân Hưng luôn đảm bảo mức lời từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Mô hình cung cấp dịch vụ đấu giá của Tân Hưng cũng đón hầu hết các tỉnh ở miền Tây Nam bộ đến học tập.
“Bây giờ thì bà con tin tưởng tuyệt đối vào hợp tác xã Tân Hưng rồi. Hầu hết các dịch vụ đều giao hết cho tập thể. Một năm làm ruộng có mấy ngày, thời gian còn lại đi làm công, bắt ốc, bắt cá kiếm thêm thu nhập. Cuối vụ ra đồng cân đếm xong về nhà tắm rửa sạch sẽ xong lại hợp tác xã nhận tiền. Chính quyền xã, huyện thấy Tân Hưng thành công đề nghị nhập thêm mấy cánh đồng vào và hỗ trợ các hợp tã, tổ hợp tác khác cùng phát triển”, ông Hải nói giọng tự hào.