| Hotline: 0983.970.780

[Bài 6] Ghi ở huyện có 115 hợp tác xã, 567 tổ hợp tác

Thứ Hai 04/07/2022 , 06:35 (GMT+7)

115 hợp tác xã và 567 tổ hợp tác, thực tiễn ở huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) gần như phơi bày hết những bài toán kinh tế tập thể miền Tây Nam bộ.

LTS: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mặc dù còn nhiều những “nút thắt”, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, khơi thông, tuy nhiên những thành tựu kinh tế tập thể mang lại cũng đã chứng minh đây là con đường tất yếu, khách quan của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Loạt bài này là những ghi chép chân thực trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, vùng đất được đánh giá là có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất về kinh tế tập thể. Có thể, những cách làm, những mô hình tiêu biểu này chưa phải là bộ giải pháp của quốc gia nhưng hoàn toàn có thể coi là một cuộc cách mạng.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Gần 20 năm gắn bó với kinh tế tập thể, ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang nói với tôi, dù chúng ta đã xác định con đường kinh tế tập thể rất rõ ràng nhưng có những thứ nếu không thay đổi thì một chục năm, hai chục năm sau cũng không làm được gì hết.

Ví dụ như quy định về trình độ quản lý của hội đồng quản trị, giám đốc các hợp tác xã nông nghiệp. Phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng chứ chẳng riêng gì Kiên Giang, thực trạng chung, quản lý hợp tác xã nông nghiệp của chúng ta đa số vẫn là những “ông” nông dân lớp năm, lớp bảy, lớp chín sản xuất khá giỏi, có uy tín được bầu lên thôi. Bây giờ đã khác xưa lắm rồi, đâu có phải cứ làm ruộng làm vườn giỏi là giám đốc được đâu, quản trị, điều hành ra làm sao, tiếp xúc thị trường, chuyển đổi số thế nào? Dù Nhà nước rất “chăm” đào tạo nhưng thực tế ở Kiên Giang chúng tôi thấy khó. Có những lớp tập huấn cho cán bộ hợp tác xã dự định mở năm ngày nhưng không có người, giảm xuống ba ngày rồi hai ngày cũng “rụng” hết. Nghĩa là quản lý hợp tác xã thời đại 4.0 của chúng ta vẫn chủ yếu là những người nông dân rất khó rời khỏi mảnh ruộng của mình.

Các chính sách cũng vậy. Có thứ phải thay đổi, bổ sung, có thứ cần bãi bỏ. Phải làm sao kinh tế tập thể, hợp tác xã là trung tâm thực chất chứ tui thấy nhiều nơi vẫn còn cảnh “đẻ nó ra mà không có chi hết”. Thiếu vốn, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu tư liệu sản xuất, con người quản lý không rành, trụ sở không có phải đi mượn của ấp, mượn nhà dân hay nhà của ông giám đốc nào đó, thử hỏi đối tác, khách hàng người ta có tin “nó” được không?

“Nếu không thay đổi tư duy và không có những chính sách kịp thời chúng ta sẽ còn cực nhọc lắm nghen, như thực tiễn ở huyện Giồng Riềng, anh cứ xuống mà xem”, ông Dũng tâm tư.

Nơi bình quân một xã có 6 - 7 HTX nông nghiệp

Giồng Riềng là một trong những vùng lúa trọng điểm của Kiên Giang, giữa vùng Tứ giác Long Xuyên rộng lớn. Hai dòng sông Cái Lớn và Cái Bé chia vùng sản xuất lúa ở đây thành ba phần, rộng gần 48.000ha, mỗi năm canh tác từ 2 - 3 vụ, sản lượng lúa cũng xấp xỉ tầm 800.000 tấn. Cộng thêm rau màu, trái cây, chăn nuôi, nhìn chung là thuần nông nghiệp nên từ rất sớm các thế hệ lãnh đạo ở Giồng Riềng đã xác định, kinh tế tập thể là con đường tất yếu, duy nhất, để giải quyết những “bài toán” ruộng đồng manh mún, thị trường bấp bênh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đất và người nơi đây…

Giồng Riềng là một trong những vựa lúa gạo ở Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Giồng Riềng là một trong những vựa lúa gạo ở Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Quyết tâm đó khiến Giồng Riềng hôm hay không chỉ là huyện có diện tích gieo trồng lớn của tỉnh Kiên Giang mà còn nhiều cái nhất khác có thể là “kỷ lục” của cả miền Tây Nam bộ. 19 đơn vị hành chính cấp xã, 115 hợp tác xã nông nghiệp, 567 tổ hợp tác, số lượng thành viên trong các mô hình kinh tế hợp tác khoảng chừng 36.000 người. Tính bình quân, một xã trong huyện có khoảng 6 - 7 hợp tác xã nông nghiệp và đã từng có thời điểm số hợp tác xã ở Giồng Riềng chiếm gần một nửa số lượng hợp tác xã ở Kiên Giang, nhiều hơn cả một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Dù đã xác định kinh tế tập thể đã là con đường tất yếu, nhưng ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, Phó Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể huyện Giồng Riềng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Đúng là có “áp đảo” về số lượng nhưng đa phần hợp tác xã nông nghiệp ở Giồng Riềng vẫn đang còn rất manh mún, nhỏ lẻ. Nói xu thế cũng đúng mà chạy theo thành tích cũng có một phần, dù sao cũng là chuyện đã rồi, hiện tại chỉ tập trung thay đổi, nếu không kịp thời sẽ rất gian nan.

Hợp tác xã “bùng phát” ở Giồng Riềng mạnh nhất khoảng những năm 2016, 2017. Nghe kể giai đoạn đó tỉnh Kiên Giang có chỉ tiêu mỗi năm cả tỉnh cố gắng thành lập mới khoảng 15 hợp tác xã nông nghiệp để phát triển kinh tế tập thể. Chỉ riêng Giồng Riềng, Nghị quyết của Huyện ủy quán triệt “mỗi năm một xã, thị trấn thành lập mới một hợp tác xã”, trong vòng ba năm các xã thị trấn “quất” một lúc mấy chục hợp tác xã, có thời điểm con số hợp tác xã nông nghiệp ở Giồng Riềng là 120.

Công thức cứ vài chục hộ thành viên, mấy mươi công ruộng là thành hợp tác xã. Ví như HTX nông nghiệp Trần Bê ở ấp Kinh Xuôi xã Ngọc Thành có 20 hộ thành viên, 29,5ha ruộng vẫn hoạt động từ hơn 10 năm nay. HTX Hồng Hạnh ở thị trấn Giồng Riềng chỉ 44 hộ, quy mô 45,3ha, vốn điều lệ có hơn 45 triệu đồng. HTX Đồng Tiến có 37 hộ thành viên, quy mô 30ha ruộng, vốn điều lệ có 16,8 triệu đồng. HTX Bến Nhứt có 35 hộ, 30ha vẫn hoạt động từ 20 năm nay…

Kỳ lạ nhất có lẽ là ấp Ngọc Lợi, xã Ngọc Thành. Cả hai hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn ấp này được đặt tên khá hay là Thành Lợi và Thành Đạt. Cái ấp bé tin hin nên hơn 15 năm qua, mỗi hợp tác xã chỉ lần lượt có 30 hộ thành viên, thậm chí “ông” Thành Lợi chỉ có diện tích ruộng hơn 22ha một tẹo với vốn điều lệ vỏn vẹn có 27 triệu đồng. Cứ tưởng đó đã là những hợp tác xã “tí hon” nhất Kiên Giang rồi, vậy mà mấy ông giám đốc vừa cười vừa nói: “Ông” Trồng Tiêu bên xã Hòa Thuận còn nhỏ hơn tụi tui, chỉ có 10,3ha, vốn điều lệ có 10 triệu đồng và 36 hộ thành viên thôi à.

Thực trạng “dở khóc dở cười” ấy, Trưởng phòng NN-PTNT Trần Ngọc Khải nói, cũng lời giải thích tại sao số lượng hợp tác xã nông nghiệp ở Giồng Riềng rất nhiều nhưng chỉ có 44 hợp tác xã hoạt động đạt loại khá, 50 trung bình và 21 hợp tác xã thuộc loại yếu. Từ tỉnh đến huyện đều thống nhất chỉ đạo, phải dừng thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp và “làm một cuộc cách mạng” giải thể, sáp nhập các hợp tác xã nhỏ lẻ lại với nhau.

Cách đây mấy hôm, UBND huyện Giồng Riềng vừa mới ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 kèm theo các văn bản của tỉnh Kiên Giang cũng như Nghị quyết của Huyện ủy. Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn này là sáp nhập, phấn đấu đến năm 2025 chỉ còn khoảng 90 hợp tác xã nông nghiệp. Trước mắt, năm 2022 này sẽ sáp nhập 12 HTX có diện tích nhỏ thành 5 HTX lớn với hơn 1.200 hộ thành viên và gần 1.000ha, tập huấn, hướng dẫn cấp mã vùng trồng cho 50 - 70 hợp tác xã, phấn đấu cuối năm có khoảng 10% hợp tác xã loại giỏi, không còn yếu kém...

“Quan điểm của huyện là “ông” nào yếu kém thì giải thể, ông nào nhỏ thì sáp nhập lại với nhau, không có con đường nào khác. Phải lớn về cả diện tích, số lượng thành viên lẫn chất lượng hoạt động, tạo ưu thế thuận lợi để liên kết với các công ty doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả tối đa cho thành viên”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng nói.

Lời giải ở hợp tác xã Đường Gỗ Lộ

Xã Long Thạnh trước đây có đến 10 hợp tác xã nông nghiệp, không biết có phải vì thế mà đây trở thành nơi đầu tiên “nổ phát súng” của cuộc cách mạng sáp nhập hợp tác xã nông nghiệp ở Giồng Riềng hay không.

Ông Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Ông Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Trong căn nhà cấp bốn khang trang nằm bên bờ kênh Bến Nhứt cũng là “trụ sở” của Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, ông Nguyễn Hồng Phương giãi bày: Chưa hết dịch Covid-19 lại đến bão giá phân bón làm cho bà con trồng lúa mấy năm nay vất vả quá. Nhưng qua đây tui nghĩ bà con mình hiểu thêm vai trò, giá trị của hợp tác xã, của kinh tế tập thể là như thế nào. Trước đây có thể bà con còn ngại ngùng hoặc là thấy tham gia cũng không được lợi gì, nhưng bây giờ đã khác.

Hợp tác xã Đường Gỗ Lộ, nơi ông Phương làm giám đốc vốn là 4 trong 7 hợp tác xã nông nghiệp ở Long Thạnh, bao gồm Long Tiến II, Cây Bàng, Thịnh Phát và Đường Gỗ Lộ. Chỉ cần nhìn những số liệu hiện tại cũng phần nào hình dung trước đây các hợp tác xã nông nghiệp này bé đến cỡ nào. Đã sáp nhập cả 4 lại với nhau rồi cũng mới chỉ có 213 thành viên, gần 225ha ruộng, vốn điều lệ hơn 105 triệu đồng…

Giám đốc Phương nói, được như vầy là cách mạng lớn lắm rồi đó. Trước đây, cũng là thực trạng chung, mỗi “ông” vài chục thành viên, vài chục ha ruộng, toàn người già quản lý, chủ yếu chỉ làm được mỗi dịch vụ bơm tát phục vụ xã viên. Bà con trồng lúa dù áp lực giá cả vật tư đầu vào, bấp bênh giá lúa đầu ra nhưng vẫn nhìn hợp tác xã bằng ánh mắt chán chường. Trong số bốn “ông” này chỉ có Đường Gỗ Lộ là hoạt động còn được nhờ diện tích có lớn hơn, khoảng 78ha, còn lại chỉ cầm chừng. Không chỉ manh mún về số lượng thành viên, manh mún trên ruộng mà tư duy con người cũng rất tù túng. Bởi thế nên quyết định sáp nhập vào hợp tác xã Đường Gỗ Lộ không chỉ để bà con thấy lợi ích của mô hình hợp tác xã mà còn phải làm sao những hợp tác xã nhỏ lẻ khác thấy sẽ tốt hơn khi hợp lại cùng nhau. Thực tế, “cuộc cách mạng” ở Đường Gỗ Lộ đã là lời giải bài toán hợp tác xã ở Giồng Riềng.

Sau sáp nhập, nhờ lớn hơn cả về quy mô thành viên và diện tích, Đường Gỗ Lộ là hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên ở đây có thể phát triển được 5 dịch vụ gồm: Bơm tát, làm đất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và tiêu thụ lúa ngoài hợp tác xã.

Ngay vụ đầu tiên đã thấy hiệu quả khác rõ. Từ các dịch vụ đầu vào thấp hơn giá thị trường đến dịch vụ bao tiêu đầu ra của hợp tác xã đã giúp bà con sản xuất yên tâm hơn. Đặc biệt lúc cao điểm dịch bệnh Covid -19, vài trò của hợp tác xã được phát huy hết. Toàn bộ chiết khấu lợi nhuận từ dịch vụ làm đất được hỗ trợ lại các xã viên. Toàn bộ tiền chiết khấu 50 đồng/kg lúa theo hợp đồng mua bán giữa hợp tác xã với Tập đoàn Vinacam cũng được hỗ trợ lại hết cho những người tham gia hợp tác xã. Chỉ riêng quy trình canh tác lúa thông minh, bơm tát, xuống giống, thu hoạch tập trung của hợp tác xã đã giúp người dân giảm từ 20kg lúa giống/công xuống còn 10kg. Vừa tiết kiệm giống, phân bón, công sức mà sâu bệnh lại ít, kéo theo chi phí thuốc BVTV cũng giảm. Tính cả quy trình sản xuất lúa của hợp tác xã, bà con có thể tiết giảm chi phí từ 3 - 4 triệu đồng/ha.

Thời điểm cả nước thực hiện Chỉ thị 16, nhiều vùng lúa hè thu chín vàng trên đồng nhưng tàu ghe không thể đi lại, dân không biết kêu ai nhưng ở Đường Gỗ Lộ lại dễ. Một cuộc điện thoại cho doanh nghiệp thu mua trên Thốt Nốt (Cần Thơ) theo hợp đồng đã ký, tiền chuyển qua tài khoản hợp tác xã, chỉ cần cắt cử một người lái ghe xuống đón lúa về.

Sau sáp nhập, HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ thành điểm sáng ở Giồng Riềng. Ảnh: Hoàng Vũ.

Sau sáp nhập, HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ thành điểm sáng ở Giồng Riềng. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nhờ thống nhất đồng loạt cả dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra, cánh đồng của Đường Gỗ Lộ bây giờ chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao. 50ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đang chờ cấp mã số vùng trồng. Các công đoạn bón phân, phun thuốc đều sử dụng thiết bị bay không người lái, thu hoạch đã cơ giới hóa hoàn toàn. Càng lớn càng dễ làm, ông Phương nói, như tui đây làm tới 14ha mà có mình không à. Biến đổi khí hậu, bão giá vật tư, biến động thị trường như hiện nay nếu không vào hợp tác xã bà con không thể nào nào làm nổi. Hợp tác xã giúp bà con giải quyết triệt để câu chuyện “được mùa mất giá” vốn đã ám ảnh từ bao nhiêu đời nay.

Long Thạnh bây giờ vẫn còn 7 hợp tác xã nông nghiệp, quản lý 2.890ha trong số hơn 3.000 lúa toàn xã. Cả ông Phương và Chủ tịch UBND xã Nguyễn Công Hiền đều thống nhất quan điểm, cả xã này chỉ cần một hợp tác xã nông nghiệp thôi là đủ, là ngon.

“Dự kiến năm 2023 sẽ sáp nhập hai hợp tác xã Ngã Con và Tân Thuận. Năm 2024 sáp nhập Đồng Tràm và Năm Hải. Người trồng lúa ở Long Thạnh phải cùng nhau xóa bỏ tư duy manh mún, cùng nhau lớn lên, giống như bài học ở Đường Gỗ Lộ vậy đó”, Chủ tịch xã Long Thạnh quyết tâm.

“Trước đây nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong các hợp tác xã ở Kiên Giang đã từng làm một cuộc cách mạng. Mô hình trồng lúa thông minh, sạ thưa, 1 phải 5 giảm đã giúp bà con giảm từ 200 kg giống/ha xuống còn 80, tính ra mỗi năm người trồng lúa Kiên Giang có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Quan trọng hơn, nhận thức người dân thay đổi, bà con thấy nếu làm riêng lẻ không phát triển được. Bây giờ là một cuộc cách mạng mới. Mục tiêu của tỉnh mỗi năm phát triển khoảng 45 hợp tác xã nông nghiệp, nhưng phải thực chất, hiệu quả, không làm kiểu phong trào. "Ông" nào yếu kém thì giải thể, không giữ mấy “thây ma” lại làm gì cả. Đã làm kinh tế thì phải có lãi, chưa kể với hợp tác xã còn có thêm những vai trò đảm bảo an ninh trật tự, chính trị, văn hóa, xã hội địa phương”, ông Trần Thanh Dũng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất