| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản thích ứng đại dịch

[Bài 7] Trồng rau, câu cá... trong khuôn viên nhà máy đáp ứng '3 tại chỗ'

Thứ Bảy 14/08/2021 , 07:31 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp nỗ lực đủ điều kiện thực hiện '3 tại chỗ', vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh không để đứt gãy cung ứng nguyên vật liệu, vừa phòng chống dịch Covid-19.

Câu cá, trồng rau… trong khuôn viên nhà máy

Bà Ngô Thị Phương Thảo, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, nghiêm túc thực hiện việc giãn cách xã hội của các địa phương, đồng thời đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, 14 nhà máy của Lộc Trời tại An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu và Tây Ninh… đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” gồm: Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ”, nhằm đảm bảo về sức khỏe, an toàn cho hơn 500 cán bộ nhân viên người lao động đang làm việc, tự nguyện ở lại tại nhà máy.

Căn cứ tình hình thực tế tại từng đơn vị, lãnh đạo các nhà máy đã có phương án đảm bảo tốt đời sống, sinh hoạt và làm việc của cán bộ nhân viên.

Tại nhà máy Châu Thành (An Giang), các nhân viên trước khi thực hiện "3 tại chỗ" đều đã được xét nghiệm bằng phương pháp PCR, được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi ở khu văn phòng và khu lưu trú.

Đặc biệt, các nhân viên trong nhà máy được sắp xếp các hình thức sinh hoạt ngoài giờ như trồng rau, chơi bóng chuyền, bóng đá vào buổi chiều, câu cá vào buổi tối trong khuôn viên nhà máy, đáp ứng nhu cầu thư giãn sau giờ làm việc.

14 nhà máy của Lộc Trời tại An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu và Tây Ninh… đã thực hiện phương án '3 tại chỗ'. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

14 nhà máy của Lộc Trời tại An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu và Tây Ninh… đã thực hiện phương án "3 tại chỗ". Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong suốt thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, đội ngũ cán bộ nhân viên được ăn uống tại bếp ăn tập thể với các bàn ăn tối đa 4 người có vách ngăn, mỗi bàn cách nhau từ 1,5 - 2m.

Các suất ăn được đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, việc lấy suất ăn và ăn uống đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Khu vực làm việc ở các nhà máy được phân chia thành các tiểu khu và tạo lối đi riêng cho từng khu. Cán bộ nhân viên làm việc ở tất cả các khu vực đều tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh.

Đến nay, việc thực hiện “3 tại chỗ” của các nhà máy đang được duy trì tốt, đảm bảo công tác sản xuất của Tập đoàn trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo bà Thảo, từ tháng 6 - 8/2021, Tập đoàn Lộc Trời đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp ứng phó để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động. Tổ chức cho cán bộ nhân viên làm việc tại nhà, nghiêm túc khai báo y tế, tuân thủ khuyến cáo 5K. Đặc biệt, Tập đoàn Lộc Trời đã và đang phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho toàn bộ hơn 3.000 cán bộ nhân viên.

Việc thực hiện xét nghiệm tổ chức ở nhiều địa điểm tại TP.HCM, An Giang… và có hơn 500 cán bộ nhân viên, người lao động của Tập đoàn cũng đã được tiêm vacxin phòng chống Covid-19 theo chương trình ở mỗi địa phương.

Từ 13/7 đến nay Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, thực  hiện tốt “3 tại chỗ”, nhằm đảm bảo hiệu quả việc sản xuất cung ứng phân bón cho thị trường để đáp ứng kịp thời nhu cầu mùa vụ của bà con nông dân nhất là vụ thu đông 2021.

Ông Phan Văn Tâm, đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, là đơn vị đóng tại huyện Cần Đước (Long An), đơn vị trực tiếp sản xuất của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, đã thực hiện nghiêm theo phương án “3 tại chỗ” của tỉnh nhà nhằm góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa an toàn, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 mà Chính phủ đã đề ra.

Theo ông Tâm, ngay khi tình hình dịch bệnh xảy ra tại TP.HCM, công ty đã thành lập Ban phòng chống dịch bệnh cũng như lên các phương án kịch bản ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra trong doanh nghiệp. Nhằm mục đích vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa không bị động trong sản xuất giúp đảm bảo tốt nhất việc cung ứng nguồn hàng phân bón cho bà con nông dân đang vào vụ.

Vậy nên với phương án “3 tại chỗ”, Bình Điền đã hoàn toàn chủ động và nhanh chóng hoàn thành việc sắp xếp, bố trí lại các khu chức năng trong khuôn viên nhà máy đảm bảo đủ các công năng cho lực lượng lao động sản xuất và các bộ phận làm việc tại chỗ như Ban điều hành, bán hàng, thủ kho, xuất hàng...

Tuy nhiên, hiện nay giá phân bón trên thị trường đang tăng cao, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đầu ra nông sản đang gặp khó khăn… Bình Điền đang cắt giảm chi phí tối đa nhằm không tăng giá để hỗ trợ bà con nông dân.

Ông Nguyễn Đăng Tuấn, Quản đốc nhà máy Phân bón Bình Điền - Long An, một trong những người trực tiếp thực hiện “3 tại chỗ” chia sẻ: Ban đầu hơi khó khăn cho tất cả chúng tôi bởi có nhiều thay đổi so với lịch sinh hoạt thường nhật.

Tuy nhiên, nhờ công ty đã có các phương án kịch bản ứng phó trước đó nên mọi việc nhanh chóng đi vào ổn định, hoạt động sản xuất đã đi vào nề nếp chỉ sau 1 ngày triển khai.

Tất cả cán bộ công nhân tại nhà máy làm việc có trật tự và thực hiện nghiêm theo hướng dẫn phòng chống dịch của công ty, từ đó giúp công ty tiếp tục duy trì sản lượng xuất xưởng phân bón NPK, đáp ứng kịp thời nhu cầu mùa vụ của bà con nông dân.

Tại Đồng Tháp, Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung (huyện Lai Vung) chủ động thực hiện phương án “3 tại chỗ” và thiết lập vùng an toàn trong đơn vị nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động và duy trì sản xuất lúa gạo và thức ăn thủy sản.

Các nhân viên Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung (Đồng Tháp) đang làm việc theo phương án '3 tại chỗ' để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các nhân viên Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung (Đồng Tháp) đang làm việc theo phương án “3 tại chỗ” để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Phan Hữu Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung cho biết, thời gian qua, đơn vị luôn đề cao việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Đây được xem là yêu cầu cần thiết và cấp bách nên chủ động thực hiện nghiêm ngặt nhiều giải pháp. Bắt đầu từ giữa tháng 7/2021, toàn bộ 390 cán bộ nhân viên, công nhân được bố trí ăn uống, nghỉ ngơi tại nơi làm việc.

Cùng với đó, đơn vị áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp như không cho người ngoài vào nhà máy, yêu cầu toàn bộ cán bộ nhân viên, công nhân phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất được giao nhận phải đảm bảo khử khuẩn trước khi đưa vào nhà máy.

Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên phun chất khử khuẩn trong tất cả các khu vực làm việc và bố trí nơi ăn uống theo từng giờ tránh tập trung đông người.

Tận dụng zalo, facebook...

Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Delta ở TP Cần Thơ, cho biết, từ khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giảm doanh số bán hàng khoảng vài chục phần trăm.

Để tiếp tục và duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm khó khăn hiện nay, công ty đang dần thích ứng và đưa ra nhiều giải pháp cùng vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện tại.

Giải pháp thứ nhất, công ty ưu tiên hàng đầu là tiêm vacxin và thực hiện các biện pháp 5K cho nhân viên đang làm việc tại công ty. Thứ 2, công ty luôn đảm bảo lượng hàng bán ra thị trường nhằm đến đại lý vật tư nông nghiệp và bà con nông dân ở khu vực ĐBSCL kịp thời để phục sản xuất nông nghiệp nhất là vụ lúa thu đông đang sản xuất hiện nay.

Đặc biệt, trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 các mặt hàng thuốc BVTV của công ty trong thời gian qua hạn chế ở mức thấp nhất để không bị đứt gãy thị trường là nhờ hình thức linh hoạt làm việc của công ty thông qua hệ thống online và các mạng xã hội như zalo, facebook… để kết nối và trao đồi với các hệ thống đại lý vật tư nông nghiệp và nông dân thường xuyên hơn.

Thay vì trước đây nhân viên công ty phải đi trực tiếp xuống gặp đại lý vật tư nông nghiệp hay bà con nông dân để tư vấn kỹ thuật, giờ nhân viên chỉ cần ở tại công ty có thể kết nối qua mạng xã hội cung cấp hàng hóa thuốc BVTV kịp thời xuống đại lý qua hệ thống giao hàng của ViettelPost.

Còn đối với nông dân có những thắc mắc gì về mùa vụ đang canh tác hay sử dụng thuốc BVTV gì chưa đúng… Là có nhân viên kỹ thuật trao đổi trực tiếp qua zalo, facebook để hướng dẫn tận tình giúp đỡ bà con nắm rõ để sản xuất mang lại hiệu quả trong mùa vụ.

Xem thêm
Trà Vinh chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập

Trà Vinh Ngày 27/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập.

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.