Nhu cầu về ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi tăng khủng khiếp hằng năm, khi lượng ngô trong nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.
Vì sao như vậy? Vì sao một nước nông nghiệp, có tiềm năng rất lớn về ngô, với diện tích trồng loại cây này hiện trên dưới 1 triệu ha, mà lại phải đi nhập một lượng ngô khổng lồ như vậy?
Câu trả lời là: Vì ngô nhập có giá rất rẻ. Mỗi kg ngô nhập về đến cảng Việt Nam có giá chỉ 4.500 đồng, trong khi giá ngô trong nước từ 5.500 đến 6.000 đồng một kg. Ngô nước ngoài rẻ, vì ở các nước đó, việc canh tác của họ đã được cơ giới hóa, tự động hóa từ lâu, và nông dân của họ làm chủ những cánh đồng lớn hàng trăm ha. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của ThaibinhSeed, cho biết, ông đã có dịp đi thăm nhiều gia đình nông dân ở Đan Mạch. Một gia đình canh tác 250ha nhưng chỉ có 3 người. 1 bà chủ, 1 anh thợ cơ khí và 1 cô kế toán. Bà chủ và cô kế toán làm việc của mình, còn mọi việc từ làm đất, gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch… đều do 1 mình anh thợ cơ khí làm. Một gia đình khác hai vợ chồng và 2 đứa con, đứa lớn 10 tuổi đứa nhỏ 7 tuổi, canh tác gần 200ha, nhưng chị vợ chỉ ở nhà nội trợ và chăm hai đứa con, mọi việc do anh chồng làm. Thế mà anh vẫn thừa thời gian, những lúc nông nhàn anh còn vào thành phố kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập. Làm việc như vậy, nên năng suất lao động của nông dân nước họ cực cao, và giá thành nông sản cực rẻ.
Còn ở ta? 250ha đất đó là diện tích của năm, sáu trăm hộ nông dân. Người nhiều nhất chỉ vài ba mẫu Bắc Bộ, người ít chỉ vài sào, được canh tác hoàn toàn thủ công, làm đất bằng con trâu đi trước cái cày theo sau hoặc tiến bộ lắm thì con trâu được thay bằng chiếc máy cày Trung Quốc, gieo hạt vẫn cơ bản bằng cách lấy tay nhặt từng hạt bỏ vào lỗ. Chúng ta hoàn toàn không có những cánh đồng lớn để đưa cơ giới, đưa công nghệ tự động vào. Về năng suất cây trồng, chúng ta cũng bị thế giới bỏ xa. 1ha ngô của ta chỉ được 4,5 đến 5 tấn, trong khi một số nước như Mỹ, Brazil… năng suất của họ đã đạt gấp đôi. Chính vì vậy mà năng suất lao động của nông dân ta vô cùng thấp và giá thành nông sản rất cao. Với giá thành cao như vậy, nông sản của ta hoàn toàn lép vế trước thị trường thế giới. Nếu hạ giá thành để cạnh tranh, thì nông dân bị vắt kiệt sức đến tận xương tủy.
Con đường để giải bài toán nông sản ngoài chuyển đổi cơ cấu khôn ngoan còn phải tập trung đất đai để tạo ra những cánh đồng lớn, đưa công nghệ cao vào canh tác. Nhưng, bao giờ thì điều đó trở thành hiện thực?