| Hotline: 0983.970.780

Khủng hoảng thiếu lao động nghề cá chuyến biển xuyên tết

Chủ Nhật 07/02/2021 , 11:15 (GMT+7)

Qua rằm tháng Chạp, có khoảng 700 tàu cá của ngư dân Bình Định vươn khơi đi đánh bắt chuyến biển xuyên Tết, đây là thời điểm khủng hoảng thiếu lao động nghề biển…

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, tỉnh này hiện có hơn 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ hoạt động chủ yếu các nghề câu cá ngừ đại dương, câu mực, lưới vây. Trong chuyến biển ra khơi sau rằm tháng Chạp để đánh bắt xuyên Tết Nguyên đán thường có khoảng 700 tàu cá tham gia.

“Đây là chuyến biển hứa hẹn đánh bắt đạt sản lượng. Bởi, số lượng tàu cá ra khơi chuyến biển xuyên Tết có hạn, do đó thường đánh bắt đạt sản lượng hơn những chuyến biển bình thường trong năm. Các tàu cá tham gia chuyến biển xuyên Tết thường làm các nghề câu mực, câu cá ngừ đại dương và lưới vây ánh sáng. Những nghề này thường sử dụng ánh sáng để dụ cá, mực.

Mật độ tàu cá có mặt trên biển ít, cá mực sẽ tập trung nhiều vào những điểm có ánh sáng nên hầu hết các tàu cá tham gia đánh bắt chuyến biển này đều bội thu sản lượng. Trong khi chuyến biển đầu năm mới đánh bắt cá mực đầy khoang sẽ là tín hiệu vui cho cả năm. Do đó, tất cả tàu cá vươn khơi đánh bắt chuyến biển xuyên Tết đều tràn trề hy vọng”, ông Vinh giải thích.

Những tàu cá đánh bắt chuyến biển xuyên tết thường đạt sản lượng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những tàu cá đánh bắt chuyến biển xuyên tết thường đạt sản lượng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo ông Vinh, lao động đi trên những tàu cá đánh bắt chuyến biển xuyên Tết ít nhiều tùy theo nghề, chỉ tính bình quân 6 lao động/tàu thì trong chuyến biển đánh bắt xuyên Tết các tàu cá ở Bình Định phải cần khoảng 4.200 lao động.

Đây là thách thức lớn cho những chủ tàu cá, bởi, những chuyến biển bình thường trong năm đã thiếu lao động, đằng này cả 700 tàu ra khơi cùng lúc nên tình trạng thiếu lao động đi bạn cho tàu cá càng càng trầm trọng hơn.

Ngư dân Ngô Lê Hát, chủ tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99168 TS (880CV) ở huyện Phù Cát (Bình Định) đau đáu cho tàu cá của mình vươn khơi đánh bắt chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thế nhưng do tìm không ra lao động nên đánh phải nằm bờ.

“Tàu của tôi hành nghề mành chụp, phải cần đến từ 13-15 lao động, do tìm không có lao động nên năm nay tàu của tôi không thể mở chuyến biển đánh bắt xuyên Tết.

Bình thường những chuyến biển trong năm để có lao động đi bạn, chủ tàu phải đưa trước cho bạn thuyền 6-7 triệu đồng/người trước khi họ xuống tàu ra khơi, nhưng trong chuyến biển đánh bắt xuyên Tết số tiền chủ tàu phải trả cho người lao động tăng đến 10 triệu đồng/người/chuyến biển nhưng vẫn tìm không ra người”, ngư dân Ngô Lê Hát cho biết.

Kiếm lao động cho những chuyến biển đánh bắt trong năm đã khó, trong chuyến biển đánh bắt xuyên tết kiếm lao động còn khó hơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Kiếm lao động cho những chuyến biển đánh bắt trong năm đã khó, trong chuyến biển đánh bắt xuyên tết kiếm lao động còn khó hơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân Võ Thế Dư (47 tuổi) ở thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định), minh họa thêm nạn khủng hoảng thiếu lao động nghề cá bằng câu chuyện của chính mình.

Số là sau thời gian tàu cá của anh phải nằm bờ vì hết hạn bảo hiểm, 12 lao động đi bạn trên tàu của anh đồng loạt đi làm cho tàu khác. Đến khi tàu của Dư được bảo hiểm trở lại thì không còn lao động để cho tàu hoạt động.

“Bạn thuyền bây giờ kiếm “chảy máu mắt” mới ra 1 người, trong khi tàu của tôi phải cần đến 12 người. Những chuyến biển bình thường trong năm, để chiêu mộ được bạn thuyền, trước khi họ xuống tàu tôi phải ứng trước cho mỗi người 7 triệu đồng, thêm 1 triệu chi phí vận chuyển cho mỗi người, vị chi là 8 triệu đồng/người họ mới đi.

Chuyến biển xuyên Tết kiếm lao động nghề biển còn căng hơn, số tiền đưa trước cho họ tăng thêm nhiều nhưng không dễ gì kiếm ra đủ người để cho tàu vươn khơi”, ngư dân Dư bộc bạch.

Có không ít trường hợp lao động nhận tiền của chủ tàu, đến ngày tàu vươn khơi họ vẫn mang ba lô đồ đạc xuống tàu. Thế nhưng sau đó, nhân lúc mọi người bận bịu với những công việc trước khi cho tàu xuất bến thì họ lặng lẽ rời tàu lên bờ đi mất, bỏ lại ba lô đựng toàn đồ cũ.

“Chiêu mộ được 1 lao động, ứng tiền trước cho họ rồi nhưng chủ tàu chưa dám mừng, bởi không chắc họ sẽ tham gia chuyến biển như cam kết.

Nhiều trường hợp đến ngày tàu xuất bến nhưng chủ tàu không thấy bóng dáng những lao động đã nhận tiền trước của mình ở đâu, gọi điện thoại thì đầu giây bên kia ò í e, chủ tàu vừa mất tiền vừa không thể cho tàu ra khơi vì thiếu lao động”, ngư dân Ngô Lê Hát kể.

Lao động nghề biển làm việc rất nặng nhọc mà tiềm ẩn rủi ro cao, thu nhập lại bấp bênh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lao động nghề biển làm việc rất nặng nhọc mà tiềm ẩn rủi ro cao, thu nhập lại bấp bênh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, tình trạng thiếu lao động đi biển hiện đang xảy ra trên cả nước mà chưa có giải pháp tháo gỡ. Về lâu dài, cần tính toán lại hiệu quả kinh tế của nghề biển mới thu hút được lao động, bởi lao động nghề biển làm việc rất nặng nhọc mà tiềm ẩn rủi ro cao, thu nhập lại bấp bênh.

“Trong thời gian tới, nghề cá cần sắp xếp lại cơ cấu loại nghề, giảm bớt phương tiện tàu thuyền, đào tạo nâng cao trình độ ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị hiện đại để giảm bớt nhu cầu lao động tay chân thì mới mong giải quyết được thực trạng thiếu lao động nghề cá, khi ấy thì nghề cá mới có hướng phát triển bền vững”, ông Nguyễn Công Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định: Chúng tôi cũng không quên lời nhắc nhở các chủ tàu, đó là bám biển xuyên Tết tuyệt đối không được xâm phạm vùng biển nước ngoài. Bởi chỉ có tuân thủ các quy định của pháp luật trong khai thác thì mới góp phần gỡ “thẻ vàng”.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.