| Hotline: 0983.970.780

Ban Chỉ đạo 389 đề nghị kiểm tra doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc

Thứ Ba 09/03/2021 , 09:39 (GMT+7)

Ban Chỉ đạo 389 đặc biệt lưu ý các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm.

Ban Chỉ đạo 389 đề nghị kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh.

Ban Chỉ đạo 389 đề nghị kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa có văn bản gửi các Bộ Tài chính, Công an, Công thương, NN-PTNT, Quốc phòng và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đối với việc nhập khẩu và kinh doanh cá tầm.

Theo văn bản của Ban Chỉ đạo 389, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các văn bản, ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo 389 có ý kiến gửi các Bộ Tài chính, Công an, Công thương, NN-PTNT, Quốc phòng và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai và các địa phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát trong thị trường nội địa.

Trong đó đặc biệt lưu ý các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm. Lưu ý các vấn đề về nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ; kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại...

Ban Chỉ đạo 389 cũng đề nghị Bộ NN-PTNT công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để cơ quan chức năng thuận lợi trong việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát.

Cá tầm Trung Quốc vẫn ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Cá tầm Trung Quốc vẫn ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, thời gian vừa qua Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã liên tục có các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan “cầu cứu” về tình hình kinh doanh cá tầm dùng làm thực phẩm tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam có loạt bài phản ánh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả làm rõ thông tin báo nêu.

Theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, các thông tin phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam đã vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ... tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về việc phòng, chống COVID-19.

Vì vậy, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 05, kịp thời báo cáo Thủ tướng những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và một số cơ quan về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.

Bộ NN-PTNT đã phối hợp với địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở, TP Hà Nội và chợ Bình Điền, TP Hồ Chí Minh. Kết quả có nhiều mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản, gồm: Cá tầm Beluga (Husohuso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Xibêri (Acipenser sinensis) và cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis).

Theo Bộ NN-PTNT, cá tầm thuộc Phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được Cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc.

Tuy nhiên, hiện nay có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.

Vì vậy, để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Bộ NN-PTNT đề nghị các Bộ, ban ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung để rà soát.

Như vậy, sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh thực trạng cá ầm Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu, đến nay đã có hàng loạt cơ quan vào cuộc như Bộ Công an, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo 389...

Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc thời gian qua vẫn diễn ra ồ ạt. Thống kê của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT) thể hiện, trong thời gian từ ngày 23/7/2020 đến 8/2/2021 các doanh nghiệp đã nhập khẩu số lượng cá tầm Trung Quốc lên đến 2.988 tấn.

Đáng chú ý, có một số doanh nghiệp từng có dấu hiệu vi phạm Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm về khai báo hải quan gian dối nhưng vẫn tiếp tục được tạo điều kiện nhập khẩu cá tầm với số lượng lớn.

Ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các cửa khẩu quốc tế, vẫn bằng các chiêu trò cũ là nâng khối lượng cá tầm vượt so với hồ sơ được cấp phép, các doanh nghiệp nhập khẩu bất chấp quy định của pháp luật để đưa cá tầm Trung Quốc về Việt Nam.

Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), sau chỉ đạo “siết chặt” của các cơ quan chức năng trong tháng 1 và tháng 2/2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu này là 687 tấn, cao hơn cả số lượng nhập khẩu trong 6 tháng năm 2020.

Đặc biệt, cơ quan hải quan tiếp tục phát hiện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú có địa chỉ ở số 1, ngõ 562 đường Lĩnh Nam, tổ 19, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Thư là đại diện pháp luật đã dùng thủ đoạn gian dối trong khai báo hải quan để nâng khối lượng cá tầm Trung Quốc nhập về Việt Nam vượt quy định 850 kg.

Cũng bằng thủ đoạn trên, Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng có địa chỉ đăng ký tại số 4C, ngõ 230 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã nhập khẩu không đúng với hồ sơ hải quan số lượng cá tầm Trung Quốc lên đến 4.000 kg, trị giá 413.947.200 đồng.

Tương tự, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào Cai), sau chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan thì cá tầm Trung Quốc vẫn tiếp tục được nhập khẩu vào Việt Nam.

Từ đầu năm 2021 đến nay số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch qua Lào Cai là 125 tấn, vượt năm ngoái 115 tấn.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Bình luận mới nhất