Hình hài khu đô thị Thủ Thiêm sau hơn 20 năm quy hoạch. (Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress) |
Theo Quyết định 367 của Thủ tướng ban hành ngày 4/6/1996, thì Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án được thực hiện trên phần lớn diện tích của bán đảo Thủ Thiêm, phải di dời 15 ngàn hộ dân. Thế nhưng, từ giới đầu tư đến giới truyền thông đều ngỡ ngàng, khi ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP.HCM trong cuộc họp báo gần đây bất ngờ tuyên bố bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã… thất lạc không rõ nguyên nhân!
Một diễn biến khác lại khiến dư luận chưng hửng hơn là phát ngôn của ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, trực thuộc Thanh tra Chính phủ. Từ vai trò của mình đã từng trả lời những chất vấn của các hộ dân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đi lên đi xuống khiếu kiện nhiều năm, ông Nguyễn Hồng Điệp khảng khái: "Tôi khẳng định luôn là đến nay qua kiểm tra thì hoàn toàn không thấy bản đồ kèm theo quy hoạch được duyệt theo quyết định của Thủ tướng". Nếu những lời của ông Nguyễn Hồng Điệp hoàn toàn là sự thật, khi không có bản đồ 1/5.000 thì Ban quản lý dự án Thủ Thiêm lấy cơ sở nào để đưa ra bản đồ chi tiết 1/2.000 và triển khai toàn diện từ khâu duyệt chi tiết đến bồi thường giải tỏa?
Trong văn bản gửi Thủ tướng năm 2015, UBND TP.HCM cho biết tổng vốn đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm là hơn 29.000 tỷ đồng. Sau khi hầm vượt sông Sài Gòn thông xe, nối quận 2 và quận 1, thì tốc độ xây dựng tại Thủ Thiêm cực kỳ chóng mặt. Nếu những ai đã từng rời xa Thủ Thiêm khoảng 10 năm, thì giờ đây quay lại sẽ không thể nào nhận ra những hình ảnh ngày nào gắn với địa danh đồn Giác Ngư, cầu Ông Cậy, xẻo Ông Rái hoặc rạch Bần Cụt. Tấm bản đồ gốc bị thất lạc, do vô tình hay do cố ý? Phải chăng, có những kẻ đã trục lợi từ sự thay đổi quy hoạch một cách khôn khéo so với bản đồ ban đầu?
Khi tham gia tư vấn thiết kế cho dự án Thủ Thiêm, Tập đoàn Sasaki của Mỹ mong muốn: “Ngoài việc tạo ra một khu trung tâm mới hiện đại, tiếp thu tinh hoa của nền văn minh và khoa học thế giới, Thủ Thiêm còn là đô thị mang đậm bản sắc dân tộc và đặc trưng vùng sông nước đồng bằng Nam Bộ”. Vậy mà, đến hôm nay, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoà, người từng giữ chức Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM ngậm ngùi: “So với ý tưởng của phương án Sasaki, việc chuyển tải các đặc trưng văn hóa của Sài Gòn - TP.HCM sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang có nguy cơ bị mất dần đi. Chúng ta bị “chi phối” quá nhiều bởi những lời “hứa hẹn”, bởi tham vọng của các nhà đầu tư đang bằng “mọi giá” lấy lợi nhuận làm thước đo cho sự thành công của họ”.