| Hotline: 0983.970.780

Bản du lịch người Mông giữa rừng già Hoàng Liên

Thứ Tư 30/11/2022 , 07:00 (GMT+7)

Ở Séo Mý Tỷ, Sa Pa, Lào Cai có mây, có gió, bao quanh là rừng già tạo cơ hội cho bà con phát triển du lịch gắn với bảo tồn sinh thái tự nhiên.

home

Một góc bản người Mông ở Séo Mý Tỷ, Sa pa, Lào Cai. Ảnh: PH.

Làm chủ nhưng vẫn là nông dân

So với trước đây, đường từ trung tâm xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) lên Séo Mý Tỷ đã dễ đi hơn, không còn những cung đường đá lởm chởm trơn trượt đến rợn người. Séo Mý Tỷ nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên nhưng từ nhiều đời nay, bà con dân tộc Mông đã đến đây định cư, sinh sống.

Ở Séo Mý Tỷ có lúc mây bay ngang ngực, không nhìn rõ đường, cũng không nhận rõ đâu là ranh giới mặt đất và lòng hồ. Cũng có lúc nắng vàng, trời xanh trong vắt, chỉ ngắm thôi cũng cảm thấy thư thái trước cảnh làng bản yên bình với khói lam chiều bay lên bám theo ngọn thông và những cây rừng già.

Séo Mý Tỷ chưa bị đô thị hóa, mọi thứ còn nguyên sơ, bà con dân bản cũng thật thà như đếm. Ấy thế nhưng cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, phụ thuộc cây ngô, cây lúa...

Hạng A Dính sinh ra và lớn lên ở Séo Mý Tỷ nên thuộc lòng từng hòn đá, ngọn cỏ nơi này. Không chấp nhận khó khăn, Hạng A Dính xoay đủ cách từ đi nuôi cá nước lạnh thuê, đến mở tạp hóa rồi dựng homestay để có thu nhập.

Homestay của Hạng A Dính cũng có cái tên khá ấn tượng "DC Farmer Home", làm chủ nhưng Dính vẫn trồng cấy, chăn nuôi con gà, con lợn phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Khi du khách có nhu cầu ăn nghỉ tại chỗ thì sử dụng luôn những thứ mà nhà làm ra.

"Ở nhà làm ruộng mỗi năm chỉ thu khoảng 10 bao thóc nên tôi mở tiệm tạp hóa nhưng mỗi tháng chỉ được thêm 2-3 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu và đi nhiều nơi từ Sơn La, Hà Giang rồi quay về Sa Pa, mình tự hỏi tại sao không làm homestay ở Séo Mý Tỷ, khi ở đây có rừng già, có thác Rồng, có hồ nước. Vì vậy, từ tiền tích cóp với lại vay anh em được gần 600 triệu đồng để biến ý tưởng của mình thành sự thật. Vất vả, chưa có mấy khách đến nhưng không làm chỉ có thế thôi mà mình vẫn làm nương, nuôi lợn gà cơ mà", Hạng A Dính nói.

Cũng theo Dính, ở đây, bà con còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như thêu thùa, dệt, đan vải. Vào những dịp lễ hội, tết bà con còn quây quần với giai điệu của tiếng khèn Mông. Nhưng để du lịch thì phải bảo vệ được cả nguồn nước, bảo vệ được rừng thì Séo Mý Tỷ mới giữ được vẻ đẹp vốn có của nó, du khách khi ấy mới tới.

Số homestay ở Séo Mý Tỷ chỉ lác đác, đếm trên đầu ngón tay nhưng homestay nào cũng sạch bong từ giường nệm đến nhà vệ sinh...

homestaydinh

Bên trong homestay của Hạng A Dính. Ảnh: HĐ.

Học ngoại ngữ để đón du khách nước ngoài

Hạng A Dính quen vợ Giàng Thị Chú ở Tân Uyên (Lai Châu) rồi nên vợ chồng. Cả 2 đều không nghĩ sẽ có ngày ngồi chung lớp học nhưng việc này lại cần thiết cho phát triển homestay của họ.

Giàng Thị Chú nói, cả 2 vợ chồng tối nào thầy dậy phải gửi con bên ông bà trông để lên lớp học tiếng Anh. Mấy hôm nay, thầy nghỉ về Ấn Độ nhưng sẽ sang lại để cả bản cùng học. Có ngoại ngữ thì mình mới giao tiếp được với khách chứ trước đây người ta hỏi, nói chuyện với mình mà không hiểu gì cả.

Từ những từ cơ bản rồi đến phức tạp, vợ chồng Hạng A Dính hiện cũng đã biết giới thiệu món ăn, giới thiệu địa điểm đẹp ở Séo Mý Tỷ rồi cả văn hóa của bà con người Mông cho du khách nước ngoài biết và khám phá.

Homestay của Giàng A Quả nằm ngay trên đường vào bản, hướng ra mặt hồ Séo Mý Tỷ - hồ nhân tạo cao nhất Việt Nam - nên cũng là một trong điểm đẹp cho du khách dừng chân.

Giàng A Quả nói, "ô, dịch qua điện thoại mất thời gian lắm, nhất là khi sóng chập chờn mãi mới được một câu nên phải học thôi".

Lớp học ban đầu chỉ có vài người tham gia nhưng người nọ giới thiệu người kia rồi cả bản thấy ngoại ngữ thật cần thiết nên cứ mỗi tối ăn cơm xong là kéo nhau lên lớp. Lớp học cũng không phân biệt lứa tuổi, già trẻ đều ngồi chung, không có gì lấy làm xấu hổ vì chưa khi nào bà con thấy ngoại ngữ cần thiết như vậy, sát sườn với cuộc sống hằng ngày.

Ông Hạng A Tráng, trưởng bản cho biết, ngoài du khách trong nước thì du khách nước ngoài đến Tả Van khám phá cũng thường xuyên lên Séo Mý Tỷ, đặc biệt họ rất thích trải nghiệm cuộc sống của bà con bản địa. Vì vậy, họ muốn nói chuyện trực tiếp với bà con vì không ai hiểu rõ nơi này bằng những người sống ở đây.

Bà con cũng như một hướng dẫn viên cho du khách vậy mà ngay cả những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp có khi cũng khó nói được hết. Thế nên việc học ngoại ngữ cung như học thêm các kỹ năng khác để làm du lịch cộng đồng là hết sức cần thiết.

thacrong2

Thác Rồng, một địa điểm đẹp nằm trong rừng, gần bản người Mông ở Séo Mý Tỷ. Ảnh: PH.

Giữ rừng để đời sống ấm no hơn

Ở Séo Mý Tỷ, bà con người Mông không chặt cây, không đốt nương làm rãy, giữ rừng, bảo vệ sinh thái tự nhiên để nơi này ngày càng đẹp hơn, để nhiều du khách đến hơn... Hằng năm, bà con ở Séo Mý Tỷ làm lễ cúng thần rừng để gắn kết cộng đồng dân tộc, gắn con người với thiên nhiên. Qua nhiều thế hệ nhưng lễ cúng thần rừng của người Mông ở Séo Mý Tỷ không mai một mà lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Cứ 13/3 âm lịch, cả bản chung nhau mua đồ để thờ cúng thần rừng rồi cùng ăn với nhau bữa cơm, mừng cho một năm mới làm ăn phát tài. Sau các nghi lễ, bà con cam kết phải tuân thủ bản hương ước về bảo vệ rừng và mọi người đều có trách nhiệm thực hiện, làm theo, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

IMG_8583

Bản Mông ở Séo Mý Tỷ chìm trong mây. Ảnh: HĐ.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, từ khi triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hình thức giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, nhiều hộ gia đình sống trong và xung quanh vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên đã có thêm nguồn thu nhập nâng cao đời sống, tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng...

Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư vùng lõi với diện tích giao khoán hằng năm trên 8.000ha với 21 cộng đồng thôn và 5 hộ gia đình trên 3 xã vùng lõi gồm Tả Van, Hoàng Liên và Bản Hồ và 2 tổ của phường Ô Quý Hồ.

Kinh phí giao khoán qua các năm ngày một tăng, đến năm 2021 đạt trên 5 tỷ đồng. Dưới sự hướng dẫn, giám sát thực hiện của Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên, các cộng đồng đã thống nhất sử dụng khoảng 50-60% kinh phí để chi trả nâng cao đời sống cho các hộ gia đình.

Phần còn lại dành cho các hoạt động của tổ bảo vệ rừng thôn như tuần tra bảo vệ rừng tại gốc, ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng… đồng thời đảm bảo các buổi họp thôn bản tuyên truyền, ăn thề bảo vệ rừng, cúng rừng và mua sắm một số trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tại cơ sở.

"Giao khoán bảo vệ rừng cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ rừng tại gốc với sự tham gia tích cực của tổ bảo vệ rừng các bản. Tổ bảo vệ rừng đã thực sự trở thành tai mắt, là “cánh tay nối dài” của lực lượng kiểm lâm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật được tăng cường phần nào đã nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học." Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.