Ngày 29/3, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh về tổ chức, bộ máy, mô hình hoạt động; kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I, phương hướng nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2025, định hướng 2030; những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ.
Tiềm năng lớn về tín chỉ carbon rừng
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án trọng tâm được giao, Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư 4 dự án phát triển mắc ca, diện tích trên 3.600 ha; đến nay, đã trồng hơn 1.600 ha, diện tích cho thu hoạch là 915 ha, sản lượng dự kiến trên 822 tấn.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Bình.
Chi cục đã tham mưu trình phê duyệt chủ trương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của 14 công trình, dự án, tổng diện tích hơn 243 ha rừng, trong đó, hơn 111 ha thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu đoạn qua địa phận tỉnh; hơn 77 ha dự án xây dựng đường giao thông thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục đã tham mưu tổ chức Hội nghị ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2025. Trong 3 tháng đầu năm, Chi cục đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 36 vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp, giảm 15 vụ so với cùng kỳ.
Đặc biệt, liên quan đến thị trường tín chỉ carbon rừng, Sơn La có trữ lượng rừng lớn, với hơn 671.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 47,6%; số lượng các cơ sở phát thải công nghiệp thấp. Theo thống kê sơ bộ, số ước tín chỉ carbon rừng tại Sơn La có tiềm năng đạt khoảng gần 1,2 triệu tín chỉ hàng năm.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý liên quan đến việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon rừng hiện đang được các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện, do đó, tỉnh chưa có hoạt động trao đổi tín chỉ carbon rừng ra quốc tế.
Đề xuất xây dựng mô hình Hạt Kiểm lâm cơ sở
Báo cáo tại cuộc họp, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Huy Tuấn cho biết, vướng mắc liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng Sơn La hiện nay là một số trường hợp chưa thống nhất về mục đích sử dụng đất và mục đích quy hoạch đất rừng giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy hoạch đất rừng; việc thống kê, theo dõi diễn biến rừng chưa đồng bộ với công tác thống kê đất đai hàng năm...

Sơn La còn vướng mắc trong một số trường hợp chưa thống nhất về mục đích sử dụng đất và mục đích quy hoạch đất rừng giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy hoạch đất rừng. Ảnh: Nguyễn Nga.
Liên quan đến mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 50% năm 2030, để đạt độ che phủ rừng 48,5%, diện tích rừng trồng mới giai đoạn 2026-2030 trên toàn tỉnh là trên 14.000 ha, nguồn vốn đầu tư phát triển rừng khoảng 832 tỷ đồng. Như vậy, nếu tăng độ che phủ rừng lên 50%, cần khoảng gần 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Đây là nguồn vốn lớn mà ngân sách địa phương không đáp ứng được yêu cầu.
Do đó, Chi cục Kiểm lâm kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La đề xuất UBND tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh duy trì chỉ tiêu độ che phủ rừng ổn định là 48,5%; đồng thời, cho chủ trương xây dựng dự án trồng, khôi phục rừng phòng hộ đặc dụng trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 2026-2030.
Đáng lưu ý, liên quan đến lộ trình dự kiến bỏ cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, ông Nguyễn Huy Tuấn đề xuất giao Chi cục xây dựng Đề án tổ chức lại bộ máy các Hạt Kiểm lâm cấp huyện theo hướng tổ chức Hạt Kiểm lâm cơ sở gắn với địa bàn các xã phường sau sáp nhập, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp.
Quản lý, bảo vệ rừng tận gốc, gắn với địa bàn
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, ông Phùng Kim Sơn đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của lực lượng kiểm lâm các cấp trong công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ sau hợp nhất.

Ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Đức Bình.
Trước mắt, Chi cục Kiểm lâm Sơn La cần tiếp tục tập trung quản lý tốt diện tích rừng hiện có; triển khai hiệu quả các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng tận gốc, gắn với địa bàn, cấp ủy chính quyền cơ sở; tổ chức, triển khai lực lượng kiểm lâm là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt trong mùa khô hanh kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Ông Sơn cho rằng, Chi cục cần xây dựng các chuyên đề, giải pháp để giải quyết những giao thoa, điểm nghẽn trong quản lý rừng, quản lý đất đai; giải pháp phát triển rừng ổn định, bền vững; nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; phát triển kinh tế rừng gắn với nâng cao sinh kế của nhân dân dựa vào rừng...
Chi cục cần nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về quản lý, bảo vệ rừng đã đặt ra năm 2025 gồm: Trồng mới 1.430ha rừng tập trung, trồng 1 triệu cây phân tán, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 48,5%... tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, xây dựng Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2026-2030.
Ông Phùng Kim Sơn giao các phòng ban chuyên môn của Sở tham mưu, gỡ vướng trong việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục đất đai với doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển mắc ca; xây dựng quy chế phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn có liên quan để thuận lợi cho công tác tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ...
Chi cục Kiểm lâm Sơn La là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, gồm: 5 phòng chuyên môn, 2 đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, 17 hạt kiểm lâm huyện, 5 ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.
Sau hợp nhất, Chi cục Kiểm lâm được giao 21 nhiệm vụ chính, 40 nhiệm vụ cụ thể, giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 2 nhiệm vụ mới về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu.