Đồ nội thất trước nguy cơ bị áp thuế
Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), mục tiêu trong Quyết định 327 của Thủ tướng Chính phủ là trong năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt phải đạt 20 tỷ USD, đến năm 2030 con số này tăng đến 25 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hưng, đây là thách thức lớn của ngành gỗ Việt. Bởi, trong thời gian tới đây, ngành gỗ sẽ gặp nhiều thách khi quy định chống phá rừng (EUDR) của EU có hiệu lực và thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị của thế giới.
Theo chia sẻ của ông Lê Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), chưa kịp mừng về sự khởi sắc của ngành gỗ trong năm 2024 thì bây giờ, khi thuế quan của Hoa Kỳ, một trong bốn thị trường lớn của ngành gỗ làm ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của ngành gỗ Việt.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, nói về những thách thức của ngành gỗ Việt trong thời gian tới. Ảnh: V.Đ.T.
“Vừa rồi, gỗ thương mại nhập vào thị trường Hoa Kỳ cũng có những biến động, các doanh nghiệp đang rất bối rối, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nội thất. Đặc biệt là các mặt hàng tủ bếp, tủ phòng tắm có nguy cơ rủi ro rất cao, riêng tủ bếp nguy cơ sẽ bị Hoa Kỳ áp dụng thuế”, ông Lê Văn Lương lo lắng.
Cũng theo ông Lương, tủ bếp là triển vọng lớn cho kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD của ngành gỗ Bình Định trong những năm tới. Nhưng đứng trước tình hình biến động như hiện nay, thì đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp. Nếu Hoa Kỳ áp thuế đối với đồ gỗ nhập vào thị trường này thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Lo lắng là vậy, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định không thể dừng đầu tư và tìm mọi cách để tồn tại”, ông Lê Văn Lương khẳng định.

Ông Lê Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), lo lắng khi thuế quan của Hoa Kỳ sẽ làm ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của ngành gỗ Việt. Ảnh: V.Đ.T.
Ngoài Hoa Kỳ là thị trường lớn tiêu thụ đồ gỗ nội thất, châu Âu cũng là thị trường lớn tiêu thụ nhiều các mặt hàng đồ gỗ ngoài trời, đây là những thách lớn của các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định.
“Trước thực tế trên, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định mong muốn Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường để nắm bắt tình hình thị trường, kịp thời cung cấp thông tin để các doanh nghiệp có những bước chuẩn bị nhằm ứng phó kịp thời trước những biến động đột biến”, ông Lê Văn Lương đề nghị.
Định vị lại thị trường
Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) ở Đồng Nai, chia sẻ: Để ngành gỗ Việt phát triển trong bối cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay, trước tiên, các doanh nghiệp phải định vị lại thị trường, sản phẩm gì bán cho thị trường nào; sản phẩm đó sản xuất ở khu vực nào; rồi nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm đó lấy ở đâu, nếu là rừng trồng trong nước thì phải xác định trồng loại cây gì phù hợp.
Từ đó, ngành chức năng phân tích lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, xác định từng loại gỗ nguyên liệu cho từng loại sản phẩm, ngành gỗ chủ động được hay phải nhập khẩu để tạo ra nhóm riêng. Hiện nay, ngành gỗ phải trang bị tư duy mới để thích ứng với những khó khăn trước mắt. Ngành gỗ cũng không nên thiên lệch quá về thị trường xuất khẩu, mà phải để ý cả thị trường nội địa.

Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đề xuất các giải pháp để ngành gỗ phát triển bền vững. Ảnh: V.Đ.T.
“Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều thách thức, ngành gỗ cần chia nhóm cụ thể. Ví như Hoa Kỳ là thị trường lớn cho vào 1 nhóm, thị trường Trung Quốc 1 nhóm, thị trường châu Âu 1 nhóm, thị trường Bắc Á gồm Hàn Quốc và Nhật Bản 1 nhóm; phần còn lại của thế giới vào 1 nhóm và nhóm nội địa”, ông Hà đề xuất.
Cũng theo ông Hà, khi chia thành từng nhóm như vậy, ngành gỗ sẽ xác định được sản phẩm gì nhập được vào thị trường nào. Sau đó định vị lại địa phương nào có thế mạnh về sản phẩm nào để tập trung sản xuất. Sự tập trung đó sẽ mang lại chuỗi cung ứng cũng như chủ động nguồn nguyên liệu.
“Thị trường EU đang quan tâm đến EUDR, chúng ta phải định vị khu vực này ăn mạnh mặt hàng gì để tập trung tuân thủ quy định EUDR vào mặt hàng đó để tạo thuận lợi khi nhập khẩu vào thị trường này”, ông Võ Quang Hà đề xuất.

Để ngành gỗ Việt phát triển trong bối cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay, trước tiên, các doanh nghiệp phải định vị lại thị trường. Ảnh: V.Đ.T.
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, để hóa giải sự thách thức trong việc việc truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu của quy định EUDR, việc trồng rừng gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu cho ngành gỗ là xu thế tất yếu của Việt Nam.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: “Các nước phát triển như Nhật Bản trồng rừng lên tới 50 năm, các nước châu Âu nuôi rừng gỗ lớn đến 20 năm, trong khi Việt Nam mới chỉ dừng ở mức 10 năm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao”, .