Ngày 7/9, tại Hà Tĩnh, Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương phối hợp Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo bàn giải pháp nhân rộng các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương, khi chất lượng đời sống của người dân được nâng lên cũng là lúc lượng nước thải sinh hoạt trong khu dân cư thải ra môi trường ngày càng lớn. Trong bối cảnh cả nước đang tập trung thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh, công tác bảo vệ môi trường càng quan tâm, chú trọng hàng đầu.
Thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho thấy, hiện tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại đô thị được xử lý ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 13%, tại khu vực nông thôn chưa có con số thống kê đầy đủ. Trong những năm qua, việc xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn đã bước đầu tiếp cận các mô hình phân tán ở cụm dân cư, hộ gia đình. Đi đầu phải kể đến các tỉnh Hà Tĩnh, Thái Nguyên, An Giang với 19.500 thôn/3.210 xã tham gia xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt.
“Chúng tôi đánh giá rất cao sáng kiến xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn của Hà Tĩnh. Đây là mô hình rất đáng được nhân rộng”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh. Đồng thời kiến nghị các đại biểu tham gia Hội thảo làm rõ 3 vấn đề cơ bản: Thứ nhất là giải pháp nhân rộng các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn giai đoạn hiện nay; thứ 2 bàn cơ chế hỗ trợ, chính sách để thực hiện mô hình; cuối cùng làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã.
Ngoài sáng kiến của Hà Tĩnh, một số xã ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên cũng đã thực hiện khá hiệu quả mô hình xử lý nước thải hộ gia đình và cụm hộ gia đình bằng công nghệ sinh học yếm – hiếu khí kết hợp, sử dụng vật liệu gạch truyền thống và bể composite.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc áp dụng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở nông thôn đã làm thay đổi nhận thức của người dân Hà Tĩnh trong công tác bảo vệ môi trường ngay tại nguồn. Nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống hoàn chỉnh có 7/11 thông số đạt, 4 thông số còn lại tiệm cận tiêu chuẩn cột B của QCVN 14:2008/BTNMT; phù hợp với điều kiện địa hình phân tán của vùng nông thôn; chi phí lắp đặt, quản lý, vận hành thấp hơn nhiều so với xử lý tập trung. Đặc biệt người dân dễ tiếp cận, sử dụng; nước thải đầu ra có thể tái sử dụng phục vụ tưới cây.
“Từ một vài công trình thí điểm, đến nay mô hình lan tỏa, triển khai trên diện rộng với gần 1.600 hộ gia đình/45 xã/12 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh tham gia lắp đặt”, ông Sơn thông tin.
Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, địa phương đang rà soát, dự kiến bổ sung đề tài này vào tiêu chí NTM giai đoạn 2021 – 2025. Đề xuất Trung ương đưa vấn đề xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt thành một tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM.
Sau khi tham quan thực tế một số mô hình xử lý nước thải tập trung, hộ gia đình bằng bể composite tại huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà (Hà Tĩnh), ông Trần Văn Hà, Chánh văn phòng NTM tỉnh Ninh Bình bày tỏ ấn tượng với đề tài xử lý nước thải sinh hoạt của tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt là mô hình làm bể cứng bê tông theo nhóm hộ, vừa tiết kiệm kinh phí vừa triển khai được diện rộng.
Theo ông Hà, lâu nay các địa phương hầu hết tập trung vào xử lý rác thải sinh hoạt mà chưa chú ý đến nước thải. Nay đã có không ít đề tài triển khai hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước nên cần sớm nhân ra diện rộng.
“Riêng mô hình của Hà Tĩnh rất phù hợp xử lý môi trường nông thôn trong xây dựng NTM. Trung ương cần có chính sách hỗ trợ Hà Tĩnh tiếp tục nghiên cứu, khắc phục các hạn chế, nhân rộng đề tài này để các tỉnh, thành khác trên cả nước học tập”, ông Hà nói.