| Hotline: 0983.970.780

Lan tỏa mô hình xử lý rác thải, nước thải nông thôn

Thứ Năm 13/08/2020 , 10:28 (GMT+7)

Từ 2 mô hình thí điểm, đến nay đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt” đã lan tỏa ra gần 400 mô hình.

Gỡ khó tiêu chí môi trường

Bình quân đầu tư một hệ thống nước thải trong khu dân hết từ 6 - 10 triệu đồng. Ảnh: Gia Hưng.

Bình quân đầu tư một hệ thống nước thải trong khu dân hết từ 6 - 10 triệu đồng. Ảnh: Gia Hưng.

Một thập kỷ triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) vấn đề môi trường trong khu dân cư luôn là bài toán hết sức “khó giải” đối với cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn cả nước. Không ít địa phương bế tắc trong việc tìm kiếm vị trí tập kết, xử lý rác; nước thải chảy tràn lan, tự do xuống kênh mương, sông suối, ảnh hưởng đến môi trường.

Tại Hà Tĩnh, với dân số sống tại nông thôn hơn 1 triệu người, chiếm trên 72%. Theo ước tính, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn nông thôn khoảng 700 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 70%. Lượng nước thải khoảng 83.000 m3/ngày đêm, nhưng phần lớn chưa được xử lý đúng quy định.

Hà Tĩnh có 25 làng nghề nhưng môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do hệ thống hạ tầng xử lý chất thải chưa được đầu tư đúng quy định; việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế; nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ môi trường còn thấp; ý thức trách nhiệm trong sản xuất và sinh hoạt còn yếu; quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường ở các làng nghề chưa tốt.

Ngoài ra, hệ thống thoát nước thải của nhiều xã chưa được quan tâm đầu tư; ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lý nước thải chưa cao; chưa có các quy chế, quy định về quản lý, thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt nông thôn; tình trạng xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường tại các xã vẫn còn phổ biến.

Nhìn nhận được tính bức thiết trong việc tháo gỡ “nút thắt” khi thực hiện tiêu chí số 17 – tiêu chí môi trường, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh “khai sinh” ý tưởng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại gốc, theo quy mô hộ, nhóm hộ, phù hợp điều kiện kinh tế, địa hình khu vực nông thôn.

Bà Dương Thị Ngân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý nước thải bằng chế phẩm sinh học. Ảnh: Gia Hưng.

Bà Dương Thị Ngân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý nước thải bằng chế phẩm sinh học. Ảnh: Gia Hưng.

Ông Oánh cho hay, ý tưởng này hình thành khi ông chứng kiến những vườn mẫu, khu dân cư mẫu đẹp như tranh vẽ nhưng hệ thống nước thải, chất thải sinh hoạt đổ tràn lan ra môi trường, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

“Từ nguyên lý hoạt động của bể phốt nhà vệ sinh tự hoại, tôi bắt tay với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh thực hiện đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”. Sau hơn một năm triển khai, đề tài thành công vượt ngoài mong đợi, góp phần gỡ khó cho tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM”, ông Oánh chia sẻ.

Lan tỏa

Tháng 4/2019 thôn La Xá, xã Thạch Lâm (nay là xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) và thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) – Hà Tĩnh được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư.

Mô hình thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình đã góp phần giảm tỷ lệ rác thải ra môi trường từ 70 - 90%. Ảnh: Gia Hưng.

Mô hình thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình đã góp phần giảm tỷ lệ rác thải ra môi trường từ 70 - 90%. Ảnh: Gia Hưng.

Sau khi được tập huấn, ông Phan Văn Đệ, thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương tiên phong thực hiện mô hình xử lý nước thải 7 ngăn để xử lý cho các hội viên trong HTX trồng rau thơm và cả khu dân cư. Còn rác thải sinh hoạt được các hội viên, hộ dân phân loại tại nhà, sau đó thu gom, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

“Sau khi thực hiện mô hình chúng tôi nhận thấy lượng rác thải thải ra môi trường giảm đến 70 – 90%. Riêng nước thải, sau khi xử lý các hội viên trong HTX tái sử dụng để sản xuất rau thơm, hạn chế tối đa việc lãng phí tài nguyên nước, nhất là trong những tháng nắng hạn vừa qua”, ông Đệ nói.

Theo ông Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, quá trình triển khai mô hình phải mất 3 tháng người dân mới vào “guồng”.

Các hộ dân tham gia đề tài được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng mô hình, hỗ trợ chế phẩm sinh học, kỹ thuật thu gom, phân loại, xử lý rác thải, nước thải. Hiện nhiều xã ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Vũ Quang… đã ban hành cơ chế hỗ trợ người dân từ 3 – 5 triệu đồng/hộ, để nhân rộng mô hình xử lý nước thải, rác thải trong khu dân cư.

“Giai đoạn đầu bà con chưa mặn mà, thiếu ý thức tự giác. Hầu hết rác thải nếu không nhắc người dân sẽ không phân loại; không đổ chế phẩm xuống hố xử lý nước thải… Tuy nhiên, khi chúng tôi kiên trì đến tận hộ “cầm tay chỉ việc” và áp dụng chế tài xử phạt nặng thì mọi việc đi vào quỹ đạo”, ông Cường nói. Đồng thời cho rằng, ngoài ban hành quy chế, hướng dẫn phân loại rác, việc áp dụng chế tài xử phạt đối với các hộ dân vứt rác bừa bãi là rất cần thiết, nhằm tăng tính răn đe.

“Hiện đã có một số xã như Tân Lâm Hương (Thạch Hà), Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang)… xử phạt hộ dân vứt rác bừa bãi với số tiền lên đến 4 triệu đồng”, ông Nguyễn Cao Cường thông tin thêm.

Về hiệu quả của mô hình xử lý rác thải, theo ông Nguyễn Viết Sơn, Chủ nhiệm HTX môi trường xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, bình quân lượng rác thải sinh hoạt giảm được khoảng 60%. “Trước đây, mỗi tháng, HTX phải thu gom từ 23 - 25 xe tải nhưng từ khi thực hiện mô hình chỉ còn 10 - 12 xe”, ông Sơn nói.

Đối với hệ thống xử lý nước thải, nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống hoàn chỉnh có 7/11 thông số đạt tiêu chuẩn cột B của QCVN 14:2008/BTNMT. Hệ thống này phù hợp với điều kiện phân tán của nông thôn tỉnh; chi phí lắp đặt, quản lý, vận hành thấp hơn nhiều so với xử lý tập trung; người dân dễ tiếp cận, nước thải đầu ra có thể phục vụ tưới cây.

Nước thải sinh hoạt sau khi xử lý bằng chế phẩm sinh học được tái sử dụng tưới cho cây trồng. Ảnh: Gia Hưng. 

Nước thải sinh hoạt sau khi xử lý bằng chế phẩm sinh học được tái sử dụng tưới cho cây trồng. Ảnh: Gia Hưng. 

Hộ ông Hùng, ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên mặc dù không nằm trong diện hỗ trợ của đề tài nhưng sau khi nhận thấy lợi ích thiết thực của mô hình, gia đình mạnh dạn đầu tư 5 triệu đồng xây dựng hố xử lý nước thải theo giải pháp của Văn phòng điều phối NTM và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh. Sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng, nước thải đầu ra trong hơn, mùi hôi thối giảm rõ rệt. Toàn bộ nước thải này ông Hùng sử dụng tưới cho cây ăn quả trong vườn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Từ mô hình thí điểm tại 2 thôn ở huyện Thạch Hà, sau hơn 1 năm triển khai đã có 45/216 xã của 11 huyện, thị triển khai mô hình xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt này; tổng số công trình đã nhân rộng đạt xấp xỉ con số 400.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp Hội đồng Khoa học nghiệm thu kết quả đề tài khoa học công nghệ “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”. Đề tài đạt kết quả xuất sắc, với tỷ lệ 100%. 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.