| Hotline: 0983.970.780

Ban hành chính sách bảo tồn cây trồng bản địa

Thứ Tư 16/02/2022 , 09:15 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Bình Định đang chú trọng khởi động việc bảo tồn một số giống cây trồng bản địa, gắn với phát triển kinh tế cho phụ nữ nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những việc làm ngay

Đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Bình Định đến năm 2025. Theo đó, các cơ quan chuyên môn sẽ ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo tồn nguồn gen một số giống cây trồng bản địa như lúa cạn (lúa rẫy), lúa nếp, ngô nếp và giống sắn ngọt, gắn với phát triển kinh tế cho phụ nữ nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Th.S Lê Đức Dũng, Phó trưởng Bộ môn Rau hoa cây cảnh (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ) trong vườn lan đai châu được nuôi cấy mô. Ảnh: V.Đ.T.

Th.S Lê Đức Dũng, Phó trưởng Bộ môn Rau hoa cây cảnh (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ) trong vườn lan đai châu được nuôi cấy mô. Ảnh: V.Đ.T.

Thiên nhiên ưu đãi cho Bình Định sự phong phú, đa dạng các loài động, thực vật với nhiều loài quý  hiếm, đặc hữu, đặc biệt là nguồn gen thực vật. Điển hình như tại Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn nằm trên địa bàn xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) đang tồn tại đến 547 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 304 chi và 110 họ và 300 loài động vật thuộc 89 họ và 28 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát và lưỡng thê.

Đặc biệt, trong số đó có 10 loài thực vật, 72 loài động vật thuộc diện quý hiếm và nguy cấp được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Ngoài ra, trong Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn đang có 4 loài thực vật cùng 14 loài động vật thuộc loài đặc hữu. Ở An Lão còn có 2 loại lan quý là lan kim tuyến và lan đai châu mọc tự nhiên trong rừng.

Tuy nhiên, do tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu “tận diệt”, đã gây suy thoái đa dạng sinh học nghiêm trọng, khiến các loài động, thực vật quý hiếm suy giảm dần. Thực tế này đã dẫn đến mất cân bằng sinh thái, đáng quan ngại là mất dần các nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật. Thêm vào đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng đã góp phần khiến một số loài động vật quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng; các giống cây trồng có nguồn gốc bản địa, mang nguồn gen quý đang bị thoái hóa và có nguy cơ “mất tích” trong tự nhiên.

Giống lan đai châu đang được nuôi cấy mô. Ảnh: V.Đ.T.

Giống lan đai châu đang được nuôi cấy mô. Ảnh: V.Đ.T.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bình Định đã xây dựng đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Bình Định đến năm 2025. Mục tiêu của đề án là bảo tồn 56 nguồn gen 1 số loài thực vật, vi sinh vật đặc hữu trên địa bàn tỉnh. Thu thập, đánh giá hiện trạng bảo tồn 50 nguồn gen vi sinh vật và 6 nguồn gen thực vật đặc hữu. Xác định các yếu tố sinh thái, điều kiện môi trường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các nguồn gen. Đồng thời xây dựng các mô hình bảo tồn, cũng như đề xuất biện pháp nhằm bảo tồn, phát triển các nguồn gen nói trên.

Ngay trong năm 2022, Bình Định sẽ tiến hành bảo tồn nguồn gen một số giống cây trồng như lúa cạn (lúa rẫy), lúa nếp, bắp nếp và giống mì ngọt có nguồn gốc bản địa gắn phát triển kinh tế cho phụ nữ nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bước sang năm 2023, Bình Định tiếp tục tiến hành bảo tồn nguồn gen dừa nước nhằm phục hồi rừng ngập mặn, phục vụ du lịch sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn nguồn gen lan đai châu phân bố ở rừng An Lão.

“Theo dự kiến, Bình Định sẽ bảo tồn 6 nguồn gen của 1 số giống cây trồng và giống hoa đặc trưng tại địa phương, gồm các giống lúa cạn Tà Bul, Ba Băk, BaTrăng, H’Ngok; giống bắp nếp; giống nếp Ngự thuần; giống mì ngọt bở địa phương; cây dừa nước và lan đai châu”, TS Lê Công Nhường cho hay.

Đơn vị tiên phong bảo tồn gen lan đai châu

Thời gian qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, đơn vị đứng chân trên địa bàn Bình Định đã áp dụng công nghệ nuôi cấy mô để bảo tồn nguồn gen dòng lan đai châu quý hiếm mọc tự nhiên trên rừng An Lão (Bình Định).

Giống lan đai châu ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: V.Đ.T.

Giống lan đai châu ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: V.Đ.T.

Theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện hoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, lan đai châu phân bố trên vùng núi cao từ 600m trở lên so với mặt nước biển, hiện là dòng lan quý hiếm so với nhiều loại lan khác đang phổ biến trên thị trường hiện nay.

Trước đây, lan đai châu trong rừng còn nhiều, cứ đến tháng 10 âm lịch hàng năm, vào mùa mưa là trái lan tách hạt bay đầy rừng. Hạt lan đai châu phát tán trong không khí, nhưng do không có nội nhủ nên trong điều kiện bình thường hạt không thể nẩy mầm. Khi phát tán, nếu gặp đúng nấm cộng sinh thì mới có thể nẩy mầm. Do đó, tỷ lệ nẩy mầm của lan đai châu trong tự nhiên rất thấp. Nếu người dân mang hạt về ươm trong điều kiện bình thường, hạt cũng không nẩy mầm.

“Do đó, nhóm nghiên cứu thuộc Bộ môn Rau hoa cây cảnh của Viện thu lượm trái mang về tách lấy hạt, rồi áp dụng công nghệ nuôi cấy mô để bảo tồn, phát triển dòng lan quý đai châu”, TS Khuê nói.

Th.S Lê Đức Dũng, Phó trưởng Bộ môn Rau hoa cây cảnh đang thụ phấn để lấy hạt lan đai châu. Ảnh: V.Đ.T.

Th.S Lê Đức Dũng, Phó trưởng Bộ môn Rau hoa cây cảnh đang thụ phấn để lấy hạt lan đai châu. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Th.S Lê Đức Dũng, Phó trưởng Bộ môn Rau hoa cây cảnh (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ): Bộ môn đã áp dụng công nghệ nuôi cấy mô bảo tồn nguồn gen và phát triển dòng lan đai châu được 4 năm nay. Sau này, khi hạt lan đai châu trong tự nhiên cạn kiệt, Bộ môn sẽ lấy ngọn, lá, chồi hay thân của những cây lan khỏe mạnh, đã cho hoa tự thụ lại để nhân giống. Hoặc chọn những cây lan khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, có hoa đẹp làm cây bố mẹ, sau đó lấy hạt từ quả của những cây này và áp dụng công nghệ nuôi cấy mô để tiếp tục nhân ra.

Lan đai châu hiện nay trong tự nhiên gần như đã “vắng bóng” do bị khai thác đến cạn kiệt. Bởi thế, hiện 1 cây lan khai thác từ rừng về có giá đến 2 triệu đồng. Trong khi đó, lan đai châu do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cấy trồng bán chỉ 300.000 đ/cây. Hiện nay, người chơi lan ở Bình Định và người Bình Định đang định cư ở TP. HCM và nhiểu tỉnh, thành khác rất thích chơi loại lan này nên mua rất mạnh.

Lãnh đạo Bộ môn Rau hoa cây cảnh chăm sóc vườn lan đai châu. Ảnh: V.Đ.T.

Lãnh đạo Bộ môn Rau hoa cây cảnh chăm sóc vườn lan đai châu. Ảnh: V.Đ.T.

Lan đai châu được người chơi hoa lựa chọn bởi nếu năm nào không phải năm nhuận, hoa là sẽ ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, bởi thế nó còn có tên gọi là lan nghinh xuân. Thêm vào đó, lan đai châu cho hoa rất thơm và kéo dài đến 25 - 30 ngày.

“Mục tiêu chính của việc áp dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân lan đai châu của Bộ môn Rau hoa cây cảnh là để bảo tồn nguồn gen, phát triển một dòng lan quý hiếm. Từ nguồn lan Viện đang có, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chọn ra những cây phát triển tốt nhất, cho hoa đẹp nhất để nuôi lấy hạt, sau đó áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tiếp tục nhân ra để cung ứng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người mê chơi lan”, TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho biết. 

Trong Đề án bảo tồn nguồn gen tỉnh Bình Định đến năm 2025, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ được UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ làm đơn vị chủ trì bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen một số giống cây trồng bản địa như lúa cạn, lúa nếp, ngô nếp và giống sắn ngọt. Một nhiệm vụ khác Viện cũng được UBND tỉnh Bình Định giao làm đơn vị chủ trì là bảo tồn và phát triển giống lan đai châu An Lão.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm