Lâm Đồng là một trong những tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam. Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai mầu mỡ, khí hậu thích hợp và đặc biệt có lợi thế là tỉnh nằm ở độ cao 800-1.000m, nên chất lượng chè của Lâm Đồng được khẳng định là ngon, hương thơm, vị ngọt. Trong những năm qua tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến chè.
Đã từ lâu cây chè được tỉnh Lâm Đồng xác định là cây xoá đói, giảm nghèo và làm giầu của nông dân đồng thời là một trong những cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường. Hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn toàn tỉnh có 25.929 ha, giảm hơn 1.000 ha so với năm trước.. Trong đó diện tích chè đang cho kinh doanh 23.791 ha, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 183.571 tấn. Tính ra cây chè tỉnh Lâm Đồng đã chiếm tỷ lệ 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước. Chè Lâm Đồng đã thành danh từ rất lâu với những thương hiệu nổi tiếng như: Tâm Châu, Lễ Ký, Quốc Thái… Trong số các danh trà, Lâm Đồng cũng đã góp những sản phẩm có giá trị cao, được nhiều người sành điệu về trà chấp nhận như: Trà Ô Long, trà xanh, trà đen…
Tại Lâm Đồng cây chè được trồng tập trung chủ yếu ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh. Do cây chè đã được trồng từ những năm 20 của thế kỷ trước nên nhiều diện tích chè nơi đây nay đã già cỗi, năng suất thấp. Trong những năm qua, nhất là từ năm 2002 đến nay trong các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cây chè, tỉnh đã tập trung mở rộng diện tích vừa đẩy mạnh “cuộc cách mạng giống”, cải tạo vườn chè đạt năng suất, chất lượng cao và từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, chè sạch. Đến nay diện tích chè giống mới trong toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 32%, với 6.340 ha chè cành năng suất cao và 2.075 ha chè cành Ô Long chất lượng cao của Đài Loan. Và theo Đề án phát triển vùng nguyên liệu chè đến năm 2020 nâng tổng diện tích chè lên 28.000 ha, trong đó các giống chè năng suất, chất lượng cao chiếm 55%, đồng thời triển khai nhiều dự án cải tạo vườn chè.
Thế nhưng trên thực tế năng suất chè bình quân trong năm 2008 mới chỉ đạt 7,5 tấn, còn chất lượng thì không có gì thay đổi, chất lượng chè xuất khẩu thấp, sản phẩm chưa có chỗ đứng vững trên thị trường quốc tế. Với khoảng 26.000 ha chè ở khu vực Bảo Lộc, Bảo Lâm và Di Linh, gắn với cuộc sống của khoảng 130.000 lao động (chiếm trên 10% dân số của tỉnh), phụ thuộc vào cây chè. Đời sống người trồng chè, sự phát triển của cây chè luôn găn chặt với thương hiệu và thế đứng của sản phẩm chè trên thị trường. Việc phát triển các vùng nguyên liệu chè có năng suất, chất lượng cao, việc thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến áp dụng nghiêm ngặt các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho cây chè là điều kiện không thể thiếu.
Đây là vấn đề mà tỉnh Lâm Đồng đang ra sức quan tâm phát triển một cách phù hợp từ khâu giống đến khâu canh tác. Ông Phạm S - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Để đưa sản phẩm chè ra ngoài thị trường có tính cạnh tranh cao như hiện nay thì buộc chè phải có chất lượng hơn. Muốn chè đạt chất lượng không còn cách nào khác là phải thay đổi giống, đồng thời phải đưa công nghệ sản suất chè an toàn theo hướng GAP vào từng hộ nông dân. Ở huyện Bảo Lâm, một trong những vùng chè tập trung lớn nhất của tỉnh lâm đồng với trên 13 ngàn ha thì hiện tại người dân nơi đây vẫn chủ yếu đang canh tác cây chè hạt truyền thống vốn cho năng suất và chất lượng kém.
Dẫn đến giá chè búp tươi của địa phương này bị rớt giá thảm hại khi đưa ra thị trường, hiện chỉ còn từ 800 đến 1.000 đồng/kg, thậm chí đối với những xã vùng sâu, vùng xa như Lộc Bắc, Lộc Bảo có lúc giảm xuống còn 400 đồng/kg chè búp tươi. Cứ với giá như hiện nay thì chỉ trong vòng vài năm nữa là bà con sẽ chặt bỏ hết chè để trồng các cây công nghiệp khác có giá trị cao hơn.
Một thực tế cần phải thẳng thắn nhìn nhận đó là lâu nay người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất chế biến trà ở Lâm Đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc liên kết sản xuất: Nông dân thì cứ tự phát mở rộng diện tích chè, tự chọn giống, còn doanh nghiệp thì không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân ngay khi xuống giống mà thực hiện chiêu thu mua chè bằng những cái giá rẻ mạt vào cuối mùa thu hoạch vì biết rằng người dân không biết bán cho ai. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành đầu ra không ổn định.
Anh Đinh Văn Cường ở thị trấn Bảo Lâm cho biết: "Gia đình anh được bố mẹ cho 5 sào chè đang cho thu hoạch nhưng vừa qua anh đã phải chặt bỏ hết để chuyển sang trồng cà phê vì giá chè xuống thấp, trong khi chi phí thuê nhân công thì lại quá cao, tiền bán chè búp tươi giờ không đủ trả tiền công thuê hái”. Theo lời của nhiều hộ dân trồng chè, để người nông dân gắn bó với cây chè cũng như để ngành chè địa phương phát triển, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người trồng chè và các doanh nghiệp chế biến chè cần phải xây dựng được mối liên kết chặt chẽ và vai trò của chính quyền địa phương và các nhà khoa học cũng hết sức quan trọng.