Hẳn độc giả còn nhớ rõ, năm 2012, các báo mạng đồng loạt đưa tin, một sinh viên ở Hoàng Mai đã mua phải gạo giả.
Khi nấu thành cơm, anh này và một số người bạn cùng ở trọ phát hiện ra cơm không nở như các loại gạo bình thường, các hạt gạo rời rạc bất thường.
Một tờ báo mạng còn loan tin chi tiết, thay vì mùi thơm của cơm, cả nồi nồng nặc mùi ni lông, xen kẽ mùi nhựa tổng hợp khó ngửi và không thể ăn.
Thế là rộ lên tin đồn Hà Nội xuất hiện gạo giả. Tất nhiên, tin gạo giả này được cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận là không có thực.
Mới đây, khi dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số tỉnh, báo chí lại một lần nữa rầm rộ “tuyên truyền” về những nguy cơ của dịch cúm gia cầm. Đến nỗi, “bão tẩy chay” thịt gà, trứng gà xảy ra ở hàng loạt các tỉnh khiến nhiều trang trại cả tuần không bán được, dù chỉ 1 con gà, 1 quả trứng.
Nông dân khóc ròng khi giá trứng gà trong chỉ một tuần giảm tới 40%.
Tính ra, cứ mỗi quả trứng, nông dân lỗ đứt 400 đồng. Nhưng gà không thể “ngừng đẻ” dù “nỗi lo gà đẻ trứng” dày lên từng ngày theo những sọt trứng ế. Là bởi chi phí cho việc kìm gà đẻ còn lỗ hơn.
Thôi thì cứ đẻ, lỗ 400 đồng còn hơn lỗ 1.000 đồng.
Nông dân sợ “báo”, sợ “bão”, sợ tin đồn thất thiệt hơn sợ dịch...
Một điều cần phải nhấn mạnh rằng, chính báo chí, đặc biệt là báo mạng, đã vô tình tiếp tay cho những tin đồn thất thiệt khiến dư luận hoang mang.
Mấy ngày nay, dưa hấu của nông dân, đặc biệt là nông dân miền Trung, đang vào vụ thu hoạch rộ.
Hàng nghìn chiếc xe đầu kéo chở dưa lên Lạng Sơn để XK sang Trung Quốc, bởi thương lái bên kia biên giới đang thu mua dưa giá cao. Tuy nhiên, truyền hình và một số tờ báo lại đưa tin tình trạng ách tắc xe chở dưa hấu hơn 10km từ ngã tư thị trấn Cao Lộc đến cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Thậm chí có thông tin đưa ra con số giật mình: “Tắc 40 km”.
Nhưng thực tế có phải vậy không?
Nếu tuyến đường từ thị trấn Cao Lộc lên cửa khẩu Tân Thanh (chính xác là dài 25 km chứ không phải hơn 40 km) bị tắc nghẽn như báo chí nói, thì PV NNVN đã không thể di chuyển từ TP Lạng Sơn lên cửa khẩu Tân Thanh với khoảng thời gian từ 2h đến 2h50 chiều 24/3 để phỏng vấn lấy thông tin viết bài chuyển về tòa soạn được.
Theo PV NNVN, đúng là thị trấn Cao Lộc đang bị tắc nghẽn.
Nhưng qua khỏi thị trấn Cao Lộc một đoạn, tuyến đường 4A lại rất thông thoáng, có đoạn đi 5 - 6 km không thấy một chiếc xe tải nào. Thỉnh thoảng mới có một điểm ùn tắc do lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông, do đó hình thành nên các điểm ùn cục bộ.
Thương lái Trung Quốc vẫn mua dưa hấu của Việt Nam với giá 9.000 - 10.000 đ/kg, và xe dưa nào lọt được qua cửa khẩu là lập tức có thương lái Trung Quốc mua luôn.
Ông Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh than thở: “Báo chí phản ánh giật gân quá mức, trong khi tình hình không phải như vậy. Thông tin như thế chỉ có lợi cho gian thương ép giá dưa xuống thấp, và đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp không ai khác, chính là nông dân thôi”.
Cũng chính vì lẽ đó, theo phản ánh từ các địa phương, giá dưa hấu ở các vùng Bình Định, Quảng Ngãi đang xuống thấp, chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Rõ ràng, chỉ một bản tin trên truyền hình, một bài ngắn trên báo phản ánh sai lệch sự thật, thì tai họa thật khôn lường với nông dân.