| Hotline: 0983.970.780

Bản Rục đã ấm no

Thứ Hai 11/10/2021 , 07:21 (GMT+7)

Đã qua rồi cái thời “du canh du cư”, bản Rục (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đã làm chủ cánh đồng lúa bội thu qua hàng năm…

Người Rục được đưa về sinh sống tập trung và  ổn định ở thung lũng Ón. Từ đó đến nay, cuộc sống của bà con ngày càng được nâng cao hơn. Những năm gần đây, đời sống của bà con đã có bước phát triển ngoạn mục, khi đã làm chủ cánh đồng, biết chăn nuôi, trồng rừng để vươn lên…

Cánh đồng lúa nước của bà con đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa. Ảnh: H.N.

Cánh đồng lúa nước của bà con đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa. Ảnh: H.N.

Rời hang đá, người Rục được Nhà nước đầu tư dự án làm đường, xây dựng trường học, trạm y tế và làm nhà ở. Được Bộ đội Biên phòng Quảng Bình (BĐBP Quảng Bình) dạy cho cách làm nông ổn định cuộc sống.

Từ năm 2010, dự án lúa nước Rục Làn do BĐBP Quảng Bình đầu tư đã ra đời. Bước qua hơn 20 vụ lúa, từ chỗ được bộ đội cầm tay chỉ việc, đến nay, phần lớn công việc trên đồng ruộng, đồng bào Rục đều tự tay làm lấy. Mỗi năm 2 vụ lúa, cánh đồng Rục Làn đạt năng suất trung bình 40 tạ/ha. Những năm được mùa, năng suất còn đạt cao hơn, giúp cho hơn 50 hộ đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ bảo đảm nguồn lương thực cho cả năm.

Trên ruộng của  bản Mò O Ồ Ồ là những thửa ruộng được be bờ vững chắc. Ông Cao Xuân Phiên đi ra thăm ruộng và vui mừng vì cây lúa mấy vụ liền đều được mùa. Ông kể lại, trước đây, bà con sống chủ yếu nhờ vào trợ cấp gạo của Nhà nước và săn bắt, hái lượm trong rừng nên cuộc sống cũng đói khổ thường xuyên. “Nay thì bà con đã biết làm lúa nước, biết nuôi lợn, chăn bò và trồng các loại cây lương thực khác nên không còn lo đến cái đói nữa”, ông Phiên hồ hởi cho biết.

Sau mấy mùa lúa, được bộ đội và cán bộ hướng dẫn cách làm ruộng nên bà con đồng bào Rục đã biết làm thành thục. Ông Phiên cho hay, các công đoạn làm lúa nước, từ làm đất đến bón phân, ủ giống, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch lúa thì bà con đã tự làm tất cả. Ông Phiên vui mừng khoe: “Mỗi năm 2 vụ lúa, gia đình tôi thu hoạch hơn 2 tấn lúa. Không chỉ đủ gạo ăn cả năm mà còn thừa để dự trữ và chăn nuôi gà, lợn”.

Đồng bào Rục cùng bộ đội biên phòng Quảng Bình thu hoạch lúa với năng suất đạt trên 50 tạ/ha. Ảnh: H.N.

Đồng bào Rục cùng bộ đội biên phòng Quảng Bình thu hoạch lúa với năng suất đạt trên 50 tạ/ha. Ảnh: H.N.

Xóa được nạn đói, người dân bản Rục tìm tòi và biết cách vươn lên làm giàu. Các gia đình anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên, Trần Xuân Vinh (bản Ón), Cao Xuân Nhạc, Hồ Pứa (bản Mò O Ồ Ồ)... sau khi ổn định cuộc sống đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo để vươn lên. Từ chỗ phải chịu cảnh “đứt bữa” hàng năm, đến nay, nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu đã xuất hiện ở các bản người Rục.

Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Hồ Thị Páy (ở bản Mò O Ồ Ồ). Chị Páy kể lại, năm 1992 lập gia đình với 2 bàn tay trắng. Cuộc sống càng khốn khó, khi người chồng của chị Páy đột ngột qua đời, để lại cho chị 8 đứa con. Mãi đến năm 2010, nhờ bộ đội biên phòng giúp đỡ, chị Páy được ưu tiên cấp ruộng để sản xuất.

Đến nay, ngoài số lúa thu hoạch được hơn 2 tấn/năm, đủ gạo để ăn quanh năm, gia đình chị Páy còn nuôi 9 con bò, 3 con lợn và trồng 3ha rừng, thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng. Từ chỗ hộ nghèo, nhờ trồng rừng và chăn nuôi, đến nay, gia đình chị Páy đã vươn lên hộ khá, không còn nỗi lo đói khổ như trước, bữa ăn đã được đảm bảo dinh dưỡng.

Cũng ở bản Mò O Ồ Ồ, vợ chồng anh Cao Văn Điều và chị Hồ Thị Thin tuy còn trẻ nhưng đã có một cơ ngơi khá vững chắc. Gia đình anh Điều hiện trồng hơn 4ha rừng, nuôi 4 con trâu, 4 con lợn giống và nhiều gà, vịt, mỗi năm thu nhập gần 80 triệu đồng từ gieo cấy lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi. Còn tại bản Ón, nhiều hộ gia đình người Rục như: Cao Xuân Lực, Cao Xuân Lành… nhờ trồng rừng và chăn nuôi mà đến nay đã thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống khá.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình hỗ trợ máy tuốt lúa cho bà con đồng bào Rục. Ảnh: H.N.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình hỗ trợ máy tuốt lúa cho bà con đồng bào Rục. Ảnh: H.N.

Làm chủ được cánh đồng lúa nước, bà con bản Rục còn biết cách làm chuồng để nuôi lợn, nuôi dê, chăm và phát triển thêm đàn trâu bò. Ông Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ cho chúng tôi hay, trước đây, dân bản không biết trồng lúa nước, chỉ biết trồng sắn, trỉa ngô trên rẫy. Nhờ bộ đội và cán bộ chỉ lối mà bây giờ, dân bản đã biết làm rồi. Làm chủ được cánh đồng, cuộc sống bà con dần ấm no hơn. “Bữa nay, chúng tôi không còn đói nữa rồi, hơn nữa đã lo được lương thực thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Bán thêm con lợn, con bò để tăng thu nhập và mua sắm thêm đồ dùng sinh hoạt thôi”, ông Long nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Thanh Văn, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa cho hay ở các bản vùng đồng bào Rục, bà con đã trồng được 118ha rừng và duy trì đàn trâu, bò trên 400 con. Nhờ vậy, đời sống bà con ở đây ngày càng được khởi sắc, đi lên ấm no.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung vào việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ cho bà con trồng lúa có năng suất cao hơn. Ngoài ra, từ các nguồn vốn đầu tư, xã tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ bà con phát triển trồng rừng, chăn nuôi để bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài."- ông Đinh Thanh Văn chia sẻ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.