| Hotline: 0983.970.780

Bao bì giúp tăng định vị thương hiệu sản phẩm 'Made by Viet Nam'

Thứ Năm 30/06/2022 , 12:03 (GMT+7)

Bao bì ngày nay đã trở thành trợ thủ đắc lực trong việc tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp là đại sứ thường trực của doanh nghiệp trước người tiêu dùng.

6 yếu tố tạo nên một bao bì sản phẩm hoàn hảo

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hội nghị tập huấn “Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp”.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, trong đó có thách thức về việc đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh - bền vững và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong nước và quốc tế.

Hội nghị tập huấn Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Hội nghị tập huấn Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, bao bì sản phẩm hiện nay không chỉ là công cụ bảo vệ sản phẩm đơn thuần mà còn đóng vai trò to lớn trong việc gia tăng giá trị sản phẩm.

Bao bì đã trở thành trợ thủ đắc lực trong việc tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, là đại sứ thường trực của doanh nghiệp trước người tiêu dùng, cho khách hàng thấy sự tin cậy, cam kết của doanh nghiệp trên những thông số chân thực hiển thị trên bao bì sản phẩm.

Bao bì tác động trực tiếp đến chỉ số sức mạnh thương hiệu và đã trở thành một yếu tố quan trọng phản ánh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, một phần tất yếu trong chiến lược marketing của doanh nghiệp.

Bà Agnieszka van Batavia, chuyên gia về các giải pháp bao bì bền vững và các quy định về bao bì, quản lý Dược bền vững của Tập đoàn Constantia Flexibles, chia sẻ: Có 6 yếu tố cần chú ý trong chiến lược bao bì, đó là: Yếu tố chức năng, yếu tố kinh tế, yếu tố pháp lý, yếu tố thu gom và phân loại, yếu tố phục hồi nguyên liệu, yếu tố bền vững.

Theo đó, sản xuất bao bì phải đáp ứng đầy đủ chức năng với nguồn lực tối thiểu, không lãng phí và tạo ra các tác động tiêu cực thấp nhất có thể, dem lại tối đa tác động tích cực cho hành tinh và toàn xã hội.

Nữ diễn giả nhấn mạnh thêm: “Tại các nước EU, Canada, Trung Quốc đã đưa ra những quy định để ngăn ngừa chất thải, thúc đẩy tái sử dụng, nhựa sinh học có loại được phép sử dụng và loại không được phép sử dụng, doanh nghiệp cần phải nắm rõ”.

Yếu tố pháp lý (EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết. Quá trình này sẽ thúc đẩy nhà sản xuất tìm cách giảm lượng rác thải ra môi trường và tăng khả năng tái chế và tái sử dụng các bao bì đóng gói.

Ví dụ, tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần phải chứng minh được những khẳng định tái chế tuyên bố trên bao bì, tuân thủ các kiểm định về an toàn thực phẩm (như quy định về hâm nóng trong lò vi sóng, lò nướng…).

“Doanh nghiệp Việt Nam cần làm việc thêm với các viện, các trường đại học, nơi có các nghiên cứu về các bao bì nhựa… để có các cơ sở khoa học, thông tin tốt hơn phục vụ việc thiết kế, lựa chọn chất liệu bao bì sản phẩm”, bà Agnieszka van Batavia nói thêm.

Bao bì là “sát thủ” bán hàng thầm lặng, định vị thương hiệu sản phẩm

Ông Trần Hữu Như Anh, chuyên gia thiết kế bao bì, Giám đốc Công ty Bao bì Ánh Sáng chia sẻ: “Bao bì sản phẩm là công cụ truyền thông tĩnh, truyền tải các thông tin: lợi ích sản phẩm, giá trị thương hiệu, cam kết thương hiệu, lời hứa thương hiệu”.

Theo các nghiên cứu, người tiêu dùng bỏ ra chưa đầy một phút để nhìn và ra quyết định mua sản phẩm, trong khi 73% quyết định mua hàng diễn ra tại điểm bán. Đây là lý do vì sao bao bì được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Ngay cả những mặt hàng mà người mua chính là nam giới, ít quan tâm đến bao bì mẫu mã, thì yếu tố bao bì cũng chiếm tới 7% quyết định mua hàng.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam thường mô tả ý tưởng về bao bì sơ sài, nghèo nàn. Doanh nghiệp phải là người đưa ra ý tưởng chủ đạo về chiến lược bao bì. Các đơn vị thiết kế bao bì chỉ là thể hiện, hiện thực hóa ý tưởng đó.

Doanh nghiệp không hiểu sâu sắc khách hàng mục tiêu là ai thì không thể làm bao bì cho tốt. “Luôn phải đặt câu hỏi khách hàng mục tiêu thực sự cần gì? Phải luôn nghĩ về khách hàng, đến mức ám ảnh. Tiếp cận giải pháp rất quan trọng, chứ không phải là đề cập thẳng vào giải pháp”, ông Trần Hữu Như Anh chia sẻ.

Theo vị chuyên gia thiết kế bao bì, với bao bì thực phẩm, nhà sản xuất cần chú trọng cảm xúc về vị giác và sự hấp dẫn. Cần chú ý lợi ích về mặt cảm xúc, chứ không chỉ lợi ích về mặt lý tính. Bao bì giúp định vị được sản phẩm (mình muốn người tiêu dùng nghĩ sản phẩm của mình là gì? Đại diện cho cái gì?).

Bao bì là sát thủ bán hàng thầm lặng (tác động một phần đến hành vi ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng). Doanh nghiệp có thể thuyết phục người mua ở các khía canh sau đây thông qua bao bì: thông tin về các lợi ích sản phẩm, lịch sử của thương hiệu để tạo sự tin tưởng của khách hàng mục tiêu, thông tin về thành phần bên trong sản phẩm, kiểu dáng sản phẩm, xuất xứ (đến từ nước nào), công nghệ đặc biệt…

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại hội nghị.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại hội nghị.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngành bao bì Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng các doanh nghiệp bao bì Việt Nam dường như đang bị lấn lướt trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Nếu tình hình không thay đổi, rất có thể các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất thị phần trong nước, mà giá trị từ thị trường xuất khẩu cũng sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) tổ chức buổi tập huấn với chủ đề “Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp” với sự góp mặt của các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực bao bì… sẽ là một dịp để chúng ta cùng trao đổi, chia sẽ các kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia về chiến lược phát triển bao bì, nhận diện thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam.

Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, giúp tăng định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam”.

Xem thêm
Siêu thị, chợ đầu mối lo ngại giá thực phẩm Tết tăng cao vì kẹt xe

TP.HCM Theo một số doanh nghiệp, hệ thống phân phối tại TP.HCM, nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ Tết phong phú, nhưng lo ngại khó khăn trong khâu vận chuyển, dẫn đến... giá tăng cao.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.