| Hotline: 0983.970.780

Báo động trẻ đuối nước trong thời gian nghỉ Covid-19

Thứ Hai 31/05/2021 , 14:40 (GMT+7)

Trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19 đã xảy ra nhiều vụ học sinh đuối nước, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng.

Rèn luyện kỹ năng bơi lội giúp học sinh tránh tai họa đuối nước.

Rèn luyện kỹ năng bơi lội giúp học sinh tránh tai họa đuối nước.

Theo thống kê, hàng năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và có chiều hướng gia tăng. Tỷ suất đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Các trường hợp  đuối nước thường xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi và tập trung nhiều ở lứa tuổi từ 5 – 9 tuổi.

Ghi nhận tại Bình Phước, đầu năm 2021 đến nay, tỉnh này đã có 11 trường hợp tử vong do đuối nước. Đáng chú ý, đa số các trường hợp trẻ em tử vong do tự tìm đến vùng sông, suối, các hố sâu chơi đùa, nghịch nước mà không có sự giám sát của người lớn.

 Đơn cử như ngày 05/04/2021 có 2 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước thương tâm xảy ra tại đập nước Tà Tê 2, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh gồm: TTTM, sinh năm 2009, ấp Cần Dực và Em NTHT, sinh năm 2009, ấp Kliêu (cùng xã Lộc Thành). Theo người nhà nạn nhan, sau khi đi  học thêm về, cả 2 rủ nhau đi tắm và bắt cá đập nước Tà Tê 2, do mải mê, khi gặp chỗ nước sâu lại không biết bơi nên đã xảy ra tai nạn đuối nước.  

Tương tự, ngày 7/5 vừa qua, trên địa bàn xóm Hòa Thành, ấp 7, xã Tân Thành, Thành phố Đồng Xoài xảy ra 1 vụ đuối nước do bị trượt chân xuống hồ Phước Hòa gần nhà làm cháu HMT (sinh năm 2019) tử vong…

Mặc dù tình trạng trẻ đuối nước đã nhiều lần được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, nhưng các vụ việc trẻ đuối nước thương tâm vẫn xảy ra. Điều đáng nói ở hầu hết trẻ tử vong do đuối nước là các em không hề biết bơi và khi đi bơi cũng không có người lớn kèm, hay bất kỳ phương tiện cứu hộ nào. Trong khi các em chưa lường hết được sự nguy hiểm, nên vẫn rủ nhau đùa nghịch ở ngay cả những địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng trẻ chết đuối. Từ đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lơ là, chủ quan của người lớn, nhất là gia đình trong việc chăm sóc, quản lý con em mình.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, thời gian qua ở các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động hè dành cho trẻ và khuyến khích các em tham gia những hoạt động vui chơi an toàn, lành mạnh…

Tuy nhiên, để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đạt hiệu quả thì ngoài gia đình, rất cần sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng xã hội nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ em; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội, nhất là các bậc cha mẹ trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ.

Có như vậy mới tránh được những cái chết thương tâm đối với các em xảy ra như thời gian qua. Việc phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Bài học sơ cứu trường hợp bị đuối nước.

Bài học sơ cứu trường hợp bị đuối nước.

Trước việc thời gian qua xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh vừa ký công văn về việc tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh hè năm 2021. 

Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh.

Các đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các quy định nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho bản thân. Tiếp tục duy trì hiệu quả các hình thức nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không tắm, chơi, đùa gần ao, hồ, sông, suối, hố công trình… không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên và các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương chỉ đạo, quản lý, tạo sân chơi lành mạnh, an toàn, tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho học sinh trong dịp nghỉ hè.

Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình học sinh để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian học trực tuyến tại nhà, thời gian được nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước.

(Kiến thức gia đình số 21)

  • Tags:
Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?