Cơn bão sốt đất ập đến vùng nông thôn
Hai tuần trở lại đây, không khí vùng quê giữa phường Tân An và xã Hoàng Tân bỗng trở nên nhộn nhịp sau khi nhiều thông tin về các dự án bất động sản (BĐS) sẽ được quy hoạch ở những địa phương này. Từng hàng xe cộ từ khắp nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình… đổ đến làm đảo lộn cuộc sống bình yên của vùng nông thôn yên tĩnh.
Dọc bến sông Giang, nhiều hàng nước do các hộ dân mở ra như biết rõ nhu cầu dừng đỗ, cung cấp thông tin của các thị khách “đói đất”, bất kể đến đây không phải người địa phương thì chỉ có cò đất hoặc người đầu cơ, những người dân xác định.
Dừng lại một quán nước ven đường ở phường Tân An, trước một biển hiệu được sơn đỏ sẫm, người đàn ông da ngăm đen hào hứng vẫy, gọi khách “Vào đây uống nước anh ơi, chỗ này sắp làm đường đẹp rồi, mấy nay cán bộ đến đo đường suốt thôi, muốn mua đất ở đâu em giới thiệu cho, có cả đất nông nghiệp, đầm tôm giá cực rẻ”.
Cũng theo người đàn ông này: Mấy ngày nay, nhiều người đến hỏi mua đất nên tôi mới dựng quán nước nhỏ. Mà cũng khá lắm, bán nước thôi nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vào còn hơn nghề đi biển, công việc chính của tôi. Riêng ngày cuối tuần, lượng người đến đông hơn, nên nhiều người trong thôn gửi lời, ai có nhu cầu mua đất thì giới thiệu giúp.
Đúng là làm giàu chỉ đến với những người biết tận dụng cơ hội, nhìn những lều quán nước lụp xụp, rồi đến quán ăn cũng không khá khẩm là bao tấp nập thế kia mới rõ sức hút của bất động sản ở địa phương này ghê gớm đến thế nào. Bến Giang là nơi bến đỗ của các loại tàu thuyền săn bắt thủy hải sản, nay cũng thưa thớt hơn bởi ngư dân còn đang chớp thời cơ mở bán các hàng hóa dịch vụ ăn theo cơn bão “sốt đất”.
Sau khi tiếp nhận đủ thông tin từ quán nước, đi qua bến Giang, một ngư dân lớn tuổi với làn da ngăm đen, khắc khổ tên N.V.G (62 tuổi), Bến Giang, phường Tân An, TX Quảng Yên đang cầm chiếc nón tả tơi quạt phầm phập vào người cố giảm độ nóng trên cơ thể trong cái nắng giữa trưa của ngày thời tiết chuyển mùa, ông ngồi đợi những người hào hứng đến đây có nhu cầu mua đất đầu tư. Cám dỗ của đồng tiền khiến ông quyết bán đầm tôm rộng gần 7ha với giá 11 tỷ đồng, ông sẵn sàng nhận cải tạo đất nếu người mua có yêu cầu.
“Đầm tôm này tôi sử dụng từ khi lập gia đình đến nay, nó cưu mang cả chục miệng ăn trong nhà, tiếc lắm nhưng vẫn phải bán đi thôi, nhưng nay trong nhà có chuyện, đúng thời điểm giá đất tăng cao nên tôi mới tranh thủ bán.
Các anh mua cứ để đấy mai sau kiểu gì cũng có lãi, tôi dám khẳng định, trong số đất đầm mà bà con gần đây bán, đất nhà tôi có giá trị nhất bởi nó nằm trong quy hoạch trục đường chính đi vào xã Hoàng Tân”, ông N.V.G nói.
Dọc quanh con đường độc đạo nối giữa phường Tân An đi vào địa phận xã Hoàng Tân, nhiều hộ gia đình vẫn giữ nguyên hoạt động, nuôi trồng săn bắt thủy hải sản.
Bởi lẽ, đây là nguồn thu nhập chính của họ. Nhưng những ngày này, nhiều hộ gia đình cũng bắt đầu để ý đến giá đất leo thang, nhiều người trong số họ cũng bắt đầu manh nha “gạ gẫm” người đổ về mua đất đến xem những thửa ruộng, đất nông nghiệp, thậm chí là cả đầm tôm trong nhà.
Một người phụ nữ khác tên N.T.S (52 tuổi) xã Hoàng Tân cũng bắt đầu để ý đến dòng người chỉ trỏ, ngó nghiêng những miếng đất nông nghiệp quanh thôn. Hễ cứ ai đến gần, bà B nói nhỏ “chú có mua đất đầm không, giá rẻ lắm, nhà tôi vừa bán 3ha đất đầm xong, còn khoảng 2ha, chú mua tôi bớt giá hơn chú hôm nọ nhé”.
Chưa để người khác hoài nghi về đầu tư có lãi tại những đầm tôm này, bà B đã nói rõ về gia cảnh khốn khó, dự định là giữ lại sản xuất, cực chẳng đã người nhà ốm đau mới phải bán.
Dễ mất trắng khi đầu tư mua đất nông nghiệp
Lời khẳng định của ông N.V.G là đúng sự thật, nhiều nông, ngư dân ở khu vực này đã bắt đầu chạy đua theo thị trường BĐS, người ít học thì gửi đất cho “cò” tư vấn khách hàng, sẵn sàng giao dịch ngay nếu được giá, bất kể là đất gì, từ đồng ruộng, nhà ở, cho đến những khu đầm tôm khang trang đã được đầu tư kỹ lưỡng. Còn người biết chữ thì đã trở thành chuyên gia tư vấn BĐS chuyên nghiệp.
Đáng nói, hai địa phương này ở TX Quảng Yên đã quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản theo từng mảng như: Vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm, cua, cá kết hợp (vùng nước mặn, lợ), vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, vùng nuôi nhuyễn thể, vùng nuôi hàu, vùng nuôi hà sú.
Trong quá trình triển khai quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, lãnh đạo TX Quảng Yên đã xác định được các chương trình trọng điểm gắn với những mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn.
Đa phần các hộ dân ở những vùng này của TX Quảng Yên sinh sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản.
Song, từ đầu năm tới nay, nhiều gia đình cũng bị cuốn vào vòng xoáy mua bán đất khi mỗi ngày có hàng trăm người từ khắp nơi tìm đến để hỏi mua đất số lượng lớn. Bởi lẽ, phường Tân An và một số địa phương khác được cho là nằm trong quy hoạch của siêu dự án 10 tỷ USD Hạ Long Xanh.
Dựa vào những ưu điểm nổi bật của đất nông nghiệp là nguồn cung phong phú, giá thành lại rẻ hơn hẳn đất thổ cư, từ đó giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư và việc tìm mua cũng dễ dàng hơn nhiều so với các loại hình khác.
Sức hấp dẫn của đất nông nghiệp còn nằm ở tiềm năng sinh lời lớn, bởi mảnh đất càng gần khu đông dân cư càng có tính thanh khoản cao, nếu xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thành công thì sẽ thu được món lời không nhỏ.
Đây chính là những lý do mà thời điểm này, nhiều người có ý định đầu tư cũng bắt đầu săn đón mua đất nông nghiệp ở TX Quảng Yên, tuy nhiên theo khuyến cáo, người có nhu cầu đầu tư vào BĐS không nên ham rẻ mà mua đất nông nghiệp. Càng không nên theo tâm lý đám đông mà vay nợ, buôn đất phần lớn bằng tiền vay ngân hàng.
Trên thực tế, nhiều trường hợp mua đất nông nghiệp để đón dự án mới trong khu đô thị nhưng vì một số lý do, quy hoạch đô thị vùng đó lại không diễn ra như kế hoạch sẽ khiến người đầu tư ở không được bán chẳng xong.
Đơn cử, như dự án của Tập đoàn FLC tại phường Hoành Bồ, xã Lê Lợi (TP Hạ Long), đơn vị này đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh dừng nghiên cứu, quy hoạch khiến nhiều người đầu tư đất nông nghiệp giá rẻ tại địa phương này “ngậm trái đắng”.
Còn nếu thửa đất nông nghiệp đó không thuộc khu vực được quy hoạch thành đất ở thì nhà đầu tư sẽ bị chôn vốn rất lâu, thậm chí phải chuyển hướng sang đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi hoặc cho thuê, chuyển nhượng với giá thấp. Còn nếu mảnh đất nông nghiệp nằm trong diện giải tỏa thì chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp, sẽ không có chuyện ăn lời như những gì cò đất “bánh vẽ” ra.
Nhìn những gương mặt khắc khổ, đen sạm của những người nông dân thuần túy, không ai tin những lời này là thật, thế nhưng xâu chuỗi lại các câu chuyện, tại sao với cùng một lý do mà hết hộ ông G đến bà B và thêm nhiều người khác ở xã Hoàng Tân sử dụng. Chỉ với một kịch bản đơn giản, nhiều nông dân ở đây chính thức trở thành “cò đất”.