Thời gian gần đây, cơn sốt bất động sản xuất hiện nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Bắc Giang, Bình Phước, Hà Nội, Bắc Ninh... Điều này đã làm dấy lên lo ngại về “bong bóng bất động sản” quay trở lại và nguy cơ khiến thị trường bất ổn.
Trong 2 tháng đầu năm, hiện tượng sốt đất cục bộ ở một số địa phương diễn biến hết sức phức tạp. Tại những khu vực có dự án hoặc thông tin về dự án, người mua - kẻ bán tấp nập như trảy hội đầu xuân.
Tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), giá đất ở các dự án đã tăng 200-300 triệu đồng/lô khoảng 80m2 so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Ở tỉnh Bắc Giang, theo một người môi giới nhà đất tại khu vực Lan Mẫu và Yên Sơn (huyện Lục Nam), giá đất khu vực này có nơi đã tăng nhiều lần so với trước đó, hiện được rao với mức 20-30 triệu đồng/m2, có lô được thổi giá lên tới 40 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, việc mua bán sang tay diễn ra rất nhanh để hưởng chênh lệch cả trăm triệu đồng/lô.
Đặc biệt, mới đây khi Hà Nội công bố Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, lập tức đất ở hai bờ sông Hồng có xu hướng "tăng nhiệt" theo ngày.
Nhiều khu đất tuy diện tích nhỏ nhưng có vị trí đẹp, sổ đỏ chính chủ, giá thường ở mức cao từ 30-40 triệu đồng/m2. Giá đất tại xung quanh Thạch Cầu (Long Biên) tăng thêm khoảng 3-5 triệu đồng/m2 so với năm ngoái.
Nhận định về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam thừa nhận, một hiện tượng mà ai cũng nhìn thấy đó là khắp nơi nhà đầu tư sôi sục săn lùng đất nền, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.
Xuất hiện tình trạng nhiều nơi người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.
Tại nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn…. xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Nhiều cò mồi thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc. Điều này khẳng định rằng, đây không phải lực lượng môi giới BĐS chuyên nghiệp đang hoạt động tại các sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp, uy tín.
Về nguyên nhân tăng giá đất, theo ông Đính, từ 01/01/2020, khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng 15-20%. Hiện nhu cầu về nhà ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án BĐS, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu. Đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh.
Lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất.
Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, giá đất tăng cao có 2 điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, giới đầu tư trong nước rất ưa rót vốn vào phân khúc phân lô, bán nền. Kể cả có sốt hay không, sốt ảo hay sốt thật, cũng đều thu hút một lượng lớn nhà đầu tư phong trào tham gia.
Thứ hai, hầu hết các cơn sốt đất có tốc độ tăng giá phi mã, tăng 300 - 400% chỉ trong vài tuần, chắc chắn đấy là sốt ảo. Đây chính là chiêu trò của các cò đất thổi giá tạo sóng. Do quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, giới đầu tư buộc phải đi tìm cơ hội khác ở các vùng ven, khiến giá đất vùng ven, ngoại ô bật tăng.
Để hạ nhiệt con sốt đất, theo các chuyên gia, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,.. đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luât.
Bên cạnh đó, cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất. Chính quyền cần cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.
Đồng thời, quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn. Quản lý sàn giao dịch và môi giới BĐS chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Điều cuối cùng, Nhà nước cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm BĐS để người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin.