Thông tin nhanh tại cuộc họp chia sẻ thông tin thiên tai khẩn cấp về bão số 3, sáng 9/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, cơn bão số 3 là cơn bão lịch sử đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam. Cơn bão đã tạo ra nhiều kỷ lục: Có sức gió mạnh nhất trên thế giới ghi nhận đến thời điểm này trong năm 2024; cơn bão tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão ở Việt Nam (trong 8 tiếng tăng lên 4 cấp từ cấp 12 lên cấp 16); thời gian hoành hành khi đổ bộ vào đất liền dài nhất (bão gần như đứng im hơn 5 tiếng đồng hồ khi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng)...
Thiệt hại do bão số 3 gây ra ngoài sức tưởng tượng. Khung cảnh tan hoang sau bão không khác gì những bộ phim bom tấn về chiến tranh.
Đến hiện tại (sáng 9/9) đã ghi nhận 24 người chết, 250 người bị thương. Hệ thống hạ tầng điện, viễn thông ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị đứt quãng, mới khôi phục được một phần. Các lực lượng đang nỗ lực khắc phục toàn bộ trong ngày hôm nay.
100% các nhà thấp tầng có mái tôn bị bay mái. Nhiều công sở, trường học, trạm y tế... bay mái. Số lượng cây xanh đô thị bị gãy đổ lớn (Hạ Long, Quảng Ninh 90%, Hà Nội 10% tổng số cây xanh bị đổ). Diện tích rừng bị ảnh hưởng, thiệt hại gần 1 triệu ha.
Về sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa thiệt hại gần 100.000ha, trong đó 20.000ha có nguy cơ mất trắng. Diện tích chuối thiệt hại 100%, cây ăn quả có múi cơ bản thiệt hại hết.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho hay, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là hoàn lưu cơn bão bắt đầu gây mưa ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chia cắt giao thông, liên lạc... Từ chiều ngày 8/9, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa lớn, có điểm mưa trong vòng 24h đã lên 700mm, đây là lượng mưa khủng khiếp từng ghi nhận. Một số tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên lượng mưa trong 1 ngày đã lớn gấp đôi bình quân tháng 9 của địa phương.
Về thiệt hại, tại Lào Cai có 5 người chết, 12 người bị thương; Hòa bình 4 người chết; Bát Xát (Lào Cai) vừa ghi nhận sạt lở đất làm mất tích 8 người...
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là mực nước tại các sông suối phía Bắc đang tăng lên mức báo động 3, nguy cơ gây ngập lụt cho vùng hạ du, báo động sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê điều.
“Vấn đề cấp bách trước mắt hiện nay là làm thế nào để người dân sớm ổn định lại nơi ở, không thiếu lương thực, học sinh nhanh chóng đến trường… Việc này rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và các tổ chức quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.