Tuy nhiên, số lượng nhiều loài cây gỗ quý hiếm tại đây đang giảm do tình trạng khai thác, cháy rừng, đốt nương làm rẫy… vẫn thường xuyên xảy ra. Vườn đang nỗ lực bảo tồn các nguồn gen thực vật quý hiếm.
Số loài cây gỗ quý giảm
Kết quả điều tra gần đây của VQG Cát Bà đã ghi nhận có 19 loài cây gỗ quý hiếm trên đảo Cát Bà. Trong đó có 17 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, 2 loài nằm trong Sách Đỏ thế giới năm 2007 (cây kim giao và cây sưa). So với số loài cây gỗ quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2003 (52 loài), số lượng loài cây gỗ quý hiếm đã bị giảm đi nhiều.
Trong số 19 loài cây quý hiếm hiện còn tồn tại, 6 loài có số lượng trên 1.000 cây là xương cá, cà ổi vọng phu, màu cau trắng, giổi xương, rẫm, kim giao. Các loài có số lượng dưới 250 cây là trám đen, rau sắng, trầm hương. Loài màu cau trắng có số lượng nhiều nhất với hơn 6.600 cây, trữ lượng gần 3.700 m3.Còn lại ít nhất là trầm hương, cả đảo Cát Bà chỉ còn 7 cây, trữ lượng chưa đến 1 m3.
Quần đảo Cát Bà là nơi có tầm quan trọng đặc biệt về bảo tồn đa dạng sinh học.Hệ sinh thái nơi đây chủ yếu là rừng nghèo trên núi đá vôi, mang nhiều tính đặc trưng của hệ sinh thái thực vật vùng đảo.
Do vậy, hệ thực vật trên đảo Cát Bà có nhiều tính đặc hữu và quý hiếm riêng biệt so với hệ thực vật trong đất liền. Thế nhưng, VQG Cát Bà đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vô giá này.
Nhiều mối đe dọa
Ở đảo Cát Bà, các loài thực vật có giá trị cao về sử dụng và kinh tế đã bị khai thác mạnh vào thời gian trước năm 1986, khi VQG Cát Bà còn là Lâm trường. Tình trang khai thác này diễn ra mạnh ở một số khu vực như xã Việt Hải, Gia Luận, trung tâm VQG Cát Bà… Kể từ khi thành lập VQG Cát Bà (năm 1986) đến nay, tình trạng khai thác giảm nhiều nhưng vẫn tương đối phức tạp.
Theo KS. Đỗ Xuân Thiệp, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cát Bà, mối tác động chính và nghiêm trọng nhất đối với các loài cây gỗ quý hiếm tại đảo Cát Bà là tình trạng khai thác gỗ, củi, cây cảnh. Người dân địa phương thường khai thác một số loài cây quý hiếm để lấy gỗ như giổi lông, giổi xương, lát hoa, gội nếp, màu cau trắng... Họ dùng gỗ quý này để làm nhà và đóng các đồ dùng trong gia đình như giường, tủ, bàn, ghế…
Những năm gần đây, với sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng nên tình trạng khai thác này xảy ra nhỏ lẻ và ít hơn. Nhưng tình trạng khai thác gỗ củi thì phức tạp hơn. Đa phần các hộ dân sống xung quanh vùng đệm VQG Cát Bà đều sử dụng nguồn đốt chính là củi. Mỗi năm, người dân trên đảo sử dụng 2.220 ster củi (tương đương hơn 1.500 m3).
Bên cạnh đó, một số cây gỗ quý hiếm cho lâm sản ngoài gỗ như rau sắng, trám đen, vương tùng… cũng bị người dân khai thác để phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, làm các vật dụng trong nhà…
Một số năm gần đây, ở Cát Bà còn xuất hiện tình trạng người dân vào rừng khai thác cây cảnh để bán, trong đó có cả những gốc cây của các cây gỗ quý hiếm. Hằng năm, cơ quan chức năng xử lý hàng chục vụ khai thác cây cảnh, tịch thunhiều gốc cây cảnh các loại.
KS. Đỗ Xuân Thiệp cũng cho biết, VQG Cát Bà có nhiều cửa ngõ để xâm nhập nên công tác phòng chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Vào mùa hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nơi đây thường rất cao. Hầu như năm nào cũng có cháy rừng, chủ yếu là do người dân địa phương gây nên. Bên cạnh đó, rừng Cát Bà mọc trên núi đá, nhiều trường hợp cháy rừng do sét đánh vào núi đá gây cháy. “Vì thế, nhiều khi giữa trời mưa mà lại có cháy rừng”, anh Thiệp kể.
VQG Cát Bà kiến nghị chính quyền và các cơ quan chức năng trước khi tiến hành phê duyệt các dự án nằm trong vùng lõi, vùng chuyển tiếp hay vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển, cần có những báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết và cần đặt giá trị bảo tồn đa dạng sinh học lên hàng đầu. |
Rừng tại đảo Cát Bà chủ yếu là rừng thứ sinh nghèo trên núi đá vôi. Sau khi cháy rừng, lớp thảm thực vật bị suy giảm nghiêm trọng hoặc mất đi, để khôi phục trở lại thành rừng thường rất lâu, có khi sẽ mãi mãi không phục hồi lại được trạng thái như cũ.
Không chỉ có nạn khai thác trái phép và cháy rừng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, đốt nương làm rẫy của người dân địa phương cũng góp phần làm giảm số lượng và trữ lượng của các loài cây gỗ quý hiếm. Những năm gần đây, sự gia tăng dân số trên đảo Cát Bà làm tăng nhu cầu sử dụng đất SX nông nghiệp, dẫn đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ồ ạt.
Bảo tồn
Công tác bảo tồn một số loài cây gỗ quý hiếm trên đảo Cát Bà gặp không ít khó khăn. Một số loài số lượng còn ít, khả năng ra hoa kết quả ít nên cây tái sinh tự nhiên bằng hạt kém. Vì thế, việc thu thập hạt giống, quả giống để thử nghiệm nhân giống và trồng mở rộng không hề dễ dàng. Thêm vào đó, trên địa hình núi đá vôi, ít đất như ở Cát Bà cũng rất khó để gây trồng các loài cây này.
Các loài cây gỗ quý hiếm tại Ao Ếch, khu vực ưu tiên bảo tồn của VQG Cát Bà
Tuy vậy, VQG Cát Bà đang có nhiều nỗ lực để bảo tồn các loài cây quý hiếm bằng nhiều biện pháp khác nhau. Cùng với việc tuần tra kiểm soát nghiêm ngặt, tăng cường phòng chống cháy rừng, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, Vườn đang đề xuất kế hoạch bảo tồn đối với từng loài cụ thể.
Có loài thì bảo tồn tại chỗ, tiến hành các biện pháp lâm sinh, có loài thì thử nghiệm gieo ươm, gây trồng… Từ đó, Vườn cung cấp giống và kỹ thuật gây trồng các loài cây gỗ quý hiếm cho người dân địa phương trồng tại khu đất rừng mà họ được giao khoán hoặc bán cho khách du lịch…
Một số loài cây quý có hình thái đẹp, tán rộng sẽ được trồng làm cây che bóng, cây cảnh quan ven đường như lát hoa, giổi lông, giổi lụa, re hương…Ngoài ra, các loài cây bản địa quý hiếm khác như gội nếp, chò đãi, lát hoa, màu cau trắng, trám đen… sẽ được sử dụng để trồng mới và nâng cao chất lượng rừng trồng.
VQG Cát Bà cũng đang đề nghị UBND thành phố Hải Phòng cho xây dựng hệ thống quản lý, bảo tồn cây gỗ quý hiếm bằng công nghệ GIS.