| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn đa dạng sinh học ở ‘nóc nhà’ Quảng Trị

Thứ Năm 12/12/2024 , 19:34 (GMT+7)

Đa dạng sinh học, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cần được khai thác hiệu quả gắn với việc bảo vệ hệ động thực vật.

Đa dạng sinh học bậc nhất Quảng Trị

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa được thành lập theo quyết định 479/QĐ-UBND ngày 14/3/2007 của UBND tỉnh Quảng Trị với diện tích tự nhiên gần 23,5 nghìn ha, bao gồm 5 xã phía bắc huyện Hướng Hóa, tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đây được coi là “nóc nhà” của Quảng Trị với đỉnh Sa Mù cao gần 1.600m, đỉnh Voi Mẹp cao gần 1.800m so với mực nước biển.

Hoạt động tái thả động vật rừng về với môi trường tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Hoạt động tái thả động vật rừng về với môi trường tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Nằm ở khu vực Trung Trường Sơn, phía tây của tỉnh Quảng Trị, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bắc Hướng Hóa có tính đa dạng sinh học đa dạng, phong phú và độc đáo. Đây là nơi giao thoa giữa các luồng thực vật Bắc-Nam, khu vực Đông Dương với độ che phủ rừng gần 93%, nhiều kiểu sinh cảnh, kiểu thảm thực vật, nhiều loài động vật quý hiếm.

Bài liên quan

Theo số liệu điều tra khảo sát, trong khu vực rừng của KBTTN Bắc Hướng Hóa có 1.327 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 158 họ. Trong đó có 195 loài nguy cấp, quý, hiếm như đỉnh tùng (Cephalotaxus manii), hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), bảy lá một hoa (Paris polyphylla), lan hài đài cuộn (Paphiopedilum appletonianum),…

Về động vật có 935 loài với 97 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, hệ thú 110 loài thuộc 30 họ, 10 bộ; 38 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 33 loài trong Sách đỏ thế giới (IUCN), 39 loài trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Các loài nguy cấp, quý hiếm như: thỏ vằn (Nesolagus timinsi), tê tê Java (Manis javanica), vượn siki (Nomascus siki), vọoc Hà Tĩnh (Trachypithecus hatinhensis), vọoc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus nemaeus), sơn dương (Naemorhedus sumatraensis)…

 Hệ chim có 208 loài thuộc 49 họ; 12 bộ; 8 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 11 loài trong Sách đỏ thế giới, 23 loài trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Các loài nguy cấp, quý hiếm như: Hồng hoàng (Buceros bicornis), niệc nâu (Anorrhinus austeni), gà lôi trắng (Lophura nycthemera), gà lôi hông tía (Lophura diardi), gà tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum), trĩ sao (Rheinardia ocellata),….

Hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Hệ bò sát ếch nhái có 81 loài, 56 giống, 18 họ và 3 bộ. Cá 33 loài thuộc 28 giống, 17 họ, 6 bộ. Trong đó, cá chình hoa (Anguilla marmorata) nằm trong Sách đỏ Việt Nam, thế giới cần được ưu tiên bảo vệ. Côn trùng có 503 loài, 109 họ, 16 bộ; 3 loài nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, danh lục đỏ thế giới IUCN và Nghị định 84/2021/NĐ-CP là bướm phượng cánh đuôi nheo (Lamproptera curius), bướm phượng cánh chim chấm liền (Troides helena), bọ hung ba sừng (Chalcosoma atlas).

Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, bảo tồn đa dạng sinh học

Những năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do tổ chức USAID tài trợ, KBTTN Bắc Hướng Hóa đã phối hợp với WWF Việt Nam triển khai các hoạt động đặt máy bẫy ảnh điều tra nhằm phát hiện các loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt là chương trình “Khảo sát sao la bằng máy bẫy ảnh và ADN môi trường” thuộc dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”.

Các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Trong các năm 2021, 2022, KBTTN Bắc Hướng Hóa đã sử dụng 80 bẫy ảnh điều tra, giám sát một số loài thú, chim nguy cấp, quý, hiếm. Kết quả đã ghi nhận được những hình ảnh, thước phim cụ thể, sinh động của 32 loài (18 loài thú, 14 loài chim). Trong đó có 11 loài có tên trong Sách đỏ thế giới, 18 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 11 loài có tên trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP. Cả 32 loài trên đều có tên trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Các loài ghi nhận như: Chà vá chân nâu, thỏ vằn, tê tê java, sơn dương, gà lôi trắng, gà lôi hông tía,... Hoạt động điều tra đã bổ sung 2 loài chim nguy cấp, quý hiếm là gà so họng hung - Arborophila rufogularis (Blyth, 1850) và khướu má hung - Garrulax castanotis (Ogilvie - Grant, 1899).

Điểm đến hấp dẫn của các hoạt động du lịch trải nghiệm

Huyện Hướng Hoá có địa hình là vùng núi thấp ở phía nam của dải Trường Sơn Bắc với các dãy núi cao trên 1000 m chạy theo hướng tây bắc- đông nam dọc ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Về phía Quảng Trị có địa hình nâng cao hơn, chia cắt mạnh, độ dốc cao phổ biến từ 15-25 độ. Khí hậu có đặc trưng riêng của một tiểu vùng giao thoa khí hậu nhiệt đới gió mùa và khí hậu lục địa trên đỉnh Trường Sơn. Trên địa bàn có một sông lớn, nhiều sông suối nhỏ và các hồ, đập. Thảm thực vật tự nhiên còn nguyên sinh với nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có nhiều cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có nhiều cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Đặc điểm trên đã tạo cho khu vực Bắc Hướng Hoá những cảnh quan thiên nhiên độc đáo gồm rừng núi, sông suối với nhiều thác nước và hang động kỳ vĩ.

Khu vực đèo Sa Mù có cảnh quan đẹp, thời tiết mát ở độ cao từ 1.000m-1.570m so với mặt nước biển, có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tham quan vườn thực vật, du lịch sinh thái. Trên đỉnh đèo Sa Mù du khách có thể cắm trại nghỉ ngơi, ăn trưa, tham gia các hoạt động khám phá; ngắm cảnh từ đỉnh cao, tham gia tìm hiểu về các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Hang động Trỉa với nhiều thạch nhũ hình thù đặc biệt, đẹp mắt; có thể ngắm trực tiếp vọoc Hà Tĩnh, vọoc chà vá chân nâu,…

Tại các đỉnh Pa Thiên – Voi Mẹp, du khách có thể tham quan, tìm hiểu sự thay đổi sinh cảnh; ngắm nhìn, chụp ảnh và trải nghiệm thiên nhiên tại các con suối dọc; cắm trại nghỉ ngơi, ăn trưa, tham gia các hoạt động khám phá và diễn giải về thiên nhiên; ngắm cảnh từ đỉnh cao, tham gia tìm hiểu về các hệ sinh thái rừng tự nhiên trên đỉnh cao…

Ngoài việc đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, du khách có thể thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Bru Vân Kiều như gà bản, cơm lam, nếp than, cá suối, măng rừng, rau rừng,…. cùng với các loại nước chấm, muối đặc biệt của người dân địa phương.

Đây là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động du lịch trải nghiệm. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Đây là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động du lịch trải nghiệm. Ảnh: KBTTN Bắc Hướng Hóa.

Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc BQL KBTTN Bắc Hướng Hóa cho biết, khu bảo tồn có rất nhiều tiềm năng về du lịch và hiện nay đơn vị đang xây dựng đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong KBTTN Bắc Hướng Hóa kết hợp với thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững nhằm quản lý, sử dụng, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có ngày càng bền vững hơn.

Đủ điều kiện chuyển loại thành Vườn quốc gia

Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, vai trò phòng hộ đầu nguồn, việc chuyển loại KBTTN Bắc Hướng Hóa thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 và Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết. Đây là tiền đề giúp tỉnh Quảng Trị nói chung và KBT nói riêng thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học hiện có; góp phần quan trọng trong chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.