| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ Năm 23/11/2023 , 16:46 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Thiếu biên chế, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn. Ứng dụng công nghệ sẽ góp phần trả lại sự bình yên cho những cánh rừng.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được giao bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho gần 22,8 nghìn ha rừng đặc dụng.

Dựa vào dân để quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học là biện pháp hữu hiệu tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Dựa vào dân để quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học là biện pháp hữu hiệu tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

10 tháng đầu năm 2023, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thiếu biên chế. Công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa bàn chỉ có 14 viên chức trực tiếp bảo vệ gần 23,5 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, không có hạt kiểm lâm khu bảo tồn nên việc tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc để ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng gặp nhiều khó khăn.

Bài liên quan

Tại miền Trung, vào mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng luôn hiện hữu. Trong điều kiện địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, xa dân cư, một số khu vực không có sóng điện thoại, nạn khai thác gỗ và lâm sản trái phép luôn tiềm ẩn.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, phương án điều chỉnh ranh giới sau quy hoạch ba loại rừng chưa triển khai. Việc bàn giao đất về địa phương chưa thực hiện ảnh hưởng đến công tác quản lý ranh giới, quản lý tình trạng sản xuất nương rẫy của người dân trên địa bàn.

Người dân vùng đệm chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Các phong tục tập quán như phát rừng, đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra. Muốn bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng, không còn cách nào khác là phải dựa vào dân. Tuy nhiên, nguồn nhân lực và tài chính đầu tư cho người dân vùng đệm của khu bảo tồn còn hạn chế.

Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho hay, trước thực trạng trên, đơn vị phải bố trí lực lượng thường trực tại 14 lán chốt chặn bảo vệ rừng. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị tổ chức gần 350 đợt tuần tra, kiểm tra rừng trên 1 nghìn lượt người tham gia; gần 30 đợt tuần tra dài ngày với trên 160 lượt người tham gia tại các vùng trọng điểm xâm hại rừng, khu vực bảo vệ vật chứng.

Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng tại một điểm dừng chân. Ảnh: Võ Dũng.

Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng tại một điểm dừng chân. Ảnh: Võ Dũng.

Qua tuần tra, lực lượng tuần tra bảo vệ rừng đã tháo gỡ và phá hủy 192 bẫy động vật rừng; đẩy đuổi 19 người dự định vào rừng khai thác lâm sản phụ; không phát hiện tình trạng xâm hại tài nguyên rừng; số gỗ là vật chứng vi phạm được bảo quản nguyên vẹn.

Hiện tại ban đang chỉ đạo các Trạm quản lý bảo vệ rừng phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục rà soát nương rẫy của người dân trong khu bảo tồn để có cơ sở đề xuất phương án xử lý.

Khoán bảo vệ rừng, đảm bảo nguồn chi ngân sách đến tận tay người dân sớm nhất cũng là một phương án giúp công tác bảo vệ rừng được tốt hơn. Tính đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã khoán bảo vệ gần 4,6 nghìn ha rừng tự nhiên đặc dụng cho 93 hộ dân trên tại 4 xã của huyện Hướng Hóa; khoán bảo vệ gần 1,4 nghìn ha rừng trong lưu vực thuỷ điện Rào Quán cho 50 người/6 nhóm hộ tại 2 xã Hướng Sơn và Hướng Linh; tạm ứng trên 900 triệu đồng đồng qua tài khoản ngân hàng cho người dân.

Ứng dụng công nghệ sẽ góp phần trả lại sự bình yên cho những cánh rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Ứng dụng công nghệ sẽ góp phần trả lại sự bình yên cho những cánh rừng. Ảnh: Võ Dũng.

Ban cũng đã hoàn thiện việc thanh toán kinh phí khoán bảo vệ rừng năm 2021 bổ sung đợt 2 cho 82 hộ dân và đồn biên phòng Hướng Lập với kinh phí trên 970 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng.

Ông Hoan cho biết thêm, hiện ban đã triển khai xây dựng quy chế và ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ rừng. Công cụ Smart góp phần rất tích cực trong công tác tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa đạng sinh học. Đến nay, hơn 200 dữ liệu tuần tra rừng của các Trạm QLBVR được quản lý trên ứng dụng Smart. Đơn vị đã mua sắm và trang cấp 13 tài khoản vTools survey pro cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm biến động tài nguyên rừng. Đây sẽ là những yếu tố rất quan trọng góp phần trả lại sự bình yên cho những cánh rừng trong khu bảo tồn.

Ứng dụng công nghệ đi đôi với công tác phối hợp, tuyên truyền

“Công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ rừng. Giữ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng cần dựa vào dân. Ban cũng đã làm việc với các cấp chính quyền, đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn, hạt kiểm lâm ký kết quy chế phối hợp để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn”, ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.