| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn giống gà Lạc Thủy

Thứ Sáu 28/11/2014 , 10:10 (GMT+7)

Qua điều tra, khảo sát nghề chăn nuôi gà tại một số xã thuộc huyện miền núi Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, các chuyên gia của Viện Chăn nuôi đã phát hiện một nguồn gen gà ri bản địa quý hiếm

Giống gà này được tạm đặt tên là Lạc Thủy.

Đây là giống gà có mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao, cần được bảo tồn và nhân giống để phục vụ chương trình phát triển ngành chăn nuôi gia cầm của địa phương theo hướng SX hàng hóa.

Từ tháng 8/2013 đến tháng 11/2014, Trung tâm Thực nghiệm & bảo tồn vật nuôi, Bộ môn Động vật quý hiếm & đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi) đã tiến hành điều tra, nghiên cứu thực tế giống gà Lạc Thủy tại 50 hộ của các xã Phú Thành, An Bình, An Lạc, Phú Lão (huyện Lạc Thủy), đồng thời tiến hành  nuôi bảo tồn tại Viện Chăn nuôi nhằm duy trì nguồn gen.

Báo cáo của đề tài khoa học “Nghiên cứu nhân thuần, chọn lọc và bảo tồn nguồn gen gà Lạc Thủy” được giới thiệu trong buổi hội thảo “Giới thiệu giống gà Lạc Thủy và tiềm năng phát triển” do Sở KH-CN Hòa Bình phối hợp với Viện Chăn nuôi vừa tổ chức nêu rõ: "Giống gà Lạc Thủy đáp ứng 3 tiêu chí nghiên cứu của đề tài là mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, kỹ thuật dễ nuôi, có mức đầu tư vừa phải và có thể nuôi được thành hàng hoá…  

Kết quả khảo sát thực tế tại các hộ gia đình tham gia mô hình và tại Viện Chăn nuôi cho thấy, gà Lạc Thủy có khả năng chống chịu bệnh, thời tiết khí hậu, nhất là vào mùa lạnh khá tốt, dễ nuôi, lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng nên giá bán cao gấp 1,5 - 2 lần so với các giống gà thường, cho hiệu quả kinh tế rất cao".

Sắp tới nhóm đề tài sẽ đề nghị Hội đồng KH-CN tỉnh Hòa Bình công nhận và đặt tên chính thức cho giống, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy trình công nghệ về nhân giống và chăn nuôi để chuyển giao rộng rãi cho bà con có nhu cầu trong vùng và các địa phương khác mở rộng SX.

Theo các nhà khoa học, đây là giống gà ri bản địa có từ lâu đời tại xã Phú Thành (Lạc Thuỷ) và xã An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội), đang được nuôi phổ biến ở huyện Lạc Thủy. 

Gà trưởng thành có ngoại hình gần giống gà Mía (TX Sơn Tây, Hà Nội). Tuy nhiên, gà Lạc Thủy chân nhỏ, hơi cao, da chân màu vàng, da thịt vàng, mào đơn, con mái nặng trung bình quân 1,5 kg, con trống lớn hơn, khoảng 2 kg/con.

Ngoại hình gà Lạc Thủy đồng nhất, gà con một ngày tuổi có lông màu trắng ngà, khi trưởng thành quần thể gà có màu lông giống nhau. Con mái màu lá chuối khô, con trống có màu đỏ mận chín, rất thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhất là vào các dịp lễ, tết nên dễ tiêu thụ.

Thời gian nuôi gà thịt khoảng 4 - 4,5 tháng, tỷ lệ sống khoảng 90 - 93%, tỷ lệ tiêu tốn khoảng 3,3 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng. Gà Lạc Thủy mọc lông sớm và nhanh nên có khả năng thích nghi và chống chịu thời tiết tốt, thích hợp nuôi cả 4 mùa trong năm.

Có thể chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt, bán chăn thả, thích hợp với quy mô hộ gia đình, trang trại và bán trang trại.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.