| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn giống gà Tiên Yên

Thứ Tư 30/10/2013 , 10:50 (GMT+7)

Đến với Tiên Yên (Quảng Ninh), ai cũng ao ước một lần được thưởng thức món thịt gà đã nổi tiếng từ lâu bởi thịt gà Tiên Yên có mùi vị thơm ngọt đặc biệt...

Đến với Tiên Yên (Quảng Ninh), ai cũng ao ước một lần được thưởng thức món thịt gà đã nổi tiếng từ lâu bởi thịt gà Tiên Yên có mùi vị thơm ngọt đặc biệt, da gà Tiên Yên không chỉ vàng mọng như thoa nghệ mà còn rất dày, khi thưởng thức có cảm giác rất giòn và vị ngọt lan tỏa khó quên.

Nhưng ít ai biết rằng để bảo tồn và phát triển giống gà quý này, ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Tài Tùng, xã Yên Than (Tiên Yên) đã phải khổ công như thế nào.

Trước đây khi tỉnh Quảng Ninh chưa có chủ trương xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương thì phương thức chăn thả gà Tiên Yên của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đồng thời, việc chăn thả tự phát dẫn tới nguy cơ mai một giống gà là rất lớn.


Ông Bình giới thiệu máy ấp trứng gà Tiên Yên

Ông Bình cho biết, trước thực trạng như vậy, ông đã có trăn trở suy nghĩ, tại sao giống gà quê mình có giá trị cao như vậy lại không ai đầu tư để bảo tồn và phát triển.

Đưa ý tưởng ra để bàn với gia đình, những tưởng vợ con sẽ ủng hộ nhưng cả nhà tập trung phản đối kịch liệt cho rằng không khả thi. Nhưng với quyết tâm và trách nhiệm bảo tồn giống gà quê hương, bỏ qua phản đối từ gia đình, ông đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình.

Ông Bình đến từng thôn bản, vào từng hộ gia đình để gom góp, lựa chọn những con gà Tiên Yên tốt nhất đem về nhân giống. Sau bao ngày lặn lội vất vả, ông đã thu gom được 600 con gà mái và 60 con gà trống. Gà đẻ lứa trứng đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên khi đưa 600 quả trứng vào máy ấp thì trứng bị hỏng mất một nửa. Khi đưa gà vào úm, gà tiếp tục chết gần hết.

Rút kinh nghiệm từ bài học thất bại đầu tiên là do chưa nắm chắc kiến thức khoa học kỹ thuật, nhiều hôm ông đã phải thức trắng đêm vào các trang mạng hướng dẫn chăn nuôi gà để nghiên cứu; thậm chí ông đã phải cất công lên tận tỉnh Bắc Giang để học tập kỹ thuật và học cách thức quản lý trang trại từ các mô hình nuôi gà nổi tiếng của tỉnh bạn.

Khi gà chết vì bệnh dịch, ông lại cất công vào tận Chi cục Thú y tỉnh để học hỏi cách thức phòng dịch cho gà. Ông Bình kể: "Học không bằng hành, tôi chạy ra chợ Hạ Long mua 1 con gà còn sống, sau đó đem đến Chi cục Thú y nhờ các kỹ sư hướng dẫn cách tiêm phòng dịch cho gà bằng cách thực hành ngay trên chính con gà tôi mua ở chợ, nhờ vậy bây giờ tôi có thể tự tiêm gà một cách thuần thục như một chuyên gia thực thụ".

Với tâm huyết và công sức bỏ ra, đến nay ông đã xuất chuồng 13 nghìn con gà giống đã được tiêm phòng dịch cẩn thận cho các hộ nuôi thương phẩm trên địa bàn, được bà con đánh giá cao về chất lượng.

Với giá bán hiện nay mỗi con giống có giá từ 40- 50 nghìn đồng, trừ chi phí cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với số thu đầu ban đầu từ gà giống, ông quay lại đầu tư xây chuồng để nuôi thương phẩm, đến nay trang trại của ông đã phát triển lên 1,2 nghìn con gà mái đẻ và trên 2 nghìn con gà thương phẩm. Với giá hiện nay từ 180 - 200 nghìn đồng/kg, mỗi năm cũng cho nguồn thu đáng kể.

Chia sẻ về dự định trong năm tới, ông Bình cho biết, trang trại của ông sẻ mở rộng thêm 2 nghìn con gà mái đẻ, duy trì thường xuyên 4 nghìn con gà thương phẩm, phấn đấu mỗi năm cung ứng ra thị trường 30 nghìn gà giống.

Ngoài ra, ông dự định sẽ liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện để hình thành lên chuỗi các trang trại vệ tinh chuyên sản xuất gà thương phẩm với số lượng lớn. Đặc biệt nếu được sự hỗ trợ vay vốn của ngân hàng, ông sẽ đầu tư xây dựng cửa hàng tại trung tâm huyện để giới thiệu thương hiệu gà Tiên Yên và làm đầu mối tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn toàn huyện.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.