19 tuyến đê có tầm quan trọng đặc biệt
Hải Dương có mật độ sông khá dày đặc bao gồm hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc với tổng số 19 tuyến đê có chiều dài xấp xỉ 374 km, 75 tuyến kè và 09 bờ lở, 279 cống dưới đê. Trong đó, đê từ cấp III trở lên có chiều dài xấp xỉ 256 km, 54 tuyến kè, 8 bờ lở, 151 cống dưới đê. Đê dưới cấp III có chiều dài xấp xỉ 118 km, 21 tuyến kè và 1 bờ lở, 128 cống dưới đê. Ngoài ra, Hải Dương còn có 8 tuyến đê bối, dài 28,81km, bảo vệ 1.104,64 ha đất bãi sông.
Tuyến đê qua địa phận huyện Thanh Miện thường xuyên được cải tạo nâng cấp, kết hợp làm đường giao thông |
Hải Dương có thể xảy ra 19/21 loại hình thiên tai (trừ 2 loại hình: sương mù trên biển và sóng thần). Trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất.
Ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão (QLĐĐ&PCLB) Hải Dương cho biết: Với mật độ sông ngòi dày đặc, chiều dài các tuyến sông có đê lớn, dưới tác động của của thời tiết ngày càng cực đoan với nhiều loại hình thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh. Vì vậy hệ thống đê điều có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh. Ngoài tác dụng chính là ngăn lũ bảo vệ cho các vùng dân sinh, kinh tế, hệ thống đê điều còn góp phần không nhỏ vào việc kết nối giao thông giữa các vùng trong tỉnh, liên tỉnh; tạo ra một vùng đất bãi sông trù phú thuận lợi cho phát triển nông nghiệp cũng như phát triển các loại hình kinh tế khác, phát triển đời sống của nhân dân.
Đi tiên phong
Năm 2013, Sở NN-PTNT, Chi cục QLĐĐ&PCLB đã chỉ đạo các Hạt Quản lý đê tham mưu cho chính quyền địa phương lựa chọn, đăng ký với Sở NN-PTNT xây dựng ít nhất 1 tuyến đê kiểu mẫu trên địa bàn. Sở đã ban hành quy định tạm thời tiêu chí xây dựng tuyến đê kiểu mẫu giai đoạn 2013 - 2015 và phê duyệt danh sách đăng ký xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu làm cơ sở để các đơn vị thực hiện. Hướng dẫn Hạt Quản lý đê các huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nội dung công việc liên quan đến xây dựng tuyến đê kiểu mẫu.
Một số đoạn chất lượng đường trên mặt đê đã xấu đi |
“Trong thời gian qua, các Hạt Quản lý đê đã góp phần rất lớn trong công tác quản lý đê điều và phòng chống lụt bão. Kiểm soát viên đê điều đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Khi phát hiện thấy có hành vi vi phạm, Kiểm soát viên đê điều của các Hạt Quản lý đê nghiêm chỉnh ban hành quyết định tạm đình chỉ, có văn bản báo cáo, kiến nghị các cấp chính quyền xử lý theo đúng quy chế phối hợp đã ban hành. Trong 3 năm gần nhất, Hạt Quản lý đê đã tham mưu chính quyền địa phương xử phạt 933,5 triệu đồng”, ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ&PCLB Hải Dương nhấn mạnh. |
Năm 2016, hưởng ứng phong trào do Bộ NN-PTNT phát động, Sở NN-PTNT Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào xây dựng đê kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Các Hạt Quản lý đê đăng ký xây dựng “Hạt quản lý đê điển hình” và tuyến đê đăng ký xây dựng “Tuyến đê kiểu mẫu”:
Ngay sau khi đăng ký, các Hạt Quản lý đê đã chủ động phối hợp với UBND các xã ven đê, tranh thủ sự chỉ đạo của UBND cấp huyện tích cực triển khai xây dựng “Tuyến đê kiểu mẫu” và “Hạt quản lý đê điển hình” theo kế hoạch chi tiết đã lập. Hầu hết các Hạt Quản lý đê tập trung hoàn thiện các tiêu chí về công tác quản lý, tiêu chí cán bộ, tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ; rà soát các tiêu chí về công trình và hạ tầng để tranh thủ, đề xuất đầu tư từ mọi nguồn vốn (vốn huyện, vốn tỉnh, vốn TW, vốn xã hội hóa). Những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong phong trào đã được cấp có thẩm quyền khen thưởng…
Nhiệm vụ cấp bách
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương cũng như Sở NN-PTNT luôn coi công tác quản lý, bảo vệ đê điều, quản lý sử dụng lòng sông, bãi sông là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Sở NN-PTNT phối hợp cùng các sở, ban, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, quy định
UBND tỉnh đã chỉ đạo lập, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ làm cơ sở cho các hoạt động bãi sông thực hiện có nề nếp, theo đúng quy định; Hàng năm xây dựng các kế hoạch hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm; chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là UBND các xã, phường, thị trấn ven đê tổ chức lực lượng lao động tại địa phương phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ.
Cùng đó, UBND tỉnh, UBND cấp huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khai thác cát trái phép, các đoàn liên ngành xử lý khai thác cát trái phép, xử lý vi phạm luật đê điều; ban hành chỉ thị, thông báo chỉ đạo việc quản lý, xử lý vi phạm pháp luật đê điều; Công an tỉnh đã tham mưu, lập, trình phê duyệt để các ngành, các địa phương thực hiện đề án xử lý khai thác cát trái phép và vi phạm bến bãi.
Sở NN-PTNT đã tham mưu, lập, trình UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Quy chế phối hợp trong phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn tỉnh” làm cơ sở pháp lý để các ngành, các địa phương thêm chế tài phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT phối hợp với Công an tỉnh, Sở TN-MT, Sở Công thương thành lập nhiều đoàn kiểm tra các hoạt động liên quan đến đê điều để xử lý các vi phạm liên ngành nhằm đưa các hoạt động ngoài bãi sông, trong hành lang đê điều theo đúng quy định của pháp luật. Tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo chung, văn bản kiến nghị, đôn đốc xử lý vi phạm, văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật. Tổ chức thực hiện xây dựng tuyến đê kiểu mẫu để làm tốt hơn công tác quản lý đê điều...
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Hải Dương sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng công an các cấp trong công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều theo nhiệm vụ được quy định tại Luật Đê điều và Quy chế phối hợp trong phòng ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, đoàn liên ngành cấp huyện tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống, xử lý khai thác cát trái phép theo đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa vi phạm mới phát sinh. Các cấp uỷ Đảng, UBND các cấp có đê cần quan tâm xử lý vi phạm, phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê cấp huyện để kịp thời xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Xác định rõ UBND các huyện, thành phố, thị xã, các xã (phường) phải có trách nhiệm quản lý, xử lý các vi phạm pháp luật đê điều trên địa giới hành chính của mình quản lý (theo Điều 43 Luật Đê điều, quy chế phối hợp và chỉ thị của UBND tỉnh), lực lượng quản lý đê chuyên trách có nhiệm vụ phát hiện, lập biên bản, ra quyết định tạm đình chỉ và kiến nghị các cấp chính quyền xử lý (Điều 38 Luật Đê điều). |