Thả 1 triệu con giống xuống sông Hồng tái tạo nguồn lợi thủy sản
Ngày 1/4/2023, nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày thủy sản (1/4/1959), Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Nam Định thả 1 triệu con giống tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 36 về Kinh tế biển, chiến lược thủy sản và quy hoạch ngành đang được Tổng cục Thủy sản triển khai. Đặc biệt, ngành thủy sản đang xây dựng đề án tăng diện tích bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản lên 6% vào năm 2030.
Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Công tác bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản, được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ đã và đang góp phần quan trọng vào việc khôi phục nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác cạn kiệt, đặc biệt là tái tạo, phục hồi các loại thủy sản nguy cấp, quý hiếm”.
Hằng năm, công tác thả giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương trên cả nước thực hiện như là một nét văn hóa tâm linh của người Việt, tập trung vào những ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4), ngày Môi trường Thế giới, ngày Vu lan, Phật đản, Tết ông Công ông Táo.
Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân, thu hút các thành phần trong xã hội tham gia, giảm thiểu phát tán những loại thủy sản xâm hại ra ngoài môi trường tự nhiên, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Năm 2022, trên phạm vi cả nước đã tổ chức thả vào các thủy vực tự nhiên trên 53 triệu con giống và trên 150 tấn giống thủy sản các loại. Trong đó, có nhiều loại thủy sản nguy cấp, quý hiếm có giá trị kinh tế cao, từ đó tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Đặc biệt, Tổng cục Thủy sản đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 – 2025 và tài liệu hướng dẫn thả giống tái tạo cũng như hướng dẫn chỉ đạo các địa phương tổ chức, thực hiện.
Ông Luân nhận định, những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận và có sự đóng góp lớn của tỉnh Nam Định trong những năm vừa qua. Sở NN-PTNT Nam Định đã triển khai thực hiện rất hiệu quả biên bản ghi nhớ hợp tác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực phóng sinh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã góp phần tái tạo phục hồi các loại thủy sản có giá trị kinh tế, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ, quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác nhằm phát triển thủy sản bền vững.
Nhân kỷ niệm 64 năm ngành Thủy sản Việt Nam, tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, ông Luân kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cùng đóng góp, phục hồi các loại nguồn lợi thủy sản, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống, không sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản, đánh bắt cá con, sử dụng giá cào để đánh bắt ở vùng ven bờ.
Cũng nhân dịp này, ông Luân đề nghị phát động phong trào bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các tổ chức cá nhân trong và ngoài ngành Thủy sản, toàn thể nhân dân cùng chung tay bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản vì thế hệ mai sau.
Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Tại buổi lễ, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định bày tỏ sự vui mừng khi được phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức Lễ phát động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả giống, phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản.
Theo ông Dũng, Nam Định có diện tích đất tự nhiên gần 1.700 km, trong đó đất nuôi trồng thủy sản là 17.000 ha, có 72 km bờ biển với hệ sinh thái bãi bồi ven biển đa dạng, phong phú. Vì thế, Nam Định có nhiều tiềm năng để phát triển ngành thủy sản bền vững hiệu quả, tăng trưởng hằng năm của ngành thủy sản luôn đạt trên 4,5%, Riêng năm 2022, tổng sản lượng thủy sản là 187.318 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 11.120 tỷ đồng, chiếm 31,5% cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng 6,9% so với năm 2021, đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân trong tỉnh.
Ông Dũng cho biết, trong những năm gần đây đang bị suy giảm, nguyên nhân chính là do môi trường ngày càng ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và ý thức của ngư dân vẫn còn hạn chế, còn có tình trạng khai thác quá mức, sử dụng phương pháp khai thác mang tính hủy diệt, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định diễn ra ở một số nơi.
Chính vì vậy, đề phát triển ngành thủy sản bền vững, tỉnh Nam Định đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách, định hướng về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, hàng năm đều tổ chức Tháng hành động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm tạo chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động các tầng lớp nhân dân có những hành động thiết thực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đã được cộng đồng hưởng ứng tích cực.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Dũng yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, các huyện, thành phố triển khai Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phối hợp với các cơ quan thông tấn để tang cường tuyên truyền về tháng hành động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.