| Hotline: 0983.970.780

Bấp bênh thị trường tôm thẻ chân trắng

Thứ Năm 16/10/2014 , 08:25 (GMT+7)

Người dân nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đang hết sức lo lắng trước tình hình giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, nhất là tôm thẻ chân trắng.

Được biết, ngay sau khi Mỹ công bố lệnh chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam, đồng loạt các DN trên địa bàn các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu giảm giá thu mua tôm, làm biến động thị trường mạnh.

Đặc biệt, giá tôm thẻ chân trắng tính đến thời điểm hiện tại giảm trung bình từ 15 – 20 ngàn đồng/kg tùy loại. Ở Cà Mau, hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con giá 100 ngàn đồng/kg, loại 70 con giá 120 ngàn đồng/kg. Giá tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng chênh lệch không đáng kể.

Anh Nguyễn Văn Nhàn ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) không giấu được sự lo lắng nói: Với giá tôm này hiện nay người nuôi không lỗ, nhưng lãi không đáng kể, tính ra trong khoảng 10 ngày mà mỗi tấn tôm chúng tôi mất gần 20 triệu đồng chứ đâu ít. “Giá mà xuống nữa thì chết dân nuôi tôm”.

Ông Trần Thanh Xuyên, một hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân (Cà Mau), nói: “Không biết sao mà giá tôm thẻ chân trắng bấp bênh quá. Cách đây 3 – 4 tháng giá giảm tới đáy chỉ còn khoảng 80 ngàn đồng/kg loại 100 con, mới tăng giá lên được gần 120 ngàn đồng/kg, chúng tôi đang mừng thầm thì lại tiếp tục rớt giá”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Diệp Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau nói: Nguyên nhân tôm giảm giá một phần là do thuế chống phá giá từ phía Mỹ nên các DN chế biến thuỷ sản đã chủ động giảm giá mua vào.

Thêm vào đó, trong khu vực ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng đang bước vào vụ thu hoạch chính nên áp lực sản lượng lên các nhà máy chế biến rất cao.

Người nuôi tôm sợ giá tiếp tục bị giảm nên ào ạt thu hoạch tôm, làm cho sản lượng thu hoạch vượt công suất chế biến của các nhà máy. Nếu kéo dài tình trạng này thì các DN sẽ còn tiếp tục giảm giá.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, nguyên nhân trực tiếp làm tôm giảm giá chính là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam NK vào Mỹ. Còn nguyên nhân gián tiếp đẩy giá tôm xuống vực là tình hình bùng phát nuôi tôm ngoài quy hoạch, dẫn đến nguồn cung vượt quá giới hạn.

Một số ý kiến khác cho rằng, lệnh chống bán phá giá của Mỹ không thể làm giá tôm giảm trầm trọng như hiện nay. Tất cả chỉ là cái cớ của các DN, họ tận dụng cơ này đưa mức giá xuống thấp nhất có thể.

Theo đánh giá của người dân, giá tôm giảm tới mức này là do DN và bộ phận thương lái thu mua ép giá để trục lợi, lệnh cấm bán phá giá của Mỹ không thể làm giá tôm giảm hơn 10% giá trị so với cách đây chưa đầy 1 tháng.

Từ những thông tin về tình hình giá tôm biến động mạnh, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau khuyến cáo, người nuôi tôm nên bình tĩnh, theo dõi tình hình thị trường, không thu hoạch tôm trong thời điểm hiện nay, nhằm giảm áp lực sản xuất lên các nhà máy chế biến, có như vậy giá tôm trong thời gian tới mới tăng trở lại.

Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau cho biết thêm, diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh đã tăng lên gần 8 ngàn ha, chủ yếu người dân nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở các huyện Đầm Dơi (gần 2.700 ha), Phú Tân (hơn 1.900), Cái Nước (1.500 ha). Tính từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp của Cà Mau đã tăng hơn 2 ngàn ha.

Tại Bạc Liêu diện tích nuôi tôm công nghiệp cũng tăng đột biến lên hơn 10 ngàn ha, vượt gấp 10 lần kế hoạch, tập trung tại huyện Phước Long, với diện tích khoảng 5.000 ha. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phàn khiến giá tôm giảm, nhất là tôm thẻ chân trắng.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm