| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 10/04/2024 , 10:39 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 10:39 - 10/04/2024

Bất an trên đống tiền

Mỗi ngày, vợ tôi nhận được trên chục cuộc điện thoại lạ gọi tới hỏi mua căn chung cư gia đình đang sống, đến nỗi cô ấy phải vứt máy một chỗ, không dám nghe…

Đó là những cuộc điện thoại triền miên từ những số máy lạ trong hơn một năm nay. “Không hiểu lý do gì mà họ biết được số điện thoại của em” - vợ tôi phàn nàn về những cuộc gọi của các “cò chung cư” liên tục “nã” đến để hỏi mua căn hộ mà gia đình tôi đang sống.

Vì nhận được quá nhiều các cuộc điện thoại có cùng một nội dung, vợ tôi mới tò mò tìm hiểu, rồi hét toáng lên như vớ được vàng: “Ối trời ơi, căn hộ nhà mình nếu bán lời được gần gấp 2. Đấy, cứ bảo chưa bao giờ có tiền tỷ, giờ mình đang nằm trên đống tiền”, vợ tôi phấn khích.

Không riêng nhà tôi, các nhà hàng xóm cũng cùng chung cảnh ngộ vì những cuộc điện thoại lạ như vậy. Những thông tin cá nhân chẳng biết thế nào mà lại bị “rò rỉ” hết người này đến người khác cùng gọi; rồi cái cảm giác lâng lâng… trên mây “thời của chung cư, ở chán ở chê mà vẫn có lời”. Ngay như căn hộ nhỏ xíu như cái chuồng chim 45m2 ở khu ngoại ô mà tôi sở hữu đầu tiên, đã chuyển nhượng hơn 10 năm trước, vẫn có người gọi tới hỏi thông tin để mua…

Chung cư trên toàn Hà Nội đang trong cảnh sốt giá ảo là có thật.

Vợ tôi không biết nghe hóng ở đâu, về nhà nói chuyện như chuyên gia: “Tháng 4 này là cao điểm sốt chung cư, xong rồi sẽ lại hạ nhiệt, đâu lại vào đó”.

Đâu lại vào đó! Tôi suýt bật cười khi nghe suy nghĩ đơn giản của vợ. Làm sao mà lại “đâu vào đó” được, khi cả thị trường chung cư Hà Nội náo loạn, thậm chí hỗn loạn: ai cũng có tâm lý, hay bán nhà chung cư để mua đất nền đang ở giai đoạn chạm đáy? Rồi, chuyển căn hộ từ khu này sang khu khác, nhưng vẫn rơi vào thế bán được giá nhưng mua cũng giá cao ngất trời, không khác gì tự mình “bâm” vào chân mình. Chỉ những nhà đầu tư chung cư cũ ở tầng cuối cùng, không kịp tháo hàng phải cay đắng è lưng cõng lãi…

Trong khi đó, những người thu nhập thấp, những người thực sự có nhu cầu mua nhà để ở, thì ngậm ngùi đứng ngoài cuộc, vì không đủ sức mua. Giá một căn hộ, dù là cũ, tháng trước tháng sau đã bị đẩy giá lên cao hơn cả trăm triệu đồng, bằng cả một năm thu nhập của một gia đình…

Trong lúc đó, “cò chung cư” đã “thoát” từ khi nào, cầm chặt số tiền chênh lệch giữa người bán - nhà đầu tư.

Huyền - hàng xóm cùng khu chung cư gia đình tôi ở, công việc chính là ở nhà làm nội trợ, chăm con. Có thời gian, chị “chân trong chân ngoài”, bán thông tin của người bán cho người có nhu cầu mua, thế mà thành “cò chung cư” từ lúc nào không hay. Huyền tham gia tất cả các nhóm zalo của các khu dân cư, nơi hội họp đủ các câu chuyện “trên trời dưới biển”, từ chuyện than phiền tắc bể phốt, ống cống, chuyện ban quản trị tòa nhà mâu thuẫn với quyền lợi dân cư ra sao; là nơi “buôn thúng bán mẹt” của các chị, các mẹ bán hàng online…, nhưng cũng là nơi có các thông tin người có nhu cầu bán căn hộ, chuyển chỗ ở…

Huyền “nhặt” tất cả các thông tin đó, rồi đưa nó sang các hội nhóm mua bán chung cư, căn hộ cũ. Các căn hộ đem đi chào bán được “mã hóa”, thông tin chủ căn hộ bị khóa chặt, có kiểm soát. Giai đoạn đầu, tiền chênh lệch môi giới, Huyền được hưởng từ 50-100 triệu đồng. Riêng năm 2023, Huyền đã môi giới thành công hơn chục căn hộ, thu nhập ròng hàng trăm triệu đồng, “việc nhẹ lương cao” giữa lúc bao nhiêu ngành nghề đều “kêu trời” vì những khó khăn chồng chất vẫn còn tàn dư sau đại dịch Covid…

Có vốn, có thêm kinh nghiệm và đương nhiên, cả kiến thức và tệp khách hàng, từ “cò chung cư”, Huyền trở thành nhà đầu tư, đứng ra mua gom các căn hộ cũ, sửa sang, làm mới, bán hưởng chênh lệch số tiền hàng trăm triệu đồng/căn hộ.

Mức giá hiện đang được đội ngũ cò chung cư cùng chung sức thổi giá: một căn chung cư cũ dù có thời gian sử dụng trên dưới 10 năm đang ở mức trên 40 triệu đồng/m2. Đó là mức giá của những căn hộ/dự án chung cư hạng sang được các đơn vị phân phối chuyên nghiệp cách đó không xa.

Lần đầu tiên, những dự án chung cư tầm trung, chung cư thu nhập thấp, chất lượng xây dựng, vị trí, hạ tầng… thấp kém hơn rất nhiều, lại ở các vùng ngoại ô, xa trung tâm… khi mua mới có giá dưới 20 triệu đồng/m2, bây giờ cũng đang nhảy múa ở ngưỡng giá của các căn hộ chung cư cao cấp.

Và, những người góp phần tạo nên cơn sốt ảo, có những bà nội trợ chân chỉ, chân chất như Huyền - hàng xóm nơi gia đình tôi đang sống.

Có rất nhiều hệ lụy từ cơn sốt ảo mặt hàng nhà ở đã qua sử dụng; các chuyên gia, nhà phân tích đã cảnh báo. Thế nhưng, điều tệ hại mang lại, đó là những người thu nhập thấp, những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự, hằng ngày gom góp, cóp nhặt từng cắc bạc…, sẽ ngày càng rời xa giấc mơ mà họ chắt chiu cả cuộc đời.

Những người đang sở hữu căn hộ, như vợ tôi, đang phấn khích vì hằng ngày “nằm trên đống tiền” được thổi giá - họ sẽ là người hiểu rõ nhất giá trị căn hộ của mình, “bắt bệnh” được khu vực nơi mình đang sống và tự định giá được, nó thực sự có giá trị bao nhiêu?

Chúng ta, những người đang có nhà để ở, cũng chỉ mới đây thôi, vài năm trước đang hụt hơi đuổi theo giấc mơ có một chỗ ở ổn định để "an cư lạc nghiệp", chỉ khác là được chạm vào giấc mơ lành lặn ấy sớm hơn một chút. Chúng ta sẽ là tiếp tục nạn nhân của những “chiếc bẫy” được bày sẵn bởi một nhóm lợi ích cấu kết với nhau, với mục đích duy nhất: lợi nhuận, nếu như không tỉnh táo.

Cái mà nó để lại, đó là những tổn thương xã hội. Những người lao động sẽ bị đẩy ngày càng xa khỏi giấc mơ của mình. Nhiều người sẽ ngã lòng, bỏ cuộc ngang chừng, và xã hội sẽ phải tiếp nhận và những vấn đề có tên “an sinh xã hội”.

Và, bất luận thế nào, "làm xiếc" trên lưng người nghèo là tội ác!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm