| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 27/07/2024 , 15:24 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 15:24 - 27/07/2024

Bát mỳ tôm ở Lại Đà

5h30’ sáng, anh Ngô Duy Hùng, người dân Lại Đà, đưa lên cho tôi một bát mỳ tôm úp, bên trong có 3 miếng giò bò vẫn còn nghi ngút khói.

Tôi bất ngờ và xúc động đón bát mì tôm từ tay anh Hùng. Anh bảo: "Em ăn lấy sức còn làm việc cả ngày. Hôm nay, bà con về viếng chắc còn đông lắm!". Anh chị biết tôi vào làng sớm, mới 5h30' nên chưa kịp ăn sáng.

Tôi ăn hết bát mì cho đến giọt cuối cùng…

Đấy chỉ là một trong những nghĩa cử mà người dân quê hương Tổng Bí thư dành cho đồng bào khắp mọi miền gần một tuần nay, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi.

Cánh phóng viên chúng tôi về Lại Đà đưa tin sự kiện chính trị đau buồn, không ai mong muốn nó xảy đến. Tuy nhiên, nén đau thương, và cũng là cách bày tỏ sự kính trọng, lòng mến yêu… đối với nhà lãnh đạo mà nhân dân cả nước đang để tang, chúng tôi không ai bảo ai đều nhủ lòng: cố gắng làm tốt nhất nhiệm vụ để chuyển tải những câu chuyện, hình ảnh xúc động về lễ tang; tình cảm, sự yêu thương của đồng bào trước mất mát lớn lao của đất nước.

Sự chu đáo của chính quyền địa phương cũng khiến chúng tôi bất ngờ: các anh đã tới đặt vấn đề với các hộ gia đình xung quanh khu vực cử hành lễ tang để phóng viên báo chí có ngồi chỗ tác nghiệp, xử lý tin bài.

Nhà anh Ngô Duy Hùng đối diện với Nhà văn hóa thôn Lại Đà. Chị Hòa vợ anh là giáo viên tiểu học. Mẹ anh, một cụ bà hiền lành, nhân hậu như một hạt cơm. Cả gia đình anh nhường tất cả không gian, bàn ghế, chỗ ngồi, quạt điện, và cả những ổ cắm để sạc pin điện thoại, máy ảnh, lap-top… cho phóng viên. Những bài viết của chúng tôi đã được hoàn thiện ngay tại ngôi nhà của anh Hùng, giữa làng Lại Đà.

Sự ân tình, chu đáo của người dân quê hương Tổng Bí thư khiến chúng tôi ai cũng cảm động!

Sáng sớm ngày 26/7 - ngày thứ 2 của lễ Quốc tang, tôi trù liệu sẽ là một ngày nhiều sự kiện nên vào làng thật sớm, và đương nhiên, địa chỉ tìm đến là nhà anh Ngô Duy Hùng.

Khi ấy, cả làng Lại Đà như vừa tỉnh giấc. Những tốp người trong tổ phục vụ tất tả trên đường làng, người quét dọn vệ sinh, người kê bàn, bày nước, xách quạt điện… hướng ra đường chính, nơi những đoàn viếng sẽ đi qua.

Bát mì tôm anh Hùng pha cho tôi vào buổi sớm tinh sương, giữa làng Lại Đà là trong bối cảnh ấy!

Hai ngày trọn vẹn trên quê hương Tổng Bí thư, chúng tôi cảm được những nét văn hóa, văn vật trầm tích trong cả ngàn năm lịch sử ở ngôi làng cổ nhất mực thuần Việt này: những công trình tôn giáo đình, chùa, nghè, đền…; những thiết chế văn hóa… đâu đâu cũng quy củ, tinh tươm, nề nếp, và ánh lên cảm giác gần gũi, thân quen như chính quê hương mình.

Những người lớn tuổi ở Lại Đà, ai cũng mặc áo đen, đeo băng đen để tang bác Trọng. Phụ nữ vào tổ phục vụ, thanh niên tham gia tình nguyện, hướng dẫn… người dân đến viếng. Các cụ cao niên túc trực ở sân nhà văn hóa. Trẻ em thì yên ắng ở yên trong nhà, không đi lại ở đường làm ảnh hưởng tới công tác tổ chức. Gặp người lớn, đứa bé nào cũng khoanh tay lễ phép cúi chào.

Những thời khắc nóng nực, cả làng mang hết quạt điện hướng ra ngoài đường chính. Những cơn gió mát lành từ bên trong làng Lại Đà thổi ra xua đi những oi nồng của nắng nóng, sự ngột ngạt bởi số lượng rất lớn người dân khắp nơi cùng đổ về.

Chị Hương, xóm 15 trang phục quần áo đen, đội nón lá, đeo khẩu trang ngồi trực ở một chiếc bàn, bên trên là một hàng những chai nước lọc, một tập bìa giấy đã cắt thành mảnh nhỏ, xấp áo mưa để sẵn… Đó là những thứ Lại Đà dành cho đồng bào về viếng bác Trọng!

Chị Hương kể: có một gia đình trong làng vì cắm một lúc quá nhiều quạt điện khiến điện bị sụt, mất điện. Gia đình anh chị này chưa kịp báo người phụ trách điện, vì những ngày này ai cũng tập trung việc chính. Thế mà, một anh thợ điện đến, mắng: Sao không báo để sửa sớm. Để quạt không chạy, không bật, bà con người ta cười cho, lại nghĩ dân làng chắt bóp!

Anh thợ điện nói đúng quá. Anh chị kia chịu là phải. Rồi, chỉ mấy phút sau, mấy chiếc quạt lại quay vù vù…

Hay như vợ chồng anh Hùng - Hoa nhường hết không gian tầng 1, khoảng hiên để làm “trung tâm báo chí làng" cho chúng tôi, chiều hôm trước đã đi ra thị trấn xách về 2 chiếc quạt cây mới còn bọc nguyên giấy bóng bên ngoài, để phục vụ phóng viên và khách phương xa!

Chiều muộn, khi Lễ truy điệu Tổng Bí thư ở Lại Đà hoàn thành. Chúng tôi líu ríu chào từ biệt, cảm ơn gia đình anh đã hết lòng giúp đỡ, anh chỉ cười hiền lành: “Không có gì đâu các em. Ở Lại Đà nhà nào cũng thế. Các em vào nhà ai, bà con cũng đều tiếp đón như vậy cả!”.

Trước cửa nhà anh Hùng là ngôi đình cổ, góc đình có cây đề cổ thụ 300 - 400 tuổi, trùm bóng xanh mát. Một cây cột điện ngay lối vào nhà văn hóa thôn, đối diện cây đề. Trong đám bùng nhùng dây rợ trên cột điện, tôi thấy một đàn ong vàng đang làm miệt mài làm tổ, chiếc tổ đã to bằng miệng chiếc bát tô.

Người ta thường bảo, nơi nào có chim, ong… tìm về, nơi ấy hẳn là nơi đất lành!