| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 31/07/2024 , 07:08 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 07:08 - 31/07/2024

'Nếu bạn cần giúp đỡ xin hãy dừng xe tôi lại!'

Đó là dòng chữ dán ở kính sau của một chiếc xe hơi lưu thông trên phố Kim Mã tôi tình cờ gặp. Nó gồm đúng 15 chữ, nhưng lan tỏa quá nhiều thông điệp!

Tôi không có điều kiện tìm hiểu để biết chủ nhân chiếc xe đồng thời cũng là người dán dòng chữ trên là ai, và đã có bao nhiêu người dừng chiếc xe đó lại để được giúp đỡ. Nhưng tôi tin vào sự mở lòng của người bác sỹ đã đưa ra thông điệp ấy. 

Chiều 29/7, báo chí đăng hình ảnh một cán bộ cảnh sát giao thông sơ cứu kịp thời cháu bé lên cơn co giật khi cháu đang trên một chiếc xe ô tô lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Nhìn bức ảnh, tôi thấy gương mặt anh CSGT đang rất đau đớn. Nhưng, vì bức ảnh đó không thật rõ nên tôi chỉ phỏng đoán, anh đang bị cháu bé cắn ngón tay!

Khi hỏi đồng nghiệp đưa tin này, bạn phóng viên xác nhận: Cháu bé đang lên cơn co giật, miệng sùi bọt mép và có nhiều nguy cơ sẽ tự cắn phải lưỡi mình. Trong lúc cấp bách, chưa tìm được vật gì để nhét vào miệng cháu, người CSGT đã lấy ngón tay mình nhét vào miệng cháu, chấp nhận sự đau đớn!

Mà đau đớn thật. Tôi nhớ mãi gương mặt sạm đen của anh. Có lẽ, anh đã phải gồng người để chịu đựng sự đau đớn và để yên cho cháu bé cắn ngón tay mình. Trong lúc đó, đồng đội của anh đã kịp thời sơ cứu, giúp cháu bé qua khoảnh khắc ấy.

Đứa bé được đưa tới bệnh viện, một cách an toàn!

Vẫn câu chuyện của em phóng viên đồng nghiệp: Em đã chứng kiến một trường hợp tương tự, ngay trước mắt em. Nhưng lúc đó không ai kịp (hoặc không ai có kỹ năng, kiến thức như anh CSGT) để lấy một vật nhét vào miệng ngăn người ấy không tự cắn phải lưỡi mình. Thế là người ấy đã xấu số.

Kết nối 2 câu chuyện lại với nhau, tôi thấy, dòng chữ phía sau chiếc xe ô tô thật quý giá. Người bác sĩ kia đã chấp nhận “bị làm phiền”, dù có thể điều đó sẽ không xảy ra.

Trên con đường chúng ta đi hằng ngày, có vô số câu chuyện, tình huống xảy ra, và chúng ta - nhiều khi vô thức hoặc thành một phản xạ không điều kiện, là đều tránh xa những đám đông ồn ào để “không phiền hà tới bản thân”, hay “đó không phải việc của mình”, “ôm rơm làm gì cho rặm bụng”...

Nhiều người đã mất đi sự sống bởi chính những suy nghĩ như thế. Hoặc họ có thể sống và lành lặn trở lại, hoặc có thể may mắn sống nhưng mang trên mình những dị tật không bao giờ lành… Tất cả đều mong manh trên lằn ranh những suy nghĩ của chúng ta.

Tôi cũng mới nghe một câu chuyện phát trên radio - dạng “quà tặng cuộc sống”, “hạt giống tâm hồn” mà chúng ta có thể vẫn hư cấu nhằm mục đích giáo dục, dạy dỗ: một người đàn ông đang điều khiển xe trên đường thì bị một cậu bé cầm viên đá ném vào cửa kính. Giận dữ, người này dừng lại để dạy cho cậu bé một bài học về sự hỗn xược.

Khi anh đang túm cổ đứa trẻ lên và xối xả mắng mỏ, đứa trẻ cố gắng nói: "Cháu vẫy nhiều xe nhưng họ nghĩ cháu muốn đi nhờ, không ai dừng lại. Có một anh thanh niên tàn tật bị ngã khỏi chiếc xe lăn, cháu không thể một mình nâng anh ấy lên được nên nghĩ ra cách ném viên đá vào xe của chú để chú dừng lại".

Theo tay cậu bé chỉ, người đàn ông nhìn thấy một người tàn tật nằm đau đớn bên đường, chiếc xe lăn lăn lóc một bên…

Chuyện tiếp sau như thế nào, nhiều người cũng có thể đoán được, tôi xin phép không kể hết!

Tôi không chắc, người bác sĩ trên chiếc xe kia có từng nghe câu chuyện giống như tôi được nghe hay không, nhưng rõ ràng, anh đã không để người khác phải ném đá vào xe mình như cậu bé trong câu chuyện. Anh chủ động phát đi một thông điệp, giống như cậu bé thông minh, nhân hậu ném viên đá vào xe để tạo sự chú ý, và đã cảm hóa được rất nhiều người!

Người ngồi trên xe và dòng chữ đã trao cho người khác một sự lựa chọn tử tế, trong những tình huống mà không phải lúc nào cũng có sự lựa chọn!