Bác tôi giơ vạt áo, bàn tay toàn xương lấy ra một vật, một nửa tay khum khum dấm dúi gần như che kín, lau vội lên vạt áo, và rất nhanh lại tra nó vào chỗ vừa lấy đi, không ai kịp nhìn thấy.
Đó là hàm răng giả, có 3 chiếc cách nhau không theo thứ tự, được gắn với nhau qua một cái chân để khớp với chân hàm. Bộ hàm giả bằng nhựa gia công, lớp chân răng có màu đo đỏ gần như giống với màu lợi. Khi tra vào, giống như một bộ móng ngựa đã được ông thợ rèn đóng rất tài tình và in ắn, nó ăn khớp với hàm răng gốc suýt sao, gần như không ai nhận biết được.
Là lão nông, nên tính cách và phong thái của bác không bao giờ đổi: ông lão buổi sớm cỏ còn ướt sương đã thức trở dậy. Bữa ăn sáng là 3 điếu thuốc lào vỗ cho tụt nõ, cộng với bát nước chè xanh đong ra chiếc bát men sứ Hải Dương, không đợi nguội, một tay giữ đáy bát, tay kia vồng ra, lấy ngón trỏ búng coong coong lên thành bát, cứ ngỡ mỗi một lần búng, bát nước sẽ nguội đi. Nhưng không phải…
Con trâu gõ móng lên nền đất nện, thủng thẳng kéo phía sau một lão nông người xương xẩu, dù trời còn chưa nhọ, lần cúc áo ngực đã mở toang hoác hệt như một gã phong trần, trên vai là chiếc cày, phần gỗ bị mồ hôi rịn nhẵn như màu bồ hóng, phần lưỡi cày sáng loáng như có ánh trăng rọi…
Lần theo con đường cỏ mềm mại còn ngái ngủ đẫm sương, bác tôi kẻ những vạch khi ngoằn nghoèo, khi thắng tắp trên những ô ruộng trơ gốc rạ. Những vạch kẻ ấy, có thể do con trâu ngày hôm trước còn cố cày muộn nên mệt nhoài sau một đêm thiếu ngủ vẫn chưa tỉnh táo để làm tròn bổn phận. Nhiều năm, nhiều năm nữa, từ thời dong trâu của hợp tác xã nhận công điểm đổi thóc cho người, đổi rơm rạ cho trâu, cho đến khi chia ruộng cấy rẽ, những xá cày của bác tôi chưa có ai là người đứng ra kiểm đếm…
Có những buổi, ông lão lúi húi vòa tay xuống vũng nước như người ta đãi vàng, để tìm cho được một vật đánh rơi, đó chính là hàm răng giả ông lão hay tháo ra cho vào túi áo, chỉ khi nào ăn cơm mới lôi ra, một tay gần như vỗ đánh “phập” một cái như ông thợ mộc vỗ vai giường tra vào đúng mộng. Ra rằng, vì quá giữ gìn hàm răng giả đó, ông hay tháo ra, lắp vào, rồi cất nó vào túi áo ngực, rồi cũng vì quá cẩn thận nên khi ông loay hoay tra vai cày vào lưng trâu, nó thủng thẳng rơi xuống đánh “bủm” một phát như tiếng cá chép quẫy đuôi đẻ đêm Rằm…
Quê. Những gì quý giá thường hay cất kín. Mà, vì hay cất kín quá, nên nhiều khi thành quên, không tìm thấy được, đến khi tìm thấy thì nó đã thành vô giá trị. Giống như, người con gái lớn của bác tôi, thua mẹ tôi vài tuổi, cả thuở thiếu nữ đi làm thêu cho HTX, bao nhiêu công điểm đều đổi thành những tờ hai hào xấp thành xấp, rồi giấu kín trong bể thóc. Mãi sau này, khi bể thóc vì mọt quá, moi ra thì xấp tiền nếu không bị mục rũa, cũng trở thành mớ giấy lộn vì tiền cũ không còn lưu hành…
Nhiều con trâu cày đã qua tay bác tôi. Hoặc có thể gọi, bác tôi đã “qua tay” nhiều đời trâu cày. Con trâu, với nhà nông vùng Bắc bộ, chỉ khi nào nó già yếu quá, nó không trụ nổi qua mùa lạnh, một sớm mai thức dậy, sương lạnh giá đóng băng trên những ngọn cỏ già nua, lần ra chuồng trâu, không thấy tiếng gõ móng, gại sừng vào gióng, dù tối hôm trước, thương con vật lao lực, chủ của nó đã nắm một nắm cơm thật to, phía bên trong nhét một viên thuốc kháng sinh to bằng hạt gấc, mà nó cũng không qua khỏi!
Trâu chết để da. Bác tôi, mưa nắng lặn hết vào trong lớp da, mà không cần mặc áo, nó đã chuyển sang màu gần như đồng hun, đo đỏ…
Mùa nhàn rỗi, ông đi te, đánh xẻo. Con sông đào ở quê, với trẻ con, nó là một thể loại không thể đong đo chiều dài, bề sâu. Nó có thể nuốt cả một bầu trời đêm ngập tràn những ngàn sao, nhưng với những người trưởng thành, nó tính bằng những lần kéo lưới…
Bác bận độc chiếc quần đùi được chế từ một chiếc quần dài đã bị rách gấu, cắt bỏ hai ống quần đến ngang gối thành một chiếc quần lưng lửng. Chiếc giỏ tre đeo một bên hông, không biết có phải vì bên trong có nhiều tôm cua cá, hay vì nó bị ngấm nước quá no, trở nên nặng nề thành thử vạy hẳn một bên hông?!
Nhà bác ở liền ngõ đi chung, đi qua cửa nhà tôi mới vào bên trong, nên luôn luôn chị em tôi chờ bác về bằng được, để chạy sang ngó những thứ từ trong chiếc giỏ đổ ra chiếc chậu nhôm Liên Xô dày bịch: khi thì một vài con cá quả to cỡ quả chuối xanh, vài ba con rói mắt đỏ ngầu, vài con trê râu bắt đầu lún phún mọc, có đám tôm tép, cá vụn lẩn trong đám rong rêu lẫn vào bên trong. Buổi khó, cái nghèo nó lẩn cả vào rong rêu của những sông dài, bờ bãi, con cá con tôm cũng hẻo như bữa cơm mặn mòi của con người…
Làng. Từ chiếc bếp đun rơm heo hắt khói, những câu chuyện không đầu không cuối của lão nông đã qua bao nhiêu đời trâu cày, kể chuyện…
Giờ. Bác đã dừng chân bên vệt cỏ xanh ở quãng đồng cuối làng. Ông lão gày gò, xương xẩu, hiền lành, chưa đi ra ngoài quá xa và quá lâu, vẫn sống mãi trong những câu chuyện mà ông kể bên bếp lửa hun hút khói…
Giờ. Làng không còn những mảng khói xanh leo lét hắt lên từ những nóc bếp bằng rơm ra, bằng ngói mũi lợp. Những lão nông như bác ngày xưa đã thành thiên cổ.
Những đường cày mà bác đã đi. Những con đường mà bác chưa tới. Có thể, nó vẫn còn đó, hoặc cũng có thể, nó đã được đổi thành những thứ khác, hiện hữu hoặc không hiện hữu. Chỉ có những câu chuyện, và người giữ câu chuyện, là thứ chứng kiến sự tồn tại trên đời của một con người!