Năm 2004, 5 lão nông ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang lập hồ sơ xây dựng Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại (VAC - vườn, ao, chuồng). Chủ tịch huyện ký quyết định phê duyệt dự án. Xã tổ chức đấu thầu cho thuê đất công ích nông nghiệp, thời hạn 5 năm/lần, sau đó tiếp tục gia hạn…
Chủ trương này đã được thực hiện trong 15 năm liên tiếp; 5 chủ trang trại đều là những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, với mô hình chăn nuôi bò sữa, lợn thịt, ao nuôi cá kết hợp cây ăn quả, trồng hoa cây cảnh…
Nhưng, bước sang năm thứ 16, mọi việc trở nên dở dang khi ông chủ tịch xã yêu cầu thu hồi toàn bộ mặt bằng để tổ chức đấu thầu lại mặt bằng đất nông nghiệp. 5 nông hộ đứng trên đống lửa, bởi tài sản, cây cối, vật nuôi trên đất số lượng quá lớn; số tiền đầu tư vào đất đai, trang trại cũng quá nhiều, tính sơ sơ lên đến cả chục tỷ đồng/hộ.
Chết cái nữa là thông báo di dời đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát; cả nước đang thực hiện chỉ thị chống dịch, cấm đi lại, tụ tập đông người. Nông hộ phá đàn, phá ao… để bán tháo vật nuôi, dù chưa đến kỳ thu hoạch!
Nhưng, hệ lụy lớn nhất là từ đó tới nay (năm 2021), hơn 6ha đất nông nghiệp canh tác theo hướng trang trại ở tình trạng… hoang hóa: các chủ hộ đầu tư cầm chừng, không dám tái chăn thả… vì họ chưa được ký hợp đồng tiếp tục thuê đất. Họ trở thành những nông dân “nhảy dù” trên chính trang trại mà trước đó họ đang làm chủ, bỏ tiền của, công sức đầu tư xây dựng cải tạo!
Còn ông chủ tịch xã, người ra văn bản thông báo thu hồi nêu trên, đã… chuyển công tác sang làm lãnh đạo ở một địa phương khác, cũng vẫn trong địa bàn huyện. Câu chuyện có 2 hướng xảy ra: nếu thu hồi đất để tổ chức đấu thầu lại (vẫn mục đích nông nghiệp và phù hợp quy hoạch), địa phương sẽ phải đền bù cây cối hoa màu, tài sản trên đất cho các chủ trại. Nếu tiếp tục cho các hộ tái kí hợp đồng thuê đất, tiếp tục ổn định sản xuất, thì cái thông báo “mù mờ” của vị lãnh đạo xã nói trên đã chứng minh, năng lực quản lý rất… “cấp xã” của một lãnh đạo xã, đẩy người nông dân vào tình huống khó khăn trong 4 năm qua, và lãng phí nghiêm trọng tài nguyên đất đai - thứ mà ai cũng biết, nó là tài nguyên đầu vào, tài nguyên không thể thay thế.
Nhìn những cơ ngơi mà 3 - 4 năm trước là những điển hình tiên tiến của huyện, báo đài trong tỉnh về đưa tin để từ đó nhân rộng mô hình…, chỉ bởi một thông báo vội vàng, thiếu sự tìm hiểu kỹ lưỡng, giờ đang hoang tàn, ao thành vườn; chuồng thành nhà kho hoang phế… Thật xót xa!
Năm 2017, cũng tại Hưng Yên xảy ra sự việc, người dân tại các khu vực đất chuyển đổi (đất 03) đồng loạt… nhường chỗ ở, di dời gà lợn lên ở những ngôi nhà 2 tầng kiên cố, còn mình thì xuống ở nhà kho diện tích chừng 20m2. Đấy là khi Hưng Yên ra quân dẹp bỏ những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; các hộ nông dân khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đã xây nhà kiên cố (cho người) để tiện trông coi, chăm sóc tài sản.
Khi địa phương đi xử lý các công trình sai phạm, bà con chống chế bằng cách hoán đổi kể trên. Có tới hàng trăm trường hợp sai phạm như thế. Nếu đập bỏ các công trình đó, là sự lãng phí tài sản rất lớn. Nếu giữ lại, thì rõ ràng tiếp tay cho sai phạm.
Câu chuyện cho thấy, sự vào cuộc của chính quyền là khi sự đã rồi; và vai trò của các cấp chính quyền cơ sở để xảy ra sai phạm trong thời gian dài, rõ ràng là sự chểnh mảng, lơ là rất lớn!
Ngày 1/8/2024, Luật Đất đai sửa đổi với nhiều điểm mới, minh bạch, công khai, có lợi cho người sử dụng đất; thuận lợi cho nhà quản lý, trong đó có đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, trồng rừng… sẽ có hiệu lực. Nó được kỳ vọng sẽ chấm dứt những mâu thuẫn, hệ lụy như câu chuyện đang xảy ra ở Hưng Yên.
Luật, các văn bản pháp luật sẽ được xây dựng theo hướng ngày càng hoàn thiện. Đất đai sẽ trở thành tài nguyên, nguồn lực để tất cả các đối tượng đều được tiếp cận, sử dụng. Điều quan trọng, người sử dụng nó (nhà quản lý), và các đối tượng chịu sự quản lý (người sử dụng đất) phải có sự chủ động, tuân thủ chấp hành, như thế mới chấm dứt được những mâu thuẫn phát sinh, để có một môi trường ổn định, liền mạch, dài lâu.
Và những cán bộ cơ sở cần hoàn thiện thêm về năng lực chuyên môn, để không đưa những nông dân trở thành những nông hộ "nhảy dù" bất đắc dĩ!