| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 12/08/2024 , 15:30 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 15:30 - 12/08/2024

Thao túng tâm lý

Câu chuyện 'thổi' đấu giá đất vùng ven đô mức lên tới cả trăm triệu đồng/m2, sau đó ‘sang tay’ kiếm lời hàng trăm triệu đồng. Thấy gì từ hiện tượng này?

Ngày 10/8, huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) tổ chức đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Các lô đất có diện tích từ 60-85m2/lô với giá khởi điểm từ 8,6-12,5 triệu đồng/m2. Có 4.550 hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất được bán ra; hồ sơ đủ điều kiện là 4.439 hồ sơ với hơn 1.500 khách hàng.

Kết quả đấu giá trúng cho thấy, khoảng 15 lô có khởi điểm từ 955 triệu/lô đều “đội” giá lên hơn 7 tỷ đồng/lô. Tính bình quân, mức đấu giá trúng cao hơn giá khởi điểm gần 8 lần (từ 11-12,5 triệu đồng/m2 tăng lên trên 90 triệu đồng/m2).

Câu chuyện tương tự ở huyện Đan Phượng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km: cuộc đấu giá đất được tổ chức vào tháng 7/2024, mức đấu giá trúng có những lô lên tới gần 100 triệu đồng/m2, trong khi mức giá khởi điểm được đưa ra dao động từ 40-50 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, những lô đất được đấu trúng sau đó được chuyển nhượng, sang tay, chênh lệch vài trăm triệu đồng cho đến nửa tỷ đồng/lô.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai Nguyễn Công Quảng khẳng định, quá trình thực hiện phiên đấu giá đảm bảo đúng quy định, không có bất thường. UBND huyện đã giao công an huyện theo dõi, giám sát từ khi bán hồ sơ đến cả quá trình đấu giá. Nếu có gì bất thường sẽ yêu cầu dừng phiên đấu giá ngay.

Trong khi đó, thông tin rao bán bất động sản tại khu vực Thanh Oai trên các nền tảng xã hội, các văn phòng, trung tâm môi giới đất đai, giá đất khu vực xã Thanh Cao thời gian qua có xu hướng đi lên. Mức giá 3 tháng trước cuộc đấu giá vừa diễn ra dao động từ 18-39 triệu đồng/m2, trung bình rơi vào 28,5 triệu đồng/m2. Có thể thấy giá trúng đấu giá vẫn cao gấp khoảng 3 lần mặt bằng chung.

Đấu giá là hình thức minh bạch, dân chủ và văn minh. Mức đấu giá càng cao, địa phương, Nhà nước càng có nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, thông tin từ UBND huyện Thanh Oai, đây là phiên đấu giá đầu tiên của huyện trong năm 2024 nhằm tạo nguồn thu để huyện đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về cho ngân sách huyện Thanh Oai là 404,6 tỷ đồng, cao hơn 349 tỷ đồng so với mong muốn của địa phương này.

Tuy nhiên, điều lo ngại, những lô trúng đấu giá 90-100 triệu đồng/m2 sẽ có nhiều khả năng bỏ cọc. Việc "hét" giá những lô 90-100 triệu đồng/m2 nhằm tạo sự so sánh và thao túng tâm lý người mua, và là “cú hích” để rao bán những lô 50 triệu/m2 với số tiền chênh có thể lên đến vài trăm triệu. Những người đầu cơ sẵn sàng bỏ cọc (chỉ là rất nhỏ so với tổng số tiền của đất động sản đấu trúng) để đạt được mục đích chính của mình, đó là “đẩy hàng”.

Đây cũng là “chiêu thức” của những cò đất kiếm tiền từ việc tham gia các cuộc đấu giá đất ở các địa phương, tỉnh thành thời gian qua: mua nhiều hồ sơ để tham gia đấu giá, đẩy giá, tạo sức ép và sang tay ngay sau phiên đấu giá để ăn chênh lệch.

Vợ chồng “đại gia” Thái Bình Đường “Nhuệ” (Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương trước khi bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố) cũng kiếm tiền từ cách thức này.

Vợ chồng Dương - Đường tổ chức đàn em, chân tay là những kẻ xăm trổ, bặm trợn… tới các phiên đấu giá để uy hiếp tinh thần của những người tham gia phiên đấu giá, bên cạnh việc mang theo cả bao tải tiền bên mình để tạo hình ảnh “đại gia”. Những lô đất ở vị trí không đẹp, khả năng đấu giá thành công thấp thường được đem ra đấu giá đầu tiên - đây cũng là “nghệ thuật” của đơn vị điều hành phiên đấu giá - được vợ chồng Dương - Đường bỏ giá cao gấp nhiều lần. Chiêu thức này đánh vào tâm lý của những người lần đầu tham dự đấu giá, những người có nhu cầu đấu giá và sử dụng thực sự - e sợ, thường “chùn tay”.

Và cuối cùng, vợ chồng Đường - Dương đều đạt được mục đích: cặp vợ chồng này thu lời từ tiền chênh lệch mỗi phiên đấu giá vài trăm triệu đồng, và hầu hết đều bỏ cọc lô đất “xấu” đầu tiên mà họ thả giá cao, để lại cho địa phương phải đau đầu xử lý hậu quả!

Quan sát câu chuyện này, luật sư Hà Lê lý giải bản chất vấn đề bằng một điển tích “Tôn Tẫn đua ngựa”: Thời chiến quốc, quân sư Tôn Tẫn dùng ngựa hạ đẳng đua với ngựa thượng đẳng của Tề Uy Vương; dùng ngựa đẳng đua với trung đẳng; dùng trung đẳng của mình đấu với ngựa hạ đẳng của Vương. Kết quả làm Tề Uy Vương thua tâm phục, khẩu phục, trở thành quân sư lỗi lạc, đưa nước Tề bá chủ chư hầu.

Học kế này, cò đất dùng tiền tấn để bỏ miếng đất xấu; dùng tiền vừa để bỏ miếng đất đẹp; dùng tiền thấp để bỏ miếng đất vừa. Sau đó bỏ cọc. Kết quả bán chênh vài trăm triệu miếng đất vừa - và bỏ cọc miếng đất xấu”.

Sự khôn ngoan được sử dụng đúng chỗ sẽ giúp ích được cho xã hội, cộng đồng. Nhưng, áp dụng “kế đua ngựa” của Tôn Tẫn để thao túng những con người hiền lành, chất phác, tâm lý yếu để trục lợi, thì đó là một sự gian xảo, nhẫn tâm!

Bình luận mới nhất