| Hotline: 0983.970.780

Bất ngờ cao su Yên Bái

Chủ Nhật 13/12/2015 , 10:22 (GMT+7)

Lần thứ hai tôi lên đồi cao su Nghĩa Sơn thuộc đội đây cao su Văn Chấn. Thật không thể tin nổi đồi cao su mới hai tuổi mà đã cao vút đầu người chuẩn bị tạo tán. Ngoảnh sang diện tích cao su trồng 3 năm thì tán cây xanh rì đã trùm gần kín mặt luống.

Nằm giữa hai vùng sinh thái Đông Bắc và Tây Bắc, tỉnh Yên Bái nắng mưa bất thường đã khiến nhiều người nghi ngờ về cây cao su, nhất là sau mấy đợt rét cuối năm 2010 và đầu năm 2011 đã khiến 330 ha cao su mới trồng chết rụi. Chưa hẳn tin cây cao su trụ nổi ở Yên Bái, trong cái rét đầu đông tôi lên rừng cao su, điều khiến tôi bất ngờ về cây cao su trên mảnh đất nơi này…

Chưa năm nào thời tiết lại “ẩm ương” như năm nay, cuối tháng 11 mà mưa rào xối xả như giữa mùa mưa, nước sông Hồng lũ cuồn cuộn đục ngầu, còn bây giờ đang giữa tháng 12 mà mưa dầm dề kèm theo gió rét đến tê tái cả trời đất.

Ông Trương Công Tuyên, GĐ Cty CP Cao su Yên Bái rủ tôi lên thăm rừng cao su. Lạ cho cái ông này, ngày nắng chẳng mời đi còn rét mướt như thế này lại kéo nhau lên đồi thì có phải là “ấm đầu” không? Biết tính ông, người không chịu ngồi yên, vài ba hôm không lên đồi cao su thì ăn ngủ chẳng ngon, chân tay buồn bực như phát phiền. Thế là tôi đành miễn cưỡng theo ông ngược núi lên thăm đồi cao su mà không hề định trước.


Ông Trương Công Tuyên- GĐ Cty Cao su Yên Bái trao đổi kỹ thuật chăm sóc với công nhân đội Văn Chấn

Người dân Yên Bái từng trả giá cho một số cây trồng mà “di chứng” của những cây trồng đó đến nay vẫn chưa hết. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước huyện Văn Chấn trồng một loại cây chẳng biết là cây gì, nghe nói quả của cây này chữa được người nhiễm chất phóng xạ. Vì thế tên của cây gọi rất bí mật: Cây đen.

Cây đen thân gỗ cao hơn chục mét, quả to như quả sấu, nhưng rất ít quả. Người ta luộc hoặc rang, nhưng do thịt nhão nên chả mấy người ăn, quả rụng đầy gốc. Bây giờ cây đen đã chặt bỏ gần hết, một số gia đình giữ lại một vài cây để làm bóng mát.


Xới cỏ bồn cho đồi cao su 2 tuổi

Sau cây đen là ba cây: Trẩu, sở, lai được trồng nhiều nhất ở hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Nhưng khi cây có quả thì chẳng ai thèm mua, họ phải phá đi lấy đất trồng các loại cây trồng khác. Trẩu, sở lai thành “khổ sở lai”. Tiếp đến là cây cà phê Catimo, nhưng chỉ được mấy năm cây cà phê Catimo chính thức về…mo. Những hộ nông dân trồng cà phê Catimo đến nay còn đeo trên lưng món nợ gần 30 tỷ mà chưa biết bao giờ trả được.

Có lẽ do nếm trải vị đắng của những cây trồng đó nên Yên Bái chưa dám vồ vập cây cao su. Do nằm giao thoa giữa hai vùng sinh thái nên Chính phủ cho phép Yên Bái trồng thử nghiệm 3.000 ha cao su trước khi mở rộng diện tích lên 15.000-20.000 ha vào năm 2020.


Đo độ sinh trưởng của cây cao su

Năm 2010 Cty Cao su Yên Bái đưa các giống cao su: GT1, RRim 600, Ric 121, Lai Hoa 83/85 trồng 330 ha ở hai huyện Văn Chấn, Văn Yên. Niềm hy vọng về một cây trồng mới vừa được thắp lên bỗng lụi tàn sau một mùa đông dài lạnh giá, hơn 300 ha cao su chết không còn một cây.

Có nhiều lý do khiến cao su bị chết, trong đó hai yếu tố cơ bản là giống và thời gian trồng không phù hợp. Năm 2011 Cty đưa các giống: IAN 873, VNg 77-4, VNg 77-2 là những giống cao su chịu lạnh trồng 380 ha trên diện tích cao su bị chết, tiếp đến năm 2012 trồng 300,8 ha.

Ông Trương Công Tuyên: Đất Yên Bái là đất loại C, nhưng mọi người đều tận tâm tận lực với cây với đất, nên đồi cao su ở Yên Bái xanh tốt khiến nhiều người không thể ngờ tới, trải qua mấy mùa đông khắc nghiệt cây vẫn vươn lên như thách thức với giá lạnh. Cứ mức sinh trưởng như thế này chúng tôi không đợi đến năm thứ 8 mới cạo mủ, mà cạo trước một năm. Đó là điều chắc chắn…

Theo dõi sự sinh trưởng của cây cao su, năm 2013 Cty tự sản suất giống và tập trung trồng vào thời gian cây phát triển mạnh nhất từ tháng 4-8, diện tích hơn 600 ha để tới mùa đông cây đủ sức chống chịu được giá rét, năm 2014 trồng 818 ha.

Năm 2015 do giá mủ cao su rớt thê thảm nên nông dân nhiều tỉnh đã phá bỏ một số diện tích để thay thế cây trồng khác, nhiều nơi thì nghe ngóng nên không trồng mới.

Trong khi đó Cty Cao su Yên Bái trồng mới 240,6 ha, đưa tổng diện tích lên 2.507,2 ha.

Ông Tuyên cho hay: Mặc dù thị trường cao su đang trong thời kỳ khó khăn nhất, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong vài năm tới giá mủ cao su sẽ hồi phục và tăng trở lại.

Chính vì thế Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn cho phép Cty trồng mới để đảm bảo 3.000 ha như đề án đã đề ra…

Lần thứ hai tôi lên đồi cao su Nghĩa Sơn thuộc đội đây cao su Văn Chấn.

Thật không thể tin nổi đồi cao su mới hai tuổi mà đã cao vút đầu người chuẩn bị tạo tán.

Ngoảnh sang diện tích cao su trồng 3 năm thì tán cây xanh rì đã trùm gần kín mặt luống.

Ông Nguyễn Văn Khoa, đội trưởng đội cao su Văn Chấn không giấu được niềm vui: Chính tôi cũng không ngờ cây cao su ở đây lại lớn nhanh như vậy.  

Đội Văn Chấn có 48 công nhân là dân tộc Thái và Khơ Mú. Kể từ năm 2012 đã trồng được 450 ha cao su ở các xã: Nghĩa Sơn, Sơn A, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn và Trạm Tấu. Năm 2015 trồng mới 100 ha trên 140 ha kế hoạch.

"Nếu huyện Văn Chấn giải phóng được đất thì chúng tôi đã trồng hết diện tích từ tháng 8 rồi"-. Ông Khoa cho biết thêm.

Trời mưa quá nên chúng tôi chỉ lên được đồi cao su đội Sơn Lương. Thật không thể tin nổi trên con đường lên hai xã Sùng Đô và Nậm Mười cây cao su leo lên đồi thôn Bó Siu dốc dựng ngược như chóp nón.

Đây vốn là đồi hoang chỉ toàn lau sậy, đất cằn cỗi sau mỗi mùa nương rẫy cây cao su đang vươn mình xóa đi sự hoang hóa của mảnh đất nơi này.


Ngạc nhiên cây cao su 3 tuổi

Đội trưởng Lương Mạc Văn Dũng cho biết: Đội Sơn Lương có 540 ha, trong đó có 40 ha cao su trồng mới năm 2015. Toàn bộ diện tích cao su đều nằm trên sườn núi thuộc diện tích “đầu trâu mõm nai”, nghĩa là nơi không trồng nổi cây gì thì mới đến lượt cây cao su.


Đồi cao su mới trồng đội Sơn Lương

Điều khiến tôi bất ngờ là cây cao su mới trồng đầu năm nay tới giờ đã cao hơn 3m xanh rì 3 tầng lá. Ông Tuyên chỉ đồi cao su bảo: Tôi được Tập đoàn Cao su điều từ Cty Cao su Măng Rang ra đây tháng 4/2012. Đất Tây nguyên khá bằng phẳng, thuận tiện việc khai hoang, chăm sóc. Còn ở đây đồi núi dựng đứng, nên suất đầu tư gấp mấy lần. Công nhân phải cõng từng bao phân lên đồi để bón cho cây cực nhọc vô cùng…

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm