Theo hợp đồng mà ban tổ chức đưa ra cho các công ty thì có ba loại giải thưởng được trao và vị trí mỗi vị trí được xét tặng có khoản tiền tương ứng.
Loại giải thưởng Thương hiệu ưa chuộng, Top 10: 30 triệu đồng, Top 50: 20 triệu đồng, Top 100: 15 triệu đồng. Loại giải thưởng Sản phẩm tin dung, Top 10: 30 triệu đồng, Top 50: 20 triệu đồng, Top 100: 15 triệu đồng.
Loại giải thưởng Dịch vụ hoàn hảo, Top 10: 30 triệu đồng; Top 50: 20 triệu đồng; Top 100: 15 triệu đồng. Đơn vị muốn tham gia giải thưởng nào và muốn “top” nào, thì cứ thoải mái đăng ký và thoải mái… đóng góp tài chính tương ứng.
Hiện nay, mỗi năm có không biết bao nhiêu cuộc bình chọn nhắm vào… túi tiền của doanh nghiệp. Ngoài giải thưởng thường niên, còn xuất hiện thêm nhiều loại giải thưởng nhân dịp gì đó. Điều đáng nói là những người tổ chức hầu như không biết gì về hoạt động của doanh nghiệp, mà chỉ gửi thư mời tham gia kiểu đi câu cá, cứ gặp vũng nước hoặc cái ao nào cũng buông câu.
Chỉ cần nộp tiền, thì doanh nghiệp dù chỉ có một thành viên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc kiêm…tài xế cũng đươc vinh danh như một thiên tài kinh tế! Chính thị trường mua bán danh bát nháo mới xảy ra chuyện Công ty Vinaca sản xuất thuốc trị ung thư bằng bột tro cũng đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017 do chương trình “Đánh giá và truyền thông thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu năm 2017” của Hiệp hội chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu Việt Nam đăng cai.
Ở đời, hễ có “cầu” thì có “cung”. Thói háo danh tiềm ẩn của người Việt trong cơ chế thị trường lại càng bùng nổ trăm hồng ngàn tía. Thực tế đó, không phải các cơ quan quản lý không biết. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp.
Tại khoản 2, khoản 4, Điều 4 của Quyết định trên đã đưa ra quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, chẳng hạn cấm “huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng” hoặc cấm “tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”. Thế nhưng, những cuộc bình chọn vẫn vô tư mua bán danh hiệu bằng cách nguỵ trang nguồn thu dưới mỹ từ “hỗ trợ tự nguyện”. Và ai cũng hiểu, nếu không “hỗ trợ tự nguyện” thì hành vi vinh danh cũng “tự nguyện” biến mất!
Nếu không có biện pháp chấn chỉnh, thì thị trường mua bán danh sẽ khiến mọi giá trị trở nên vô nghĩa trong đời sống người Việt thời hội nhập!