Ngày 2/12, tại Trường Đại học Cửu Long, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ 11 (2025-2030) khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo báo cáo, 5 năm qua văn học Việt Nam tiếp tục chuyển động theo chiều hướng đa dạng, quyết liệt và chủ động hơn. Sự đa dạng không chỉ dừng lại ở nội dung mà trong cả ở hình thức biểu đạt. Điều dễ nhận ra trước tiên là các nhà văn không nề hà, lảng tránh bất cứ một đề tài hay một lĩnh vực xã hội nào.
Tại sự kiện, nhà thơ Ngô Thanh Vân, đại diện Đoàn Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam cho biết, văn học đã thể hiện trách nhiệm, lương tri của mình với cộng đồng, xã hội cũng như với sự phát triển của đất nước thông qua các tác phẩm văn học mang hơi thở cuộc sống, bám sát hiện thực đời sống.
Bên cạnh việc bày tỏ nỗi ưu tư, cảnh báo trước những hiện tượng suy thoái, tiêu cực trong xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực đạo đức. Văn học cũng tập trung đề cao, tôn vinh những giá trị nhân văn, tinh thần dân chủ, lòng tự tôn và tự tin dân tộc.
Những tác phẩm sáng tác đã chú trọng nhiều hơn đến chức năng phản biện, cảnh báo, cảnh tỉnh trước sự biến chuyển đa chiều của xã hội, chỉ ra những nguy cơ đối với tâm hồn, phẩm giá con người. Cùng mạch tiếp nối về đề tài lịch sử, 5 năm qua, sự xuất hiện của thể loại hồi ức, hồi ký và ký ức chiến tranh có thể coi là hiện tượng đáng lưu tâm…
Tại Đại hội, Hội Nhà văn khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã bầu 68 đại biểu tham dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam toàn quốc, nhiệm kỳ 2025-2030.